Theo ĐBQH Nguyễn Thị Thủy, nếu phải chờ thêm 2 năm nữa mới được thông qua Luật Thuế thu nhập cá nhân sẽ khiến nhiều người dân trong cảnh "thắt lưng, buộc bụng" nhưng vẫn thuộc diện phải nộp thuế thu nhập cá nhân.
Lo ngại dân "thắt lưng buộc bụng" vẫn phải nộp thuế thu nhập cá nhân
Thảo luận tại Quốc hội, đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) cho rằng mức giảm trừ gia cảnh chưa phản ánh đúng thực tế cuộc sống.
Bà Thủy cho hay, theo quy định, mức giảm trừ gia cảnh đối với người nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng và đối với mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng.
Cử tri cho rằng, mức giảm trừ gia cảnh nhất là mức giảm trừ đối với người phụ thuộc 4,4 triệu/tháng là quá lạc hậu. Điều này cần được Quốc hội xem xét sửa đổi sớm, mà không nên chờ đến hai năm nữa, nghĩa là đến năm 2026 mới được thông qua như đề xuất.
Đại biểu Thủy phân tích, mức giảm trừ này đã được duy trì từ năm 2020, trong khi 5 năm qua, nhiều hàng hóa dịch vụ thiết yếu đều tăng, thậm chí có hàng hóa thiết yếu tăng nhanh hơn thu nhập.
Theo số liệu thống kê, so với giá hàng hóa năm 2020, giá dịch vụ giáo dục tăng 17%, giá lương thực tăng 27%, đặc biệt giá xăng tăng tới 105%...
Nhiều cử tri chia sẻ, nếu như gia đình có con nhỏ, phải thuê người trông, riêng tiền lương trả cho người trông trẻ hiện nay không dưới 5 triệu đồng/tháng; nếu gia đình có con đi học, chi phí học hành hiện nay chiếm phần lớn cơ cấu chi tiêu của các gia đình…
Vì vậy, theo bà Thủy, nếu phải chờ thêm 2 năm nữa mới được thông qua quy định của Luật Thuế thu nhập cá nhân sẽ khiến nhiều người dân trong cảnh "thắt lưng, buộc bụng" nhưng vẫn thuộc diện phải nộp thuế thu nhập cá nhân.
Bất hợp lý trong rổ hàng hoá CPI
Đại biểu Thuỷ cũng phân tích về sự bất hợp lý trong rổ hàng hóa CPI. Theo quy định của Luật Thuế thu nhập cá nhân, khi Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động trên 20%, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh.
Tại buổi họp báo thường kỳ, Bộ Tài chính cho biết, chưa điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh, bởi biến động CPI chưa đến 20%.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia và cử tri cho rằng, Luật Thuế thu nhập cá nhân và các quy định hiện hành lấy tiêu chí biến động CPI trên 20%, tức là phải dựa trên rổ hàng hóa gồm 752 mặt hàng là bất hợp lý.
"Các mặt hàng thiết yếu ảnh hưởng trực tiếp đến chi tiêu của người dân chỉ có khoảng trên 20 mặt hàng, trong khi phải chờ tính mức trung bình của 752 mặt hàng sẽ rất lâu, thậm chí 6 đến 7 năm. Như vậy sẽ không phản ánh kịp thời những biến động trong chi tiêu của người dân và các hộ gia đình", bà Thuỷ nói.
Theo đại biểu, quy định mức giảm trừ gia cảnh hiện nay cũng chưa phù hợp với điều kiện của một quốc gia có mức thu nhập trung bình thấp như ở nước ta. Phần lớn thu nhập của người dân sẽ dành cho hàng hóa dịch vụ thiết yếu (70%).
Theo khảo sát của các chuyên gia của trường Đại học Kinh tế quốc dân, đối với những quốc gia người dân có thu nhập cao, chi cho hàng hóa dịch vụ thiết yếu chỉ chiếm 30%-40%. Do đó, quy định về mức giảm trừ gia cảnh hiện nay sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến cho nhu cầu thiết yếu của người dân.
Hơn nữa, lương tăng nhưng mức giảm trừ gia cảnh không được điều chỉnh kịp thời, dự kiến từ ngày 1.7.2024 sẽ thực hiện chính sách cải cách tiền lương, sẽ gây âu lo cho người lao động, bởi lương tăng, thu nhập tính thuế sẽ tăng. Vì vậy, việc không điều chỉnh kịp thời sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến ý nghĩa của chính sách cải cách tiền lương.
Lo lắng tình trạng doanh nghiệp ngừng hoạt động
Đại biểu Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận) cho biết số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng là thực tế đáng suy ngẫm.
Theo ông, tình hình thế giới có những bất ổn ảnh hưởng đến đơn hàng của doanh nghiệp, khả năng hấp thụ vốn, sức chống chịu bị bào mòn đến mức cạn kiệt sau đại dịch, thủ tục hành chính rườm rà…
Từ đó, ông Thông kiến nghị có giải hỗ trợ doanh nghiệp nhằm đa dạng hóa thị trường xuất khẩu; hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết tình trạng thiếu lao động; có các chính sách nhằm hỗ trợ, tăng khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp; cắt giảm thủ tục hành chính, tháo gỡ vướng mắc về đất đai…
Đại biểu Nguyễn Văn Thi (Bắc Giang) cho rằng hoạt động của doanh nghiệp và thu hút vốn đầu tư khu vực tư nhân vào nền kinh tế còn hạn chế.
Cụ thể, vốn đầu tư khu vực ngoài Nhà nước năm 2023 chỉ bằng 1/5 mức tăng giai đoạn 2015 – 2019; số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh và số doanh nghiệp giải thể đều tăng cao so với năm 2022; lần đầu tiên trong 5 năm qua số doanh nghiệp gia nhập thị trường trong 4 tháng đầu năm thấp hơn số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Theo đại biểu, đây là những yếu tố tác động hết sức tiêu cực đến nền kinh tế. Do đó, đề nghị Chính phủ bổ sung đánh giá đầy đủ hơn vấn đề “sức khỏe” của doanh nghiệp, nhất là khối doanh nghiệp tư nhân và có giải pháp hiệu quả hỗ trợ phát triển doanh nghiệp trong thời gian tới.
Ngoài ra, đại biểu phản ánh về tình trạng tín dụng tăng trưởng thấp, mặc dù lãi suất vốn vay của các ngân hàng thương mại đã giảm nhưng doanh nghiệp và nền kinh tế vẫn không hấp thụ được vốn tín dụng. Đây là vấn đề cần chú trọng tháo gỡ.
Đại biểu Hoàng Quốc Khánh cho rằng để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6-6,5% đã đề ra trong năm nay thì việc tạo điều kiện để các doanh nghiệp ổn định, đầu tư phát triển là yếu tố hết sức quan trọng. Trong đó vấn đề tạo dựng niềm tin của doanh nghiệp trong thúc đẩy sản xuất, kinh doanh cần phải được quan tâm trên hết.
Ông Khánh đề nghị tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính đảm bảo công khai, minh bạch và tăng cường thanh tra kiểm tra khâu này, hạn chế tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Ngoài ra, ông cũng đề nghị các cơ quan tư pháp đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố xét xử các vụ án kinh tế đã thụ lý trong thời gian qua. Song song với đó cần gửi thông điệp “chúng ta không hình sự hóa các quan hệ dân sự, các hoạt động kinh tế; tạo dựng niềm tin cho doanh nghiệp tiếp tục đầu tư phát triển”, đại biểu nêu.