Khi Tết Nguyên đán Tân Sửu đang cận kề thì cũng là thời điểm những cơ sở, hộ gia đình sản xuất, chế biến, kinh doanh ở ấp Cảng lại tất bật vào vụ sản xuất các loại khô biển.

Làng khô xứ biển Sóc Trăng vào vụ tết

Vũ Phong | 12/01/2021, 06:00

Khi Tết Nguyên đán Tân Sửu đang cận kề thì cũng là thời điểm những cơ sở, hộ gia đình sản xuất, chế biến, kinh doanh ở ấp Cảng lại tất bật vào vụ sản xuất các loại khô biển.

Đây là thời điểm “vàng” để đẩy mạnh hoạt động sản xuất, tăng cường nguồn hàng hóa để phục vụ cho thị trường tết sắp tới. Làng khô ấp Cảng của xứ biển Trần Đề (TT.Trần Đề, H.Trần Đề) từ lâu đã là nơi nổi tiếng của tỉnh Sóc Trăng về việc chế biến và xuất bán các loại đồ khô. Đây là nơi chuyên cung cấp các loại khô đặc sản như hắc cáy (khô cá đuối đen), cá đuối, hai dao, cá rún, cá khoai, cá lù đù, lưỡi trâu, tép xẻ…

Ngoài ra, còn có nhiều loại khô lạt, tẩm vị và một nắng như cá đuối, cá dứa, mực… Các loại khô ở đây có từ vài chục ngàn đến vài trăm ngàn, thậm chí là 5-6 triệu đồng/kg, khách hàng dễ dàng lựa chọn theo nhu cầu.

1.jpg
Khách ghé mua khô tại Trần Đề - Ảnh: Vũ Phong

Anh Nguyễn Trung Nghĩa, người dân ấp Cảng cho biết: “Khoảng một tháng nay, không khí sản xuất khô tại ấp Cảng đã diễn ra khá sôi nổi, nhiều tàu, thuyền chở đầy hải sản vào đất liền, các gia đình, cơ sở chuyên sản xuất, kinh doanh khô cá biển tại xứ biển cũng bận rộn chọn nguyên liệu tốt nhất để phục vụ cho việc chế biến khô. Nghề làm khô tại ấp Cảng diễn ra quanh năm nhưng dịp cuối năm là thời điểm để các hộ, cơ sở làm khô đẩy mạnh sản xuất, nhằm đáp ứng nhu cầu cao điểm của thị trường”.

Tại các hộ dân, cơ sở chuyên chế biến và sản xuất khô, lượng nhân công đã được huy động tối đa nhằm đáp ứng lượng hàng hóa tăng nhanh. Để sản phẩm có mùi vị thơm ngon, đạt yêu cầu vệ sinh thực phẩm, người làm khô phải thực hiện nhiều công đoạn từ khâu chọn nguyên liệu đến quy trình thực hiện như sơ chế, tẩm ướp… Hầu hết đều được làm thủ công và phơi trực tiếp dưới ánh nắng.

2.jpg
Nguyên liệu được tập trung về cảng cá khá nhiều- Ảnh: Vũ Phong

Chị Lê Thị Bích, chủ cơ sở khô Phong Bích ở ấp Cảng chia sẻ: “Hiện nay cơ sở chúng tôi tự chế biến, bán hơn 10 loại khô các loại, trong đó chủ lực là khô lù đù, lưỡi trâu. Đặc biệt vào thời điểm này, cơ sở chúng tôi còn chế biến thêm khô cá khoai xẻ để bán cho mùa tết vì loại khô này được nhiều khách hàng gần xa ưa chuộng”.

Nhắc đến những hộ chuyên sản xuất và kinh doanh khô ở ấp Cảng thì không ai không biết đến hộ ông Lê Văn Dũng, chủ cơ sở khô Dũng - Phượng. Ông Dũng cho biết, gia đình ông đã chuẩn bị khô các loại từ hơn một tháng trước để đảm bảo đủ cung ứng cho thị trường tết sắp tới. Nhất là các loại khô đặc sản, nhu cầu luôn tăng cao. Ông Dũng cho biết thêm, năm nay ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nên các cơ sở chế biến, kinh doanh đồ khô tại ấp Cảng cũng gặp không ít khó, nhất là trong khâu tiêu thụ. Tuy nhiên, đối với các cơ sở làm ăn lâu năm, đã khẳng định được thương hiệu và chỗ đứng trên thị trường thì nguồn hàng và khâu tiêu thụ luôn ổn định.

3.jpg
Nghề sản xuất và mua bán khô giúp nhiều gia đình khá giả- Ảnh: Vũ Phong

Trong năm qua, thuận lợi chung của các cơ sở chế biến, kinh doanh đồ khô ở ấp Cảng là có lượng du khách ghé mua hàng thường xuyên khi đi du lịch về từ tuyến tàu Côn Đảo-Trần Đề. Do vậy, các cơ sở vẫn đảm bảo được khâu tiêu thụ. Ngoài việc phục vụ cho thị trường trong tỉnh, làng khô Trần Đề còn phục vụ cho nhu cầu của người dân các tỉnh, thành lân cận như Cần Thơ, Bạc Liêu, Cà Mau, nhất là thị trường TP.HCM.

Theo đánh giá chung của khách trong và ngoài tỉnh, đồ khô của ấp Cảng Trần Đề sạch, vừa miệng, chế biến theo phương pháp thủ công, không dùng các phẩm màu, hóa chất trong chế biến nên rất an toàn cho sức khỏe. Do đó làng khô ấp Cảng Trần Đề đã hình thành và phát triển hàng từ chục năm qua, thị trường ngày càng mở rộng. Nhiều gia đình đã gắn bó lâu năm với nghề làm nghề khô và xem đây là nguồn thu nhập chính, mỗi hộ đều có bí quyết chế biến riêng để bán sỉ, lẻ cho các chợ trong và ngoài tỉnh. Nhờ duy trì và phát triển nghề làm khô mà thời gian qua nhiều hộ gia đình tại TT.Trần Đề có cuộc sống ổn định, vươn lên khá giả.

4.jpg
Tàu vẫn ra vào cảng Trần Đề tấp nập- Ảnh: Vũ Phong

Theo ông Dương Thanh Ngân, Phó chủ tịch UBMD TT.Trần Đề năm nay nghề làm khô ở phát triển tương đối khá, từ 15 hộ chuyên làm khô của năm trước tăng lên đến 21 hộ trong năm nay. Ngoài ra còn có 12 hộ mua bán khô các loại. Để nghề làm khô phát triển bền vững, chính quyền địa phương luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các cơ sở và hộ gia đình sản xuất kinh doanh. Hiện nay các cơ sở sản xuất, kinh doanh đồ khô tại địa phương đang tích cực sản xuất, chuẩn bị hàng hóa cung ứng cho thị trường tết sắp tới.

Vài năm trở lại đây, khi có tuyến tàu cao tốc Trần Đề - Côn Đảo thì hoạt động mua bán khô ở ấp Cảng thuận lợi hơn, bởi lượng khách du lịch có dịp ghé lại để mua sắm các đặc sản của địa phương. Thời điểm cuối năm là lúc để các cơ sở và hộ gia đình làm nghề chế biến, buôn bán khô tích cực chuẩn bị nguồn hàng để cung ứng cho khách hàng gần xa.

Ông Quảng Đức Danh, Phó giám đốc Ban Quản lý cảng cá Trần Đề cho biết: “Năm qua, lượng hàng hóa qua cảng đạt trên 160.000 tấn, tăng 24% so với cùng kỳ. Trong đó lượng tàu thuyền cập cảng đạt gần 15.000 lượt. Nguồn thu của ngư dân không hề thua kém năm trước. Các hộ dân chuyên sản xuất, kinh doanh khô cũng đảm bảo được nguồn hàng và thị trường tiêu thụ”.

Cũng theo ông Danh thì từ nay cho đến Tết Nguyên đán sắp tới, lượng tàu vào neo đậu tại cảng sẽ tăng do các tàu đưa hàng cập cảng cuối năm; mặt khác, ngư dân về nhà để đón tết. Các chủ tàu cũng tranh thủ những ngày tết âm lịch tới để sửa chữa lại tàu trước khi xuất bến nên ban quản lý cảng cá đã bố trí các khu để tàu cá neo đậu được thuận tiện, an toàn đón tết.

Tại bến cảng Trần Đề trong những ngày này, từng đoàn tàu đánh bắt xa bờ liên tiếp cập cảng. Nguồn nguyên liệu dồi dào, các hộ sản xuất khô dịp tết càng có nhiều sản phẩm đưa ra phục vụ thị trường trong những ngày tết sắp tới.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tìm giải pháp đảm bảo an ninh nguồn nước vùng đồng bằng sông Cửu Long
3 giờ trước Bảo vệ môi trường
Ngày 26.4, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Trường Đại học Cần Thơ và báo Tuổi Trẻ phối hợp tổ chức hội thảo với chủ đề "Giải pháp về nguồn nước vùng đồng bằng sông Cửu Long".
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Làng khô xứ biển Sóc Trăng vào vụ tết