Ở trên đỉnh Hải Vân, phía địa phận Thừa Thiên-Huế, nơi cái miệng hầm thông gió kêu lên đủ tiếng xe cộ vọng từ dưới độ sâu hàng trăm mét phả lên trời, ông Thông đang xem thời gian bằng cả âm và dương trong một chiếc đồng hồ, nhìn không gian qua bàn đồ trống đồng và…bánh chưng.
Cái đồng hồ xem giờ âm và dương lịch. Tôi chỉ biết cách xem thông dụng 24 múi giờ, bảng chia múi giờ này nằm ở lớp giữa cùng. Mặt trước nó được gắn bảng chia múi giờ theo âm lịch, tức là 12 canh giờ, như ngày xưa ông bà ta thường xem bằng cách bấm đốt tay và nhìn màu trời. Mặt sau là bàn đồ giải mã trống đồng kết hợp cả âm dương ngũ hành cho cái đồng hồ kết hợp này. Nhìn chiếc đồng hồ như một tấm bánh chưng vuông. Mặt trước và sau trong suốt. Còn nhìn ngang bốn cạnh có màu xanh.
Chủ nhân của nó là ông Nguyễn Đình Thông (SN 1958), tổ trưởng tổ bảo vệ hầm thông gió hầm đường bộ Hải Vân. Hầm đường bộ Hải Vân rất dài và nằm sâu trong lòng núi nên cần nhất là dưỡng khí. Toàn bộ không khí lưu thông trong hầm được đưa vào từ biển qua đường thông gió dài 1,8km nằm trên đỉnh Hải Vân xuống với 2 tua-bin khổng lồ đẩy gió từ biển vào và hút khí bẩn từ trong hầm ra.
Ông Nguyễn Đình Thông với đồng hồ xem giờ âm dương và Rubik ngôn ngữ do mình chế tạo. |
Tiếng xe chạy ầm ầm, tiếng bóp còi inh ỏi vọng sâu từ trong hầm lên miệng thông gió là cảm nhận duy nhất sự sống động ở dưới kia. Nghĩa là chúng tôi đang ngồi ở trên hầm Hải Vân, trên cái công trình vĩ đại đâm xuyên qua núi để mỗi ngày có hàng ngàn lượt xe cộ đi tắt qua, thay vì men theo đường đèo khúc khuỷu đầy hiểm nguy mà bao thế hệ đã khai phá.
Ông Thông đang nói về chiếc đồng hồ, phát minh của mình từ năm 2009. Ông nói nó được làm dựa trên nguyên lý âm dương ngũ hành trong Kinh Dịch thể hiện qua bàn đồ bánh chưng bánh dày và mặt trống đồng Việt Nam. Ông nói chiếc đồng hồ này có thể xem giờ âm, dương, xem ngày giờ hoàng đạo, xem tuổi…được diễn giải trên mặt phẳng hình học.…
Đời Hùng Vương, Lang Liêu được xem là người làm ra chiếc bánh chưng. Bánh chưng vuông, trong là nhân đậu, giữa là gạo nếp. Sợi lạt buộc chia bánh thành 12 phần tượng trưng cho 12 tháng trong năm. Ngày Tết bánh chưng được dâng lên cúng tổ tiên ông bà như là một vật phẩm tinh túy của văn minh lúa nước.
Để dâng một phẩm vật lên vua không hề dễ, biết đâu, trong nhân bánh đó, lúc đó Lang Liêu giấu tâm thư gửi cho vua kế sách trị quốc an dân, sau này ông được chọn là vua nối dõi.
Và biết đâu, ngày xưa ông bà ta đã biết được Trái Đất tròn, bánh chưng vuông chỉ là miêu tả thuận tiện cho bốn hướng thì sao. Để thể hiện thiên văn, người ta ghi chép vào mặt trống đồng. Mặt trống đồng, thể hiện trên đó như một cuốn lịch âm hoàn hảo của người xưa theo chu kỳ quay của Trái Đất và Mặt Trăng…
Đây có vẻ là một cách lý giải mới về sự vật và truyền thuyết của ông.
“Nhưng cách xem đồng hồ dương lịch thì dễ, còn xem theo giờ âm thì như thế nào”?, tôi hỏi. “Trên mặt đồng hồ xem giờ âm, tôi chia ra 12 địa chi, đặt tên tắt từ các nguyên âm tiếng Việt để biểu thị cho giờ đó như Ơ là hợi (giờ hợi), I là khỉ (giờ thân), Ă là rắn (giờ tị)… Bộ khóa của chiếc đồng hồ là NĐT 58. Trong Kinh Dịch và thuyết ngũ hành phương Đông, số 5 và số 8 rất quan trọng. Số lẻ là dương, số chẵn là âm. Cũng như trong trống đồng, chấm tâm ở giữa là bắt đầu cho không, thời gian. Cách xem đồng hồ âm dương cũng vậy”.
Tôi lại hỏi vì sao lại có chuyện kết hợp bánh chưng với cả trống đồng trong một cái đồng hồ. Ông bảo: “Xét kỹ về khía cạnh hình học thì chiếc bánh chưng vuông nó cũng có thể triển khai được các định lý hình học trên đó. Lồng mặt trống đồng đã được cách điệu vào trong mặt bánh chưng trong suốt với các số đo cụ thể, tôi sẽ có một cái thước đo được khoảng cách các vật xa, kể cả khoảng cách ước lượng giữa sao Ngưu Lang và Chức Nữ. Các chỉ số hình học trên trống đồng rất đáng kinh ngạc”.
Cận cảnh chiếc đồng hồ xem giờ âm dương. |
Chắc là ông hay ngắm sao trời. Tôi cũng có thú vui ngắm sao và tìm hiểu về thiên văn, nhiều lúc mơ mộng kiểu thông tường trời đất và lòng người như sách vở. Ông bảo, con người, ai cũng vậy, phải sống qua thời đoạn.
Ông kể: “Như tôi đây, quê ở Ninh Bình. Năm 1978 vào tỉnh Gia Lai-Kon Tum làm ở văn phòng ban kinh tế mới. Sau đi bộ đội ở đoàn K (chiến trường Campuchia). Ra quân về làm bên giáo dục chuyên nghiệp tỉnh Gia Lai-Kon Tum. Rồi đi học đại học. Rồi ra làm ngành xây dựng. Lúc đó, tỉnh thu 5% phí đối với tất cả trong ngành xây dựng. Công ty tôi cũng gặp khó khăn, đổ vỡ. Mãi năm 2000 mới về lại Đà Nẵng, đưa luôn vợ con về.
Đời nó vậy, lúc tôi làm giám đốc, nói gì người ta cũng bảo đúng. Đến khi gặp khó khăn thì ly cà phê cũng chẳng ai mời. Nên, những người dù ‘nhìn’ được, thì họ cũng chỉ để chiêm nghiệm lại cuộc đời mà thôi. Người trẻ, phải dám sống cùng hoài bão, hướng thiện và dám chịu trách nhiệm. Chứ chưa nói cái sự nghiên cứu và tìm tòi thì không bao giờ dừng cả.
Bây giờ tôi làm ở đây, như giữa một lòng chảo trên dãy Hải Vân, công việc cũng nhẹ nhàng, tôi lại thích được ngắm sao bằng mắt thường, tìm hiểu kỹ thêm về Kinh Dịch (đã từng có nhiều nghiên cứu và tuyên bố Kinh Dịch là của người Việt Nam chứ không phải Trung Quốc), là cách để hoàn thiện chiếc đồng hồ xem giờ âm dương. Và càng nghiền ngẫm, thấy tri thức mình có càng nhỏ bé so với mênh mông vũ trụ…
“Ông có định công bố sản phẩm?”. “Tôi vẫn đang hoàn thiện. Vì từ chiếc đồng hồ âm dương, tôi cũng đang tạo ra khối Rubik tiếng Việt. Bản thảo của hai cái này tôi đang làm”.
“Rubik tiếng Việt này giải quyết được toàn bộ về hệ thống âm vị tiếng Việt, các vần, các âm tiết đặc biệt; làm cơ sở cho việc để dấu và xác định ‘i’ hay ‘y’. Theo cách sắp xếp chữ cái và màu sắc (nguyên lý âm dương ngũ hành, mỗi màu đại diện cho trời hay đất), Rubick ngôn ngữ này sẽ lập được phương pháp xoay Rubik 6 mặt chuẩn nhất”, ông giới thiệu.
Dãy Hải Vân choài ra biển. Đường đèo như một sợi chỉ vắt vẻo thả trôi nổi trên sườn núi. Có hầm rồi nên đèo rất vắng. Tối, trên đường đèo chỉ nghe thấy tiếng gió hú. Thi thoảng lại có một chiếc xe tải mệt mỏi trườn xuống dốc rồi lại rù rì leo lên, mất hút sau khúc cua. Trên là núi, dưới là vực, chỉ có những am thờ với đèn nến cháy leo lắt quyện với mùi hương lởn vởn ở trong các hốc đá bên đường. Bao người đã bỏ mạng ở đây. Người ta không dám dừng chân vì sợ một điều gì đó mơ hồ, mà đúng hơn là thấy phận người quá nhỏ bé và yếu ớt trước thiên nhiên mù mịt và hùng vĩ.
…