273 thiết bị y tế còn “nguyên đai nguyên kiện” trị giá hơn 33 tỉ đồng, nhiều năm qua vẫn nằm nguyên trong nhà kho của Bệnh viện đa khoa Cần Thơ. Điều đáng nói, số thiết bị này có được là từ nguồn vốn vay ODA, do Pháp tài trợ.
Mới đây, một lá đơn của tập thể cán bộ, nhân viên Bệnh viện đa khoa (BVĐK) Cần Thơ được gửi đến UBND TP.Cần Thơ. Nội dung đơn đề nghị lãnh đạo thành phố có hướng chỉ đạo để giải quyết khối thiết bị y tế không phù hợp với nhu cầu thực tế và một số không sử dụng được.
Theo đó, hiện có 273 thiết bị y tế được lưu giữ trong kho ở tầng trệt và tầng 2 của BVĐK Cần Thơ. Tổng trị giá của khối thiết bị này là hơn 33,3 tỉ đồng. Trong đó có một số thiết bị trị giá mỗi thứ hơn 2 tỉ đồng như: Thiết bị sản xuất oxygen độc lập 5M3/H có giá hơn 2,4 tỉ đồng; Hệ thống X-quang cao tầng hơn 2,4 tỉ đồng; Kính hiển vi phẫu thuật tai mũi họng giá hơn 1,7 tỉ đồng; Monitor di động không nhiễm từ (MRI) giá hơn 1,3 tỉ đồng…
Ngoài những thiết bị tiền tỉ này, hàng trăm thiết bị còn lại có giá từ vài triệu đến vài trăm triệu đồng, cũng bị bỏ xếp xó. Theo báo cáo của Phòng Vật tư thiết bị y tế (BVĐK Cần Thơ) vào tháng 5.2019, kho ở tầng trệt hiện không đảm bảo điều kiện nhiệt độ để bảo quản, ẩm thấp. Một số thiết bị trong danh mục này ban đầu đã khảo sát vị trí lắp đặt như: trụ khí treo trần, giá đỡ gia cố, tay gắn đầu giường, thiết bị khí đầu giường, thiết bị sản xuất oxygen, thiết bị kỹ thuật phòng mổ… nhưng do trong bệnh viện ban đầu đã có sẵn các hệ thống này nên không lắp đặt nữa.
Các thiết bị như máy phân tích đo điện thể não, thiết bị kích thích nghe nhìn cho điện thế não đã cấp về khoa nhưng không sử dụng và trả lại Phòng Vật tư thiết bị y tế… Máy làm ấm máu/dịch truyền điện tử gặp khó khăn về giá thu… Do đó, Phòng Vật tư thiết bị y tế đã xin ý kiến lãnh đạo bệnh viện đưa các thiết bị này vào sử dụng để tránh lãng phí vì đã qua 2 năm kể từ ngày nhận, những thiết bị này chưa được sử dụng.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Nghĩa - Phó giám đốc phụ trách BVĐK Cần Thơ thừa nhận có khối thiết bị trên đang nằm trong nhà kho bệnh viện. Tuy nhiên, ông Nghĩa cho rằng lúc lên danh mục các thiết bị này, UBND TP.Cần Thơ đã duyệt mua. Ngoài ra, những thiết bị y tế này là do Pháp tài trợ nên theo quy định, thiết bị có nguồn gốc từ Pháp phải chiếm tối thiểu là 70%.
“Nhưng máy móc của Pháp trên thị trường không phong phú lắm, hiệu quả không cao, vật tư tiêu hao mắc tiền”, ông Nghĩa nói. Số thiết bị đang nằm trong kho, khó đưa vào sử dụng, ông Nghĩa cho biết chỉ chiếm khoảng 5% trong tổng khối thiết bị được mua vào. Một lý do mà ông Nghĩa đưa ra cho việc này là tòa nhà bệnh viện được xây trước, còn dự án ODA thì có sau nên có một số thiết bị bị trùng, nên không sử dụng.
Ngoài ra, ông Phó giám đốc còn nói rằng số thiết bị tồn kho này là dùng để thay thế cho các thiết bị đang trong quá trình sử dụng mà gặp vấn đề hỏng hóc.
Sau khi nhận đơn của cán bộ, nhân viên BVĐK Cần Thơ, Phó chủ tịch UBND TP.Cần Thơ Võ Thị Hồng Ánh đã có chỉ đạo Sở Y tế nhanh chóng có báo cáo về vụ việc trước ngày 30.6.
Thanh Nguyên