Trong chuyến thăm Nhật Bản từ tối 25 đến ngày 28.5, Tổng thống Mỹ Donald Trump gặp Thủ tướng Shinzo Abe, và các nhà phân tích đề cập nguy cơ CHDCND Triều Tiên sẽ lại phóng tên lửa để khiêu khích.

Lãnh đạo Mỹ-Nhật gặp nhau, Triều Tiên sẽ lại phóng tên lửa

Mỹ Trinh | 25/05/2019, 18:08

Trong chuyến thăm Nhật Bản từ tối 25 đến ngày 28.5, Tổng thống Mỹ Donald Trump gặp Thủ tướng Shinzo Abe, và các nhà phân tích đề cập nguy cơ CHDCND Triều Tiên sẽ lại phóng tên lửa để khiêu khích.

Ông Harry Kazianis, một chuyên gia về Triều Tiên ở tổ chức nghiên cứu Trung tâm vì quyền lợi quốc gia (Mỹ) nói có khả năng trong vài ngày tới, Triều Tiên sẽ lại phóng tên lửa, nhân chuyến đi Nhật của ông Trump.

Hãng tin AP nhắc dịp ông Abe gặp Tổng thống Mỹ ở tư dinh của ông Trump hồi tháng 2.2017, khi hai nhà lãnh đạo đang ăn tối thì Triều Tiên phóng một tên lửa đạn đạo tầm ngắn qua biển Nhật Bản. Trong các tháng tiếp theo, Triều Tiên tiếp tục phóng tên lửa vào vùng biển này.

Đến tháng 8.2017, Triều Tiên phóng thử một tên lửa đạn đạo tầm trung bình bay ngang qua Nhật. Vụ phóng này là chủ đề khi ông Trump thăm Nhật vào tháng 11.2017. Ông nói với các nhà báo rằng có thể cô lập tên lửa Triều Tiên vì ông Abe “sẽ bắn rụng chúng khỏi bầu trời khi ông ấy mua xong nhiều khí tài quân sự Mỹ”.

Qua năm 2018, quan hệ Mỹ-Triều ấm dần lên với hai cuộc gặp thượng đỉnh giữa ông Trump với Chủ tịch Kim Jong-un. Nhưng cuộc gặp ở Hà Nội hồi tháng 2.2019 đã bị cắt ngắn, sau khi hai nhà lãnh đạo không đạt đến một thỏa thuận nào về chương trình vũ khí hạt nhân (VKHN). Bữa trưa cùng ngày giữa hai nhà lãnh đạo bị hủy.

Lúc đó, ông Trump giải thích ông bỏ về vì Bình Nhưỡng đòi hỏi Mỹ phải nới lỏng lệnh cấm vận kinh tế đối với Triều Tiên, đổi lấy việc Bình Nhưỡng chỉ hủy bỏ một phần kho VKHN. Sau đó, Bình Nhưỡng ra thời hạn chót cuối năm 2019 Mỹ phải trình ra một thỏa thuận có thể chấp nhận được về chương trình tên lửa và VKHN của Triều Tiên.

Hồi đầu tháng 5.2019, Bình Nhưỡng đã có hai cuộc phóng nhiều tên lửa tầm ngắn, kết thúc giai đoạn ngưng phóng tên lửa đạn đạo vốn bắt đầu từ cuối năm 2017. Vài nhà phân tích nói các vụ phóng này là một chính sách “bên miệng hố chiến tranh” có chọn lựa, nhằm tăng sức ép lên Mỹ. Ông Kazianis nói: “Triều Tiên hiện cho thế giới biết một chiến lược ngoại giao mới sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều ở Hà Nội, đó là Bình Nhưỡng tự gây sức ép tối đa”.

Ngày 25.5, Cố vấn An ninh quốc gia Nhà Trắng John Bolton tuyên bố các vụ phóng tên lửa mới nhất cho thấy Triều Tiên vi phạm một nghị quyết LHQ, và ông yêu cầu ông Kim Jong-un trở lại bàn đàm phán. Ông nói nghị quyết này cấm phóng bất kỳ loại tên lửa đạn đạo nào, trong khi các chuyên gia tên lửa nói đó là những tên lửa tương đối nhỏ, dễ giấu dễ phóng và dễ điều chỉnh đường bay.

Ông Bolton nói Mỹ vẫn sẵn sàng đối thoại với Triều Tiên, nhưng không từ bỏ yêu sách đã đề ra ở cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều thất bại ở Hà Nội. Vị cố vấn cũng nói ông Kim Jong-un nên đồng ý gặp Thủ tướng Abe, điều có thể giúp tái lập cuộc đàm phán về số vũ khí của Triều Tiên.

Ông Trump sẽ cùng ông Abe chơi golf vào ngày 26.5 trước khi xem một trận đấu vật Sumo. Ngày 27.5, hai ông sẽ đề cập nhiều vấn đề, từ Triều Tiên đến Trung Quốc, thương mại song phương. Ông Bolton cũng nói hai nhà lãnh đạo Mỹ-Nhật cũng sẽ bàn chuyện căng thẳng leo thang Mỹ-Iran, và ông Abe đang xem xét khả năng đi thăm Iran vào giữa tháng 6 tới.

Hôm 24.5, Hãng thông tấn KCNA của Triều Tiên hôm 24.5 đã phát tuyên bố của Bộ Ngoại giao Triều Tiên, rằng sẽ không nối lại đàm phán với Mỹ, trừ phi Mỹ từ bỏ những đòi hỏi Triều Tiên phải từ bỏ VKHN. Người phát ngôn của Bộ cáo buộc Mỹ cố tình phá hoại cuộc gặp thượng đỉnh ở Hà Nội. Tuyên bố cũng nêu nếu Mỹ vẫn tiếp tục tỏ thái độ nghi kỵ, có hành động thù địch với Triều Tiên thì phản ứng của Triều Tiên sẽ mãnh liệt hơn.

Tiếp sau cuộc gặp ở Hà Nội thất bại, Triều Tiên cũng giảm mạnh việc làm thân với Hàn Quốc, dù Seoul rất muốn cải thiện quan hệ Hàn-Triều và giúp phục hồi đàm phán Mỹ-Triều. Hồi đầu tuần này, Hàn Quốc tuyên bố tiếp tục kế hoạch nối lại các cuộc viện trợ nhân đạo qua Triều Tiên. Nhưng không thể rõ các gói viện trợ này có tác động đến hành vi của Triều Tiên hay không. Bình Nhưỡng đã đòi Seoul có nhiều nhượng bộ lớn, như nối lại các dự án kinh tế liên Triều hiện bị chặn bởi Mỹ tiến hành cấm vận Triều Tiên.

Gần đây, Triều Tiên cũng phản đối mạnh, việc các quan chức Mỹ tịch thu một tàu hàng Triều Tiên dính líu chuyện xuất khẩu than lậu. Bình Nhưỡng đã đòi Mỹ trả lại chiếc tàu này.

Mỹ Trinh (theo Washington Times, AP)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chậm nhất ngày 17.5 phải công bố quyết định thanh tra thị trường vàng
Phó thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu chậm nhất ngày 17.5 công bố quyết định thanh tra thị trường vàng; xử lý nghiêm theo quy định các hành vi vi phạm, nhất là buôn lậu, thẩm lậu, trục lợi, đầu cơ, thao túng, đẩy giá, cạnh tranh không đúng quy định…
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lãnh đạo Mỹ-Nhật gặp nhau, Triều Tiên sẽ lại phóng tên lửa