Sau thời gian triển khai học trực tuyến cho học sinh các cấp vì thời gian nghỉ dài do dịch COVID-19, vừa qua đã xảy ra một số bất cập, đặc biệt là có giáo viên đã phát hiện ra clip sex trong Zoom.
Mấy ngày qua, trên mạng xã hội đã có rất nhiều tranh luận xoay quanh vấn đề học trực tuyến của học sinh, có nhiều học sinh cá biệt vào quậy phá quá trình giảng dạy của giáo viên. Điều nghiêm trọng là cô T.L (giáo viên lớp 9) phát hiện ra có clip sex trong Zoom.
“Một học sinh vào lớp học nhưng được một lúc thì bị out ra do mạng lag, sau khi bị out ra khỏi lớp thì em ngồi chơi game suốt quãng thời gian còn lại (buổi học kéo dài 90 phút). Cuối buổi giáo viên dạy vẫn thấy thông báo trên nhóm lớp là 100% có học bài đủ vì khi điểm danh thì học sinh đó vẫn có mặt trong lớp. Như tình huống trên thì bố mẹ vẫn nghĩ con học nhưng thực tế là con chơi game.
“Dù tôi đã setup phòng chờ, yêu cầu học sinh điền họ tên đầy đủ trong Zoom thì mới duyệt vào phòng, khóa mic của học sinh trong phòng học, khóa tính năng share màn hình của thành viên, nhưng hôm nay có 5 người lạ vào lớp học của tôi. 5 người đó đã để tên giống 5 học sinh khác trong lớp, vì thế lúc duyệt thành viên tôi đã cho vào phòng. Sau đó, 5 người này đồng thời mở clip sex lên. Dù không share được màn hình nhưng 5 tài khoản này bật camera lên và quay vào một màn hình khác để phát clip sex”, cô T.L căng thẳng nói.
Ngay sau đó cô T.L vội tìm remove 5 tài khoản này, nhưng mất khá nhiều thời gian vì cứ remove được một tài khoản thì đến tài khoản 2 lại tắt camera đi nên cô không phân biệt được đâu là tài khoản hack, đâu là tài khoản của học sinh lớp mình. Trong 3 phút thì các tài khoản đó vẫn phát clip sex, cô T.L sợ ảnh hưởng đến cả lớp nên đã phải dừng buổi học. Sau đó cô T.L được biết có hiện tượng này là do một học sinh trong lớp đã tham gia một nhóm trên face, gửi ID và mật khẩu lớp học cho nhóm để nhóm vào phá lớp. Cô T.L thực sự lo ngại khi triển khai học online trên phạm vi rộng như hiện nay.
Zoom là phần mềm họp trực tuyến ảo, có thể tạo cuộc gọi nhóm tối đa 100 người - Ảnh: Internet
Cùng với đó, em P.T học sinh cấp 2 có bố mẹ là giáo viên cũng rất bức xúc khi nhận thấy các bạn phân phát ID linh tinh để phá lớp. “Mấy thầy cô lớn tuổi tìm hiểu về Zoom rồi giảng dạy trên đó đã rất khó rồi, nhiều công sức chuẩn bị bài giảng cho các bạn học mà còn bị quậy phá những trò trò vớ vẩn này nữa thì thật chán nản”, P.T nói.
Đây là điều bất cập mà ngành giáo dục mình chưa có hướng giải quyết ổn thỏa. “Mấy hôm nay cũng có hiện tượng như vậy tại lớp của tôi đến nỗi không dạy học được. Tôi nghĩ là cách làm bây giờ là điều tra ra học sinh nào đưa ID và mời ra ngoài, rồi có biện pháp phạt. Tôi sẽ trừ thẳng vào hạnh kiểm của học sinh luôn”, cô M.G bày tỏ.
Để phần nào giúp trường lớp và thầy cô, một phụ huynh đã đề xuất mua account Pro với giá 364.000đ nên lớp không bị lag cũng không giới hạn thời gian. Chia ra thì 1 cháu chưa tới 10.000đ/tháng. Mà 1 account pro có thể mở 9 meeting và assign 9 host. “Cô giáo chủ nhiệm lớp bé nhà mình yêu cầu phụ huynh đổi tên bạn và phải bật cam để điểm danh. Không có là remove”, anh T.H chia sẻ.
Còn thầy T.T.D tạm thời có cách xử lý như sau: “Trong 1 lớp học thì thường sẽ có vài học sinh khá giỏi về công nghệ, tôi đã bảo mấy em đó kiểm tra thành viên, theo dõi ô chat, điểm danh hộ giáo viên khi giáo viên đang bận các thao tác giảng dạy. Hơn nữa, trong chức năng advanced của Zoom có share quyền quản trị meeting với 1 người khác, giáo viên có thể share với 1 người bên kỹ thuật nhà trường hoặc lớp trưởng để cùng xử lý vấn đề kịp thời”.
Anh G.K, một phụ huynh làm trong ngành công nghệ thông tin góp ý “Tôi xin chia sẻ cách mình cài đặt kiểm soát Zoom: Khi vào lớp thì cho vào phòng chờ để duyệt qua 1 lần, về quản lý hình ảnh thì cài đặt chỉ có host mới được share màn hình máy tính, học sinh viên không được cấp quyền nên nếu em nào có ý định phát tán clip hay hình ảnh cho cả lớp thì không làm được. Về mic thì khi bắt đầu vào phòng Zoom, hãy tắt toàn bộ mic của học sinh. Lúc nào cần học sinh nào nói, hãy nhấn mở mic cho mỗi học sinh đó thôi. Về phần chat, chỉ cấp mỗi quyền chat với host, thế nên nếu học sinh có ý định chat với cả lớp thì không làm được. Tất cả điều trên, các anh/chị trong nhóm đều có thể làm được bằng cách vào phần settting và cài đặt lại chế độ là được thôi”.
“Có lẽ học sinh và phụ huynh học sinh phải ký cam kết các điều khoản học zoom, kèm hình phạt nữa. Không có biện pháp nào trăm phần trăm nhưng kỷ luật một vài bạn hư là cần thiết”, một phụ huynh cho hay.
Học trực tuyến với người lớn và có ý thức đã rất khó tập trung, huống chi là học sinh đang tuổi ăn tuổi chơi. Giải pháp khó có thể đồng bộ được khi không có biện pháp kiểm soát được người học. Các em đang trong độ tuổi tò mò và rất dễ phân tán khi ngồi máy tính, vì ngoài máy tính các em còn có cả điện thoại thông minh. Nhiều phụ huynh băn khoăn không thể kiểm soát được các con khi chúng ngồi học online.
Zoom là phần mềm họp trực tuyến ảo, có thể tạo cuộc gọi nhóm tối đa 100 người. Khi COVID-19 bùng phát, hơn 20 quốc gia với 90.000 trường học sử dụng phần mềm này để giảng dạy trực tuyến.
Tuy nhiên, ngày 5.4, Sở Giáo dục TP.New York (Mỹ) đã yêu cầu tất cả trường học trên địa bàn không sử dụng phần mềm Zoom vì lo ngại các cuộc tấn công vào an ninh và quyền riêng tư cá nhân mang tên "Zoombombing".
Bộ Giáo dục Singapore cũng thông báo vào ngày 9.4, các trường học không được sử dụng ứng dụng Zoom để giảng dạy vì vấn đề bảo mật và quyền riêng tư.
Tú Viên