Pháp và Anh, hai thế lực quân sự lớn nhất châu Âu, đã hợp tác với Mỹ tiến hành chiến dịch tấn công Syria vào ngày 14.4. Sau cuộc tấn công, giới lãnh đạo hai nước này phải cố gắng xử lý hệ quả mà quyết định của họ đem lại.
Quyết định tấn công Syria dựa trên một quan điểm chung mà ba nhà lãnh đạo Mỹ - Anh - Pháp đều chia sẻ. Đó là phải hành động để răn đe để chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad không tiến hành những cuộc tấn công sử dụng vũ khí hóa học nữa.
Những người ủng hộ xem cuộc tấn công là cách để giữ cho châu Âu có tiếng nói trong vấn đề Syria. Một số trong họ còn hy vọng “cơn mưa tên lửa” hôm 14.4 sẽ khiến các bên chịu ngồi vào bàn đàm phán và kết thúc cuộc chiến kéo dài 7 năm.
Thủ tướng Đức Chancellor Merkel xem hành động quân sự này là cần thiết và phù hợp. Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk cũng khẳng định: “Liên minh châu Âu (EU) sẽ đứng về phía công lý cùng với các đồng minh”.
Tuy nhiên với phe phản đối ở mỗi nước, việc bắt tay với Mỹ tấn công Syria của Anh, Pháp bị xem là động thái thể hiện “lòng trung thành” với một nhà lãnh đạo Mỹ khó đoán, một người mà châu Âu luôn giữ thái độ nghi ngờ. Một số nhà chỉ trích còn lo ngại chiến dịch quân sự tại Syria lần này sẽ khiến Nga trở nên “hung hăng” hơn với các nước láng giềng châu Âu.
Tại Pháp, Tổng thống Emmanuel Macron vốn đang phải đối mặt với những cuộc biểu tình phản đối cải cách của ông trong lĩnh vực dịch vụ công nay lại hứng thêm chỉ trích quanh quyết định điều quân đội nước mình tham gia cùng lực lượng Mỹ, Anh trong vụ tấn công Syria vừa qua.
Nhà lãnh đạo cánh hữu Pháp Marine Le Pen đánh giá cuộc tấn công đem lại những hậu quả nghiêm trọng, không lường trước được cho nước này, và chỉ trích ông Macron không có lập trường “độc lập”.
Chính trị gia cánh tả Jean-Luc Melenchon cũng phản đối sự tham gia của Paris vào cuộc tấn công vừa qua. Ông gọi đây là hành động leo thang vô trách nhiệm không được Nghị viện châu Âu lẫn Quốc hội Pháp ủng hộ.
Tuy nhiên, một số nguồn tin là quan chức Pháp cho biết Tổng thống Macron vào khoảng thời gian trước cuộc tấn công Syria diễn ra đã nói chuyện với Tổng thống Nga Vladimir Putin và “nhắc khéo” đến chiến dịch quân sự này. Ngoài ra, ngay sau khi kết thúc tấn công, Ngoại trưởng Pháp đã lên tiếng cam kết duy trì các kênh liên lạc với phía Moscow.
Vào năm 2003, khi cựu Tổng thống Mỹ George W.Bush phát động cuộc tấn công vào Iraq, Pháp đã lựa chọn đứng ngoài, không tham gia liên quân của Washington.
Về phía Thủ tướng Anh Theresa May, bà cho biết không có lựa chọn nào khác ngoài phải thực hiện cuộc tấn công Syria một cách nhanh chóng khi chưa thông qua Quốc hội nước này.
Mặc dù Thủ tướng May về mặt pháp lý không bắt buộc phải có sự chấp thuận của giới lập pháp, nhưng các lãnh đạo đối lập cho rằng bà có trách nhiệm về đạo đức để làm việc này.
Theo người lãnh đạo đảng Lao động Anh Jeremy Corbyn, “bà Theresa May nên có sự chấp thuận của Quốc hội chứ không phải chạy theo ông Donald Trump”. Ông Corbyn cảnh báo Thủ tướng Anh sẽ phải đối mặt với phản ứng dữ dội từ giới lập pháp nước này, và cuộc tấn công Syria có nguy cơ làm leo thang một cuộc xung đột vốn đã rất khốc liệt.
Đảng Bảo thủ của Thủ tướng May từ tháng 6 năm ngoái đã mất thế đa số trong Quốc hội Anh. Kể từ đó đến nay, chính phủ của bà gặp hết khủng hoảng này đến khủng hoảng khác.
Dự kiến trong ngày 16.4, Thủ tướng May và Tổng thống Pháp Macron đều sẽ phải ra điều trần trước quốc hội về quyết định điều quân đội nước mình tham gia cùng lực lượng Mỹ trong vụ tấn công Syria vừa qua.
Cẩm Bình (theo France24)