Những ngày qua, lực lượng chức năng đã kiểm tra và phát hiện, thu giữ nhiều rượu giả, rượu kém chất lượng.
Tết Nguyên đán là thời điểm nhu cầu sử dụng rượu bia cao nhất. Lợi dụng điều đó, kẻ xấu đã trà trộn rượu giả, rượu kém chất lượng vào hàng đưa ra thị trường, làm ảnh hưởng xấu tới sức khỏe người tiêu dùng.
Trước tình trạng này, lực lượng chức năng đã tăng cường quản lý, kiểm tra. Liên tiếp những vụ rượu giả, rượu kém chất lượng được phát hiện, thu giữ và tiêu hủy trong những ngày qua.
Lực lượng quản lý thị trường tỉnh Bình Dương vừa tiến hành kiểm tra, phát hiện 15.818 chai rượu ngoại nhập các loại không có dán tem rượu nhập khẩu đối với sản phẩm rượu nhập khẩu theo quy định.
Lô hàng có tổng trị giá ước tính trên 15 tỉ đồng. 3 chiếc xe ô tô tải cùng nhãn hiệu Hino, màu trắng; biển kiểm soát là 68H - 011.03, 70H - 014.19 và 71H - 019.70 đỗ tại bãi đất trống ở khu phố Bình Hòa, phường Bình Nhâm, thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương.
Tất cả số rượu ngoại nhập các loại nói trên đều không dán tem rượu nhập khẩu theo quy định. Tại thời điểm khám xét, tài xế không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hàng hóa.
Cũng mới đây, gần 2.000 chai rượu dán nhãn mác nước ngoài đã bị cơ quan chức năng tỉnh Phú Yên phát hiện và tạm giữ khi đang được vận chuyển vào TP.HCM. Tại thời điểm kiểm tra, tài xế không xuất trình được hóa đơn, chứng từ của số hàng hóa này. Điều đáng nói là rượu có nhãn mác nước ngoài nhưng không tem nhập khẩu.
Còn tại tỉnh Quảng Bình, cơ quan chức năng cũng vừa phát hiện hơn 900 chai rượu các loại ghi sản xuất ở các nước Anh, Mỹ, Chile... Toàn bộ số rượu này tuy dán tem rượu nhập khẩu nhưng tem bị nhòe, chữ in trên tem không sắc nét, tem dán vào sản phẩm không chắc chắn, dễ dàng bong tróc nguyên tem mà không bị rách tem. Một số chai rượu có số sêri của tem trùng nhau...
Chỉ trong vòng 1 tuần, lực lượng chức năng tỉnh Quảng Trị liên tục bắt nhiều vụ vận chuyển, buôn bán rượu ngoại nhập lậu trị giá nhiều tỉ đồng. Qua đây mới thấy sức nóng của mặt hàng này những ngày gần tết. Cụ thể, ngày 15.1, Công an huyện Cam Lộ bắt giữ 1.500 chai rượu ngoại nhập lậu với tổng trị giá hơn 2 tỉ đồng. Qua xác định, những người này có hành vi vận chuyển hàng nhập lậu nên lực lượng công an huyện đã tiến hành bắt giữ và khám xét phương tiện, thu giữ hơn 1.500 chai rượu ngoại có tổng giá trị hơn 2 tỉ đồng. Tại thời điểm kiểm tra, 2 tài xế không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của số rượu trên.
Tổng cục Quản lý thị trường cho biết không chỉ mặt hàng rượu, tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, nhất là thực phẩm, quần áo, nhu yếu phẩm... tiếp tục gia tăng trên cả nước vào thời gian cận Tết. Tổng cục đã triển khai nhiều biện pháp để chủ động, kịp thời phát hiện, ngăn chặn hiệu quả các hành vi vi phạm.
Bán rượu ngoại nhập lậu có thể bị đi tù đến 20 năm
Theo khoản 2 điều 3 Thông tư liên tịch 36/2012/TTLT-BCT-BCA-BTP-BYT-TANDTC-VKSNDTC, rượu nhập lậu là rượu thành phẩm, rượu bán thành phẩm có nguồn gốc sản xuất từ nước ngoài, không có đủ hóa đơn chứng từ. Buôn bán rượu nhập lậu là một trong những hành vi vi phạm pháp luật.
Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, việc buôn bán rượu nhập lậu sẽ bị phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội buôn lậu quy định tại điều 188 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
Cá nhân buôn bán rượu nhập lậu có thể bị đi tù đến 20 năm. Căn cứ điều 188, cá nhân phạm tội buôn lậu sẽ bị phạt tiền từ 50 - 300 triệu đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm khi: số rượu lậu trị giá từ 100 triệu đồng trở lên; số rượu lậu trị giá dưới 100 triệu đồng nhưng cá nhân đã bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc đã bị kết án về một trong các hành vi quy định về tội buôn lậu; tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới; tội sản xuất, buôn bán hàng cấm; tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm; tội sản xuất, buôn bán hàng giả… chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
Nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp: có tổ chức; có tính chất chuyên nghiệp; vật phạm pháp trị giá từ 300 đến dưới 500 triệu đồng; thu lợi bất chính từ 100 đến dưới 500 triệu đồng; lợi dụng chức vụ, quyền hạn; phạm tội 2 lần trở lên... thì bị phạt tiền từ 300 triệu - 1,5 tỉ đồng hoặc phạt tù từ 3 - 7 năm.
Ngoài ra, người phạm tội này sẽ bị phạt tiền từ 1,5 - 5 tỉ đồng hoặc phạt tù từ 7 - 15 năm khi vật phạm pháp trị giá từ 500 triệu đến dưới 1 tỉ đồng, hoặc thu lợi bất chính từ 500 triệu đến dưới 1 tỉ đồng.
Nặng nhất, người phạm tội còn có thể bị áp dụng mức phạt tù từ 12 - 20 năm nếu thuộc một trong các trường hợp: vật phạm pháp trị giá 1 tỉ đồng trở lên; thu lợi bất chính 1 tỉ đồng trở lên; lợi dụng chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh hoặc hoàn cảnh đặc biệt khó khăn khác.
Ngoài ra, cá nhân vi phạm có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 20 - 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 - 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Như vậy, cá nhân buôn bán rượu nhập lậu có thể bị phạt tiền đến 5 tỉ đồng hoặc phạt tù đến 20 năm. Tuy nhiên, vì lợi nhuận mang lại cao nên người ta vẫn tìm mọi cách để vận chuyển, buôn bán hòng kiếm lời bất chính.