Việc sử dụng các đơn vị quân sự tư nhân trong 'cuộc chiến chống khủng bố' của Mỹ đã truyền cảm hứng cho Nga và các cường quốc khác tạo ra lực lượng lính đánh thuê của riêng mình.

Lính đánh thuê Mỹ Blackwater tạo tiền đề cho Wagner phát triển?

Hoàng Vũ (theo Aljazeera) | 14/08/2023, 11:04

Việc sử dụng các đơn vị quân sự tư nhân trong 'cuộc chiến chống khủng bố' của Mỹ đã truyền cảm hứng cho Nga và các cường quốc khác tạo ra lực lượng lính đánh thuê của riêng mình.

Sau cuộc nổi loạn của tập đoàn quân sự tư nhân (PMC) Wagner ở Nga, nhiều nhà quan sát cho rằng người sáng lập Yevgeny Prigozhin sẽ phải trả giá đắt cho hành động của mình, có thể là bằng tính mạng. Thay vào đó, chỉ huy lính đánh thuê chỉ bị gửi đi "lưu vong" ở nước láng giềng Belarus và các chiến binh của ông tiếp tục hoạt động bên ngoài Nga và Ukraine. Prigozhin được cho là đã gặp riêng Tổng thống Nga Vladimir Putin và sau đó thông báo rằng PMC của ông sẽ tập trung vào công việc của mình ở châu Phi.

Phó giáo sư tại Khoa Lịch sử, Đại học Bang California, ông Ibrahim al-Marashi nhận định rằng không có gì đáng ngạc nhiên khi nhà lãnh đạo Nga quyết định duy trì một lực lượng lính đánh thuê đã được chứng minh là khá hiệu quả trong việc thúc đẩy chính sách đối ngoại của ông ở châu Âu, Trung Đông và châu Phi. Ông Putin có thể đã học được kinh nghiệm từ Mỹ - quốc gia vốn phụ thuộc nặng nề vào các tập đoàn quân sự tư nhân, đã mở đường cho nhu cầu tư nhân hóa quân sự ngày càng tăng trên toàn cầu.

blackwater-vs-wagner.png
Chiến binh Wagner (trái) và lính đánh thuê Blackwater - Ảnh: India Today

Đối với Mỹ, Nga và các cường quốc khác, các nhà thầu quân sự đang đóng vai trò là phương tiện thuận tiện tham gia các xung đột nước ngoài giúp giảm thiểu căng thẳng tiềm ẩn trong nước.

Lính đánh thuê PMC

Các tập đoàn quân sự tư nhân (PMC) hoạt động như một công ty có đăng ký kinh doanh, được chính quyền nơi đặt trụ sở công nhận. Phần lớn thành viên PMC là cựu binh hoặc cựu cảnh sát, nên họ đã được huấn luyện và có kinh nghiệm thực tiễn. Lực lượng của PMC có quyền tiếp cận với các khí tài hạng nặng như xe tăng, trực thăng và máy bay chiến đấu và có thể đảm nhận nhiều nhiệm vụ như bảo an, hậu cần, vận chuyển, thu thập thông tin tình báo.

Việc sử dụng các nhà thầu quân sự của chính phủ Mỹ không phải là điều mới mẻ, nhưng trong hai thập kỷ qua, nó đã được mở rộng rất nhiều. Trong khi trong Thế chiến thứ hai, 10% lực lượng vũ trang Mỹ được ký hợp đồng tư nhân, thì trong “cuộc chiến chống khủng bố” được phát động vào năm 2001, con số này lên tới khoảng 50%.

Cần hàng trăm nghìn nhân lực để thực hiện các hoạt động quân sự ở Afghanistan, Iraq và các nơi khác, nhưng với lo sợ phản ứng dữ dội trong nước, chính phủ Mỹ đã phải chuyển sang ký hợp đồng với PMC.

Kể từ khi bắt đầu “cuộc chiến chống khủng bố”, Lầu Năm Góc đã chi 14 nghìn tỉ USD, với một phần ba hoặc một nửa trong số đó dành cho các nhà thầu quân sự tại các khu vực chiến sự. Phần lớn số tiền này được dùng cho các hợp đồng liên quan đến hậu cần, xây dựng và cung cấp vũ khí, nhưng một phần khá lớn cũng được trả cho lính đánh thuê của PMC.

Số thành viên từ các nhà thầu quân sự tư nhân hiện diện tại Iraq năm 2008 đã lên tới 163.400 (bao gồm cả những người không có vai trò chiến đấu) so với 146.800 lính Mỹ. Vào năm 2010, đã 112.100 nhân viên thuộc PMC cùng 79.100 lính Mỹ đóng quân ở Afghanistan.

Việc rót hàng nghìn tỉ USD vào các PMC đã giúp tạo ra một ngành công nghiệp nhà thầu quân sự rộng lớn và mạnh mẽ lan rộng ra toàn cầu và thay đổi cách các cường quốc lớn và nhỏ tham gia vào chiến tranh cùng các chủ trương chính sách đối ngoại vũ lực khác.

Việc sử dụng các nhà thầu quân sự có thể giúp các chính phủ xoa dịu các cử tri không muốn gửi quân đội quốc gia đi thực hiện các sứ mệnh rủi ro ở nước ngoài cũng như trốn tránh trách nhiệm đối với các tội ác chiến tranh.

Điển hình vào năm 2007, lính đánh thuê Blackwater của Mỹ đã giết 14 thường dân Iraq trong một cuộc hỗn chiến ở Quảng trường Nisour ở thủ đô Baghdad. Những người này không thuộc hệ thống chỉ huy của quân đội Mỹ. Họ đã được Bộ Ngoại giao Mỹ ký hợp đồng tư nhân để đảm bảo an ninh cho nhân viên và công dân Mỹ tại Iraq.

Khi chính phủ Iraq quyết định thu hồi giấy phép của Blackwater, họ phát hiện ra rằng công ty này chưa bao giờ có giấy phép ngay từ đầu. Hơn nữa, thủ phạm của vụ thảm sát trên không phải tuân theo luật pháp Iraq, vì vậy họ không thể bị xét xử trên đất Iraq.

Năm 2015, một tòa án Mỹ đã kết án 3 cựu nhân viên của Blackwater 30 năm tù và một người tù chung thân vì vụ thảm sát, nhưng chỉ 5 năm sau, Tổng thống Donald Trump đã ân xá cho họ trước khi rời nhiệm sở.

Vụ thảm sát Quảng trường Nisour cho đến nay không phải là tội ác duy nhất mà lính đánh thuê Mỹ gây ra. Bạo lực mà các nhà thầu quân sự tham gia đã góp phần làm lan rộng lập trường phản đối Mỹ ở Iraq, làm suy yếu các nỗ lực chống nổi dậy do Washington lãnh đạo - một yếu tố chính sau này đã tạo điều kiện cho sự trỗi dậy của ISIL (ISIS).

Bất chấp những rắc rối này, Mỹ đã không loại bỏ PMC và tiếp tục dựa vào chúng, ngay cả sau khi rút khỏi Afghanistan và Iraq. Chuyên gia Ibrahim al-Marashi cho rằng ngành công nghiệp PMC đang phát triển mạnh mẽ ngày nay, mở đường cho các cuộc chiến ủy nhiệm bạo lực trên toàn cầu là một trong những di sản của “cuộc chiến chống khủng bố” của Mỹ.

Ảnh hưởng của lính đánh thuê Mỹ với Wagner

Điện Kremlin có thể đã theo dõi chặt chẽ việc chính phủ Mỹ sử dụng các nhà thầu quân sự tư nhân ở Afghanistan và Iraq và hiểu được lợi ích của họ. Theo một số nhà quan sát, Moscow có thể muốn một phiên bản Blackwater của Nga để sử dụng trong các chính sách đối ngoại của mình.

Các chiến binh Wagner lần đầu tiên được sử dụng vào năm 2014 để hỗ trợ Nga ở miền Đông Ukraine. Sau đó, họ được triển khai ở Syria, Libya. Tính hiệu quả của lính đánh thuê Nga đã khuyến khích các nhà lãnh đạo chính trị và quân sự từ khắp châu Phi sử dụng dịch vụ của họ, điều này đã củng cố vị thế quốc tế và phạm vi tiếp cận chính sách đối ngoại của Moscow.

Wagner cũng đã chứng minh sự hiệu quả của mình trong chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine. Lực lượng của Wagner không nằm dưới sự chỉ huy trực tiếp của quân đội Nga, điều này cũng trở thành một vấn đề lớn đối với Điện Kremlin.

Cuộc nổi loạn vào tháng 6 có lẽ là một diễn biến bất ngờ đối với Nga. Điện Kremlin đã loại bỏ lực lượng của Wagner khỏi lãnh thổ Nga và chiến sự ở Ukraine, song rõ ràng họ chưa sẵn sàng khai tử các hoạt động của tập đoàn quân sự tư nhân này ở nước ngoài bởi những lợi ích về kinh tế và chính trị mà họ mang lại.

Mối nguy từ PMC

Bằng cách dựa vào lính đánh thuê, các cường quốc trên thế giới đã làm suy yếu nhiều chuẩn mực pháp lý quốc tế nhằm bảo vệ dân thường trong thời chiến.

Các lính đánh thuê của các tập đoàn quân sự tư nhân thường sẽ không bị quản lý bởi luật pháp địa phương nơi họ hiện diện. Điều này dẫn tới tình trạng thành viên của PMC hành động thiếu trách nhiệm hơn những người lính chính quy.

Khi các binh lính chuyên nghiệp vi phạm quy định, họ sẽ bị xét xử bởi tòa án binh. Nhưng với lính PMC, rất để buộc những người này chịu trách nhiệm hay giải trình về hoạt động của họ. Do đó, nếu không được quản lý chặt chẽ, các lực lượng như Blackwater hay Wagner đang biến thế giới thành một nơi nguy hiểm hơn nhiều.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tìm giải pháp đảm bảo an ninh nguồn nước vùng đồng bằng sông Cửu Long
4 giờ trước Bảo vệ môi trường
Ngày 26.4, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Trường Đại học Cần Thơ và báo Tuổi Trẻ phối hợp tổ chức hội thảo với chủ đề "Giải pháp về nguồn nước vùng đồng bằng sông Cửu Long".
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lính đánh thuê Mỹ Blackwater tạo tiền đề cho Wagner phát triển?