Lo ngại tình trạng lợi dụng tiền ảo để rửa tiền, tài trợ khủng bố, đại biểu quốc hội Dương Văn Phước cho hay Việt Nam là một trong những thị trường tiền ảo lớn. Đây là lĩnh vực có nguy cơ rửa tiền rất cao.

Lo ngại về rửa tiền và tài trợ khủng bố, đại biểu quốc hội đề nghị đưa tiền ảo vào luật

Hoài Lam | 07/09/2022, 18:08

Lo ngại tình trạng lợi dụng tiền ảo để rửa tiền, tài trợ khủng bố, đại biểu quốc hội Dương Văn Phước cho hay Việt Nam là một trong những thị trường tiền ảo lớn. Đây là lĩnh vực có nguy cơ rửa tiền rất cao.

Chiều 7.9, các đại biểu thảo luận về dự thảo Luật Phòng chống rửa tiền (sửa đổi).

Rửa tiền qua tiền ảo

Đại biểu Thạch Phước Bình cho rằng Luật Phòng chống rửa tiền năm 2012 được xây dựng trên cơ sở 40 khuyến nghị của FATF (Tổ chức quốc tế về phòng chống rửa tiền và chống tài trợ cho khủng bố).

Từ đó đến nay, FATF đã 11 lần sửa đổi khuyến nghị. Do đó, một số quy định tại Luật Phòng chống rửa tiền 2012 không còn phù hợp với 40 khuyến nghị hiện hành của FATF, ảnh hưởng đến việc thực thi cam kết của Việt Nam trong việc thực hiện các khuyến nghị của FATF.

Đại biểu Bình đề nghị bổ sung các đối tượng báo cáo của luật là những công ty viễn thông đang cung cấp dịch vụ mobile money; xác định rõ các định nghĩa về mối quan hệ về ngân hàng đại lý giữa các ngân hàng và các tổ chức tài chính phi ngân hàng; quan hệ đối tác giữa các ngân hàng cũng như các khái niệm về công nghệ mới, khác với công nghệ đang sử dụng về phòng chống rửa tiền; quy định về phong tỏa tài sản tạm thời với đối tượng bị tố giác gian lận để bảo đảm ngăn chặn tẩu tán tài sản.

Đồng thời cần lược bỏ những quy định yêu cầu các tổ chức báo cáo xác minh danh tính khách hàng; cần quy định rõ thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi của các giao dịch để đảm bảo xác định đúng đối tượng quản lý, không chỉ đơn thuần là chủ sở hữu mà là người hưởng lợi cuối cùng…

Đại biểu Dương Văn Phước cho hay, về vấn đề dấu hiệu đáng ngờ trong lĩnh vực ngân hàng, quy định tại điều 28 dự thảo luật là rất khó khăn, mơ hồ. Theo đại biểu Phước, đây là loại hình tội phạm không mới nhưng để hình thành các khái niệm đầy đủ về loại tội phạm này còn nhiều hạn chế.

Do vậy, nhiều trường hợp khi xảy ra hậu quả nghiêm trọng thì các cơ quan chức năng mới nắm bắt, xử lý, không kịp thời phát hiện khi loại tội phạm này mới hình thành. Điều đó cũng cho thấy việc xác định nguồn gốc tài sản là rất khó khăn. Do đó, dự thảo luật lần này cần phải quy định cụ thể hơn để đảm bảo tính khả thi và tránh hình thức.

phuoc.jpg
Đại biểu Dương Văn Phước phát biểu

Đối với vấn đề lợi dụng tiền ảo để rửa tiền tài trợ khủng bố, ông Phước nêu rõ hiện nhà nước chưa công nhận tiền ảo. Tuy nhiên, hiện nay Việt Nam là một trong những thị trường chơi tiền ảo rất lớn, là một trong 10 nước có đông người tham gia.

"Đây là lĩnh vực có nguy cơ rửa tiền rất lớn với lợi thế dễ dàng trao đổi trên phạm vi toàn cầu, đã trở thành kênh hữu hiệu để kẻ tội phạm lợi dụng rửa tiền", ông Phước nói.

Ông Phước cũng nhấn mạnh thời gian gần đây liên tiếp có những đường dây đánh bạc, rửa tiền quy mô lớn sử dụng tiền ảo. Tuy nhiên, những hoạt động này vẫn đang nằm ngoài sự điều chỉnh của pháp luật, chưa chịu sự quản lý của cơ quan chức năng, tiền ảo và tài sản ảo vẫn lọt lưới do các quy định của pháp luật phòng chống rửa tiền chưa quy định về vấn đề này.

Do đó, việc bổ sung đối tượng tài sản ảo, tiền ảo vào dự thảo luật là hết sức cần thiết, không chỉ đáp ứng những khuyến nghị của các tổ chức quốc tế về phòng chống rửa tiền trên thế giới mà còn nhằm đảm bảo an ninh tài chính trong nước, không để công nghệ tài chính bị lợi dụng để rửa tiền tham nhũng, khủng bố.

Đưa vào luật một số dấu hiệu đáng ngờ

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết dự thảo luật sửa đổi một số dấu hiệu đáng ngờ trong lĩnh vực chứng khoán, bảo hiểm nhân thọ; bổ sung dấu hiệu đáng ngờ đối với hoạt động trung gian thanh toán tại dự thảo luật.

Về kỹ thuật, dự thảo luật đã sửa đổi theo hướng tách các dấu hiệu đáng ngờ cơ bản và dấu hiệu đáng ngờ trong từng lĩnh vực thành các điều riêng để dễ theo dõi và thực hiện.

Liên quan đến thời hạn báo cáo giao dịch đáng ngờ, dự thảo luật sửa đổi, bổ sung quy định về thời hạn: tối đa 2 ngày làm việc kể từ thời điểm phát sinh giao dịch; hoặc 1 ngày làm việc kể từ thời điểm phát hiện giao dịch đáng ngờ, khắc phục những vướng mắc của đối tượng báo cáo trong quá trình thực hiện.

Ngoài ra, dự thảo luật cũng sửa đổi, bổ sung quy định về trách nhiệm lưu trữ hồ sơ, báo cáo của đối tượng báo cáo nhằm cụ thể các loại thông tin đối tượng báo cáo phải lưu trữ; quy định trách nhiệm báo cáo, cung cấp hồ sơ, thông tin này cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền của đối tượng báo cáo; sửa đổi, bổ sung quy định về bảo đảm bí mật thông tin, tài liệu báo cáo nhằm phù hợp với quy định pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước và thực tiễn hoạt động của đối tượng báo cáo.

Về áp dụng các biện pháp tạm thời, dự thảo luật bổ sung trường hợp trì hoãn giao dịch khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định tại các luật có liên quan; bổ sung quy định về thời điểm thực hiện biện pháp trì hoãn giao dịch theo hướng đảm bảo tính kịp thời, phù hợp với yêu cầu của khuyến nghị số 6 của FATF.

Bổ sung quy định về việc đối tượng báo cáo phải thực hiện quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về phong tỏa tài sản, phù hợp với các biện pháp quy định tại pháp luật về tố tụng…

hong.jpg
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng góp ý kiến tại hội thảo

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho hay dự thảo luật đã thiết kế khá rõ ràng 2 trường hợp đối tượng báo cáo áp dụng biện pháp trì hoãn giao dịch, gồm: Khi nghi ngờ hoặc phát hiện các bên liên quan tới giao dịch thuộc danh sách đen hoặc có lý do để tin rằng giao dịch được yêu cầu thực hiện có liên quan đến hoạt động phạm tội; khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật có liên quan.

Tuy nhiên, việc áp dụng biện pháp trì hoãn giao dịch sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền sở hữu, quyền định đoạt của chủ sở hữu đối với tài sản của họ được quy định tại Hiến pháp năm 2013, Bộ luật Dân sự năm 2015.

Do vậy, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát kỹ lưỡng, nhất là đối với trường hợp trì hoãn giao dịch khi mới nghi ngờ; đồng thời cần quy định cụ thể ngay trong luật mà không quy định tại văn bản hướng dẫn thi hành về trường hợp nào áp dụng biện pháp trì hoãn giao dịch cũng như chủ thể nào có quyền yêu cầu áp dụng biện pháp trì hoãn giao dịch để bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp của các quy định .

Bài liên quan
Ông Trump sẽ ban hành sắc lệnh hành pháp về tiền ảo ngay sau khi nhậm chức
Tờ The Washington Post dẫn nguồn tin tiết lộ Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump dự kiến ban hành sắc lệnh hành pháp liên quan tiền ảo ngay ngày đầu tiên sau khi nhậm chức.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với trung tâm quốc gia về an ninh mạng Ba Lan
3 giờ trước Theo dòng thời sự
Chiều tối 17.1 (giờ địa phương), trong chương trình thăm chính thức Ba Lan, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tới thăm và làm việc tại Viện Nghiên cứu quốc gia về an ninh mạng của Ba Lan (NASK) - trung tâm hàng đầu về nghiên cứu, ứng dụng và phát triển internet, chuyển đổi số, an ninh mạng và bảo mật thông tin của Ba Lan.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lo ngại về rửa tiền và tài trợ khủng bố, đại biểu quốc hội đề nghị đưa tiền ảo vào luật