Hàng hóa Thái Lan đang tăng trưởng vượt bậc tại thị trường Việt Nam, không chỉ lấn lướt hàng Trung Quốc mà còn đe dọa cả sản phẩm trong nước.

Lo bị hàng Thái đè bẹp

Một Thế Giới | 18/01/2016, 07:38

Hàng hóa Thái Lan đang tăng trưởng vượt bậc tại thị trường Việt Nam, không chỉ lấn lướt hàng Trung Quốc mà còn đe dọa cả sản phẩm trong nước.

Gần đây, hàng Thái Lan, từ nông sản đến hàng tiêu dùng, đã xuất hiện nhiều trong các siêu thị, cửa hàng chuyên doanh, chợ truyền thống, hội chợ...
Chuyển từ hàng lậu sang nhập chính ngạch
Trên mạng đã xuất hiện nhiều trang không chỉ chào bán mà còn hướng dẫn chi tiết cách kinh doanh hàng Thái, như kinh nghiệm chọn hàng, phương thức thanh toán, thủ tục hải quan… cho thấy sự sôi động của nguồn hàng này. Đại diện Công ty SSJ Express (quận Phú Nhuận) cho biết nhu cầu mua hàng hóa từ Thái Lan của người tiêu dùng Việt Nam đã tăng cao trong những năm gần đây do chất lượng tốt, giá cả hợp lý, trong khi đa phần hàng Trung Quốc kém chất lượng lại có nhiều nguy cơ gây hại cho người sử dụng.
Không còn là hàng lậu như trước đây, đa phần hàng Thái được chuộng ở Việt Nam như hóa mỹ phẩm, thực phẩm đã được nhập chính ngạch. Chị Nguyễn Thị Trang (ngụ quận 9, TP.HCM) cho biết xung quanh nơi chị cư ngụ đã mọc lên nhiều cửa hàng chuyên bán sản phẩm từ Thái Lan.
Gần đây, ngoài hàng tiêu dùng thông thường, những cửa hàng này còn bán đặc sản Tết từ Thái Lan. “Vài ngày trước, tôi ghé chợ hỏi mua cây lau nhà, hộp nhựa đựng mứt, người bán hàng giải thích hàng Thái tuy giá cao hơn một chút nhưng chất lượng và bền hơn hàng trong nước” - chị Trang kể.
Theo tổng giám đốc một công ty sản xuất các loại nước rửa chén, nước xả vải, cách đây không lâu, ông tham dự một hội chợ hàng Thái Lan ở TP.HCM và bất ngờ khi thấy nhiều người chen nhau mua. “Giá cao hơn nhưng chất lượng thì tương đương hàng Việt Nam . Tuy nhiên, do tâm lý sính ngoại nên hàng Thái được nhiều người ưa chuộng. Đây là nguy cơ lớn đối với hàng Việt ngay trên sân nhà” - vị này nhận định.
Nông sản thua rõ
Bắt đầu soán ngôi đầu bảng của Trung Quốc từ tháng 6-2014 về nhập khẩu rau quả vào nước ta, hàng Thái liên tục duy trì vị trí này cho đến nay với mức tăng trưởng ấn tượng 2 con số.
Ông Mai Quốc Thái, Phó Chủ tịch Hiệp hội Trang trại và Làm vườn TP.HCM và là chủ vườn lan hơn 6 ha, cho biết với hoa lan, Việt Nam chỉ chen được vào thị trường “ngách” là denro chậu do sản phẩm không có lá sum sê như hàng Thái. “Hoa lan của Thái, ngoài lá xanh tốt, mỗi cành có thể đến 10 bông nên các cửa hàng rất chuộng, trong khi hoa của mình nhiều lắm chỉ được 5-6 bông” - ông Thái so sánh.
Ngày 15-1, khảo sát tại Metro Bình Phú (quận 6), một số loại nông sản Thái đã có mặt tại đây như gạo, me... Ông Võ Thành Dương, Phó Chủ nhiệm phụ trách kinh doanh HTX Nông nghiệp Phước An (nơi sản xuất rau VietGap và được chứng nhận Chuỗi thực phẩm an toàn TP.HCM), cho rằng việc nông sản tươi sống Thái Lan tràn vào Metro chỉ là chuyện nay mai khi hệ thống phân phối này đã thuộc về người Thái.
“HTX chúng tôi cung cấp rau quả cho Metro từ nhiều năm qua nhưng vừa bị cắt hợp đồng. Bây giờ, thuế nhập khẩu còn 0%, họ nhập hàng từ Thái Lan qua đây gần bằng chi phí từ một tỉnh xa của miền Tây về TP.HCM” - ông Dương lo lắng.
Theo TS Võ Mai, Phó Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam, chuyện rau quả Việt thua hàng Thái đã hiện hữu bởi nông sản của họ không chỉ ngon, đẹp mà còn rẻ. “Nông sản Việt cũng ngon, phong phú nhưng chưa đẹp, trong khi giá không ổn định, phần lớn là cao hơn hàng Thái.
Nguyên nhân là do sản xuất của ta manh mún, chi phí cao, sản phẩm không đồng đều. Thái Lan liên kết trong sản xuất, tạo thành quy mô lớn. Nhờ quy mô lớn, chất lượng và mẫu mã ổn định nên Liên minh HTX trồng xoài của họ quyết định được giá bán và thường là rẻ” - TS Mai phân tích.

Trong nước chỉ còn hàng rào kỹ thuật là an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc. Điều này Thái Lan cũng làm tốt hơn nên chúng ta khó bảo vệ được hàng trong nước. Còn cạnh tranh trên thị trường quốc tế, theo nhiều doanh nghiệp (DN) trong nước, nông sản Thái đang lợi thế hơn ở thị trường Bắc Mỹ do chỉ phải đóng phí bảo hiểm cho người tiêu dùng 5%-15% trị giá lô hàng, trong khi hàng Việt Nam vừa nâng lên mức 50% vì bị xếp vào nhóm các nước có nguy cơ mất an toàn cao.

Theo TS Mai, cách duy nhất là phải đẩy nhanh việc tập hợp nông dân vào các HTX kiểu mới thì mới mong hạ được giá thành, kiểm soát được an toàn thực phẩm. Nếu không, rau quả Việt sẽ thua cả Campuchia. Gần đây, ở TP HCM, me Campuchia đã xuất hiện khắp nơi. Hiện nay, Việt Nam còn trái sa-pô-chê và vú sữa là hàng Thái chưa thể qua mặt. Tuy nhiên, 2 nông sản này muốn xuất khẩu được phải có công nghệ sau thu hoạch tiên tiến.

Thuê đối thủ... kiểm định chất lượng!
Thái Lan là đối thủ chính của Việt Nam trong xuất khẩu gạo nhưng hiện DN trong nước phải gửi mẫu sang nước này để kiểm định chất lượng, nhất là tồn dư thuốc bảo vệ thực vật và phải tốn chi phí hơn 500 USD/mẫu.
Mới đây, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đã kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm đầu tư phòng kiểm định đạt tiêu chuẩn quốc tế đặt tại ĐBSCL để tạo thuận lợi cho DN xuất khẩu gạo. Về kiến nghị này, Thứ trưởng Bộ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho biết sẽ ghi nhận nhưng gợi ý VFA nên kêu gọi xã hội hóa, còn chờ nhà nước đầu tư thì rất lâu. Nếu DN nào có khả năng xây dựng phòng kiểm định, bộ sẽ giúp một phần kinh phí từ nguồn tài trợ của nước ngoài.
Ngọc Ánh - Linh Anh - Người lao động
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh quản lý nhà nước về thương mại điện tử
2 giờ trước Theo dòng thời sự
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Công điện số 119/CĐ-TTg ngày 25.11.2024 yêu cầu một số bộ liên quan và các địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về thương mại điện tử.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lo bị hàng Thái đè bẹp