Thay vì phải bảo quản tế bào gốc ở nhiệt độ âm 196 độ C, chi phí đầu tư cho hệ thống lên đến hàng chục tỉ đồng, người bệnh ghép tế bào gốc phải chi trả rất cao, thì với kỹ thuật ghép tế bào gốc máu ngoại vi lưu trữ ở nhiệt độ âm 80 độ C, chi phí đầu tư chỉ hơn 100 triệu đồng, chi phí ghép cho người bệnh giảm đến 50%.

Lần đầu tiên Việt Nam ghép tế bào gốc chỉ lưu trữ ở nhiệt độ âm 80 độ C

Hồ Quang | 18/07/2017, 14:37

Thay vì phải bảo quản tế bào gốc ở nhiệt độ âm 196 độ C, chi phí đầu tư cho hệ thống lên đến hàng chục tỉ đồng, người bệnh ghép tế bào gốc phải chi trả rất cao, thì với kỹ thuật ghép tế bào gốc máu ngoại vi lưu trữ ở nhiệt độ âm 80 độ C, chi phí đầu tư chỉ hơn 100 triệu đồng, chi phí ghép cho người bệnh giảm đến 50%.

Ca ghép đầu tiên

Ngày 18.7, thông tin từ Bệnh viện Chợ Rẫy cho hay đã thực hiện thành công ca ghép tế bào gốc cho bệnh nhân D.V. Q. (50 tuổi, ngụ ở TP.Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận) bị ung thư hạch bằng kỹ thuật lưu trữtế bào gốc trong dung dịch hes 12%/ dmso 10%/ albumin 8% ở nhiệt độ âm 80 độ C. Đây là ca ghép tế bào gốc cho bệnh nhân ung thư bằng kỹ thuật lưu trữ tế bào gốc ở nhiệt độ âm 80 độ C lần đầu tiên bệnh viện này thực hiện và cũng là lần đầu tiên tại Việt Nam.

Trước đó, bệnh nhân Q. đến Bệnh viện Chợ Rẫy trong tình trạng khó thở, hạch to ở vùng cổ, bẹn, kích thước khoảng 3x4cm với đặc điểm chắc, di dộng không đau.

Qua chẩn đoán, các bác sĩ đã xác định bệnh nhân bị lymphoma không Hodgkin (ung thư hệ lymphoma).

Để điều trị cho bệnh nhân này, các bác sĩ quyết định thực hiện ghép tế bào gốc bằng kỹ thuật ghép tế bào gốc máu ngoại vi lưu trữ ở nhiệt độ âm 80 độ C trong dung dịch hes 12%/ dmso10%/ albumin 8%.

Bác sĩ Lê Phước Đậm - khoa huyết học, Bệnh viện Chợ Rẫy (người trực tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật này) cho biết nếu thực hiện ghép tế bào gốc bằng tế bào gốc được bảo quản trong dung dịch dmso 5%/ dextran 401% lưu trữ trong ni tơ lỏng ở nhiệt độ âm 196 độ C mà trước đây bệnh viện thực hiện sẽ rất tốn kém. Việc tốn kém này không chỉ có chi phí điều trị cho bệnh nhân mà còn tốn kém cả nhân lực, vật lực và kinh phí đầu tư cho hệ thống trên.

Đại diện khoa huyết học, Bệnh viện Chợ Rẫy tặng hoa chúc mừng bệnh nhân D.V.Q. (50 tuổi) được xuất viện và khỏe mạnh trở lại

Phân tích của bác sĩ Đậm cho thấy thiết bị lưu trữ tế bào gốc ở kỹ thuật ghép tế bào gốc được lưu trữ ở nhiệt độ âm 80 độ C chỉ là một tủ lạnh âm sâu, chi phí để mua chiếc tủ này khoảng 150 triệu đồng; còn ghép tế bào gốc được lưu trữở nhiệt độ âm 196 độ C thì phải có hệ thống lưu trữ tế bào gốc ở nhiệt độ âm 196 độ C lên đến hơn chục tỉđồng.

Tuy nhiên, việc ghép tế bào gốc đối với kỹ thuật lưu trữ tế bào gốc ở nhiệt độ âm 80 độ C trong dung dịch dịch hes 12%/ dmso10%/ albumin 8%, chi phí ghép cho mỗi bệnh nhân chỉ 50 triệu đồng (trừ bảo hiểm y tế), thời gian ghép chỉ 60 phút, nhưng chỉ cần 1 bác sĩ và 1 điều dưỡng; đặc biệt không có tác dụng phụ, thời gian nằm viện ngắn chỉ 3 tuần… Trong khi đó, ghép tế bào gốc được bảo quản ở nhiệt độ âm 196 độ C chi phí ghép cho một ca bệnh lên đến 100 triệu đồng (trừ bảo hiểm y tế), thời gian ghép lên đến 180 phút nhưng phải cần đến 2 bác sĩ và 4 điều dưỡng.

Cơ hội cho nhiều bệnh viện tuyến dưới ghép tế bào gốc

Ghép tế bào gốc ở Việt Nam thực hiện trên rất nhiều lĩnh vực trong đó có cả nông nghiệp và nghiên cứu khoa học đặc biệt là trong ngành y. Chính phủ đang có kế hoạch, xây dựng bản đồ tế bào gốc để đánh giá thành quả đạt được. Riêng trong ngành y, ghép tế bào gốc tự thân, ngoại lai, cuống rốn, tủy xương lấy trực tiếp từ tủy xương hoặc lấy từ máu ngoại biên (-196 và -80).

TS.BS Lê Hoàng Oanh, Phó giám đốc Trung tâm Truyền máu, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết ghép tế bào gốc tự thân (tế bào gốc được lấy từ chính người bệnh) như bệnh nhân Q. chỉ được thực hiện ở một số bệnh như: ung thư hạch, đa u tủy, ung thư tạng đặc… còn một số loại ung thư khác như ung thư máu là phải lấy tế bào gốc ngoại lai (lấy tế bào gốc từ người khác).

Riêng về ghép tế bào gốc bằng kỹ thuật lưu trữ tế bào gốc ở nhiệt độ âm 80 độ C trong dung dịch dịch hes 12%/ dmso10%/ albumin 8%, ông Oanh đánh giá kỹ thuật này không những ít tốn kém, hiệu quả trị cũng giống như kỹ thuật ghép tế bào gốc được lưu trữ ở nhiệt độ âm 196 độ C, nhưng với kỹ thuật này, nhiều bệnh viện, nhất là các bệnh viện tuyến dưới cũng có thể thực hiện được, vì chi phí đầu tư thấp, không tốn nhiều nhân lực, vật lực…

“Ngay khi mới về Trung tâm Truyền máu, Bệnh viện Chợ Rẫy, tôi đã nhiều lần xin ý kiến Ban giám đốc đầu tư hệ thống lưu trữ tế bào gốc ở nhiệt độ âm 196 độ C nhưng xin mãi vẫn không được, vì chỉ phí đầu tư quá lớn lên đến hàng chục tỉđồng, nên suốt thời gian qua, những bệnh nhân ghép tế bào gốc chúng tôi phải lấy tế bào gốc rồi chuyển sang Bệnh viện Truyền máu và Huyết học TP.HCM để lưu trữ”, bác sĩ Oanh chia sẻ.

Theo Bệnh viện ChợRẫy kỹ thuật ghéptế bào gốc được lưu trữ ở nhiệt độ âm 80 độ C trong dung dịch dịch hes 12%/ dmso10%/albumin 8% thời gian kéo dài 5 năm với tỷ lệ tế bào gốc sống trên 80%. Đây là kỹ thuật mà bệnh viện được Bệnh viện Đại học Tsukuba (Nhật Bản) chuyển giao.

Hồ Quang
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
7 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lần đầu tiên Việt Nam ghép tế bào gốc chỉ lưu trữ ở nhiệt độ âm 80 độ C