Trong 4 tháng đầu năm 2018 có 19 quốc gia, vùng lãnh thổ nhận đầu tư của Việt Nam, trong đó dẫn đầu là Lào chiếm 52,2% tổng vốn đầu tư; Campuchia chiếm 16,9%; Cu Ba chiếm 13%.
CPI tháng 4 tăng mạnh nhờ gạo, xăng dầu
Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho hay, CPI tháng 4 tăng 0,08% so với tháng trước, trong đó 6/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng. Nhóm giao thông có mức tăng cao nhất 1,18%, chủ yếu do ảnh hưởng từ 2 đợt điều chỉnh tăng giá xăng, dầu vào ngày 7.4 và 23.4 (tác động làm CPI chung tăng 0,11%).
Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,18% do giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở và giá điện, nước sinh hoạt tăng. Nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,09%; văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,08%; giáo dục tăng 0,06% (dịch vụ giáo dục tăng 0,05%); thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,02% (dịch vụ y tế không đổi).
Các nhóm hàng hóa và dịch vụ còn lại có chỉ số giá giảm hoặc không đổi: Hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,18%, trong đó lương thực tăng 0,12% chủ yếu do giá gạo xuất khẩu tăng; thực phẩm giảm 0,33% do giá hầu hết các mặt hàng trong nhóm giảm (riêng giá thịt lợn tăng 1,25%). Nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,08%; may mặc, mũ nón, giày dép giảm 0,01%; hàng hóa và dịch vụ khác giảm 0,02%; đồ uống và thuốc lá không đổi.
Nguyên nhân khiến CPI tháng 4.2018 tăng là do giá các mặt hàng lương thực tăng, chủ yếu do giá gạo trong nước tăng theo giá gạo xuất khẩu. Bên cạnh đó, giá xăng dầu được điều chỉnh tăng vào ngày 7 và 23.4, nên bình quân tháng 4.2018 giá xăng dầu tăng 2,72% so với tháng trước làm tăng CPI chung ở mức 0,11%.
Tính bình quân CPI 4 tháng đầu năm 2018 tăng 2,8% so với cùng kỳ năm trước.
Ở chiều ngược lại, nguyên nhân kiềm chế tốc độ tăng CPI tháng 4 là do giá một số mặt hàng thực phẩm tươi sống giảm (giá thịt bò giảm 0,36%; giá thịt gà giảm 0,19%; giá thủy sản tươi sống giảm 0,85%; giá rau tươi giảm 3,4%) do nguồn cung dồi dào.
Tổng cục Thống kê cũng cho lạm phát cơ bản tháng 4 tăng 0,05% so với tháng trước và tăng 1,33% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân 4 tháng đầu năm nay tăng 1,34% so với bình quân cùng kỳ năm 2017.
Số doanh nghiệp thành lập mới tăng
Trong tháng 4, cả nước có 14.510 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 133,5 nghìn tỉ đồng, tăng 79,5% về số doanh nghiệp và tăng 64,5% về số vốn đăng ký so với tháng trước; vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp đạt 9,2 tỉ đồng, giảm 8,3%.
Trong tháng, cả nước có 3.281 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 82,2% so với tháng trước; có 6.138 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, tăng 71,3%; có 1.378 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 74%.
Tính chung 4 tháng đầu năm nay, cả nước có 41.295 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 412 nghìn tỉ đồng, tăng 4,3% về số doanh nghiệp và tăng 11,5% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2017; vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 10 tỉ đồng, tăng 6,8%. Nếu tính cả 749 nghìn tỉ đồng của gần 12,2 nghìn lượt doanh nghiệp thay đổi tăng vốn thì tổng số vốn bổ sung vào nền kinh tế trong 4 tháng năm 2018 là 1,1 triệu tỉ đồng.
Bên cạnh đó, còn có 11.442 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 0,9% so với cùng kỳ năm trước, nâng tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 4 tháng đầu năm nay lên hơn 52,7 nghìn doanh nghiệp. Tổng số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới 4 tháng đầu năm nay là 332,1 nghìn người, giảm 21,7% so với cùng kỳ năm trước.
Theo lĩnh vực hoạt động, trong 4 tháng đầu năm nay có 14,1 nghìn doanh nghiệp thành lập mới trong ngành bán buôn, bán lẻ (chiếm 34,2% tổng số doanh nghiệp thành lập mới), tăng 3,4% so với cùng kỳ năm trước; 5,7 nghìn doanh nghiệp xây dựng (chiếm 13,7%), tăng 2,8%; 5,1 nghìn doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo (chiếm 12,3%), giảm 3,5%...
Số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động trong 4 tháng đầu năm 2018 là 26.277 doanh nghiệp, giảm 4,1% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm 14.187 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 23,5% và 12.090 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể, giảm 24%.
Theo lĩnh vực hoạt động, số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn trong ngành bán buôn, bán lẻ là 5,5 nghìn doanh nghiệp (chiếm 38,9%), tăng 22,4% so với cùng kỳ năm trước; 2,2 nghìn doanh nghiệp xây dựng (chiếm 15,3%), tăng 22,6%...
Đầu tư FDI giảm 27% vốn đăng ký
Đầu tư trực tiếp của nước ngoài từ đầu năm đến thời điểm 20.4.2018 thu hút 883 dự án cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 3,5 tỉ USD, tăng 20,3% về số dự án và giảm 27,2% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2017.
Bên cạnh đó, có 303 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm đạt 2,2 tỉ USD, giảm 48,5% so với cùng kỳ năm trước.
Như vậy, tổng số vốn đăng ký cấp mới và vốn tăng thêm trong 4 tháng đạt 5.798,6 triệu USD, giảm 37,3% so với cùng kỳ năm 2017.
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 4 tháng đầu năm ước tính đạt 5,1 tỉ USD, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm 2017. Trong 4 tháng năm 2018 còn có 1.863 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn là 2.262,9 triệu USD, tăng 67% so với cùng kỳ năm 2017, trong đó có 1.087 lượt góp vốn, mua cổ phần làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp với giá trị vốn góp là 1,56 tỉ USD và 776 lượt nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần trong nước mà không làm tăng vốn điều lệ với giá trị 703,5 triệu USD.
Trong 4 tháng, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất với số vốn đăng ký của các dự án được cấp phép mới đạt 1.926,1 triệu USD, chiếm 54,2% tổng vốn đăng ký cấp mới; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 455,5 triệu USD, chiếm 12,8%; các ngành còn lại đạt 1.172,2 triệu USD, chiếm 33%.
Cả nước có 37 tỉnh, thành phố có dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài được cấp phép mới trong 4 tháng đầu năm, trong đó Hà Nội có số vốn đăng ký lớn nhất với 498,7 triệu USD, chiếm 14% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là TP.HCM 408 triệu USD, chiếm 11,5%.
Trong số 45 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam trong 4 tháng năm nay, Nhật Bản là nhà đầu tư lớn nhất với 877,7 triệu USD, chiếm 24,7% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Hàn Quốc 830,8 triệu USD, chiếm 23,4%.
Về đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài, trong 4 tháng năm 2018 có 34 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài với tổng vốn đầu tư của phía Việt Nam là 129 triệu USD, đồng thời 4 tháng năm nay có 11 dự án điều chỉnh vốn với số vốn tăng thêm là 24,6 triệu USD.
Tính chung vốn cấp mới và tăng thêm, tổng vốn đầu tư Việt Nam ra nước ngoài trong 4 tháng năm 2018 đạt 153,6 triệu USD, trong đó lĩnh vực tài chính, ngân hàng đạt 105 triệu USD, chiếm 68,3% tổng vốn đầu tư; lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 20,3 triệu USD, chiếm 13,2%.
Trong 4 tháng có 19 quốc gia, vùng lãnh thổ nhận đầu tư của Việt Nam, trong đó dẫn đầu là Lào chiếm 52,2% tổng vốn đầu tư; Campuchia chiếm 16,9%; Cu Ba chiếm 13%.
Lam Thanh