Ô nhiễm do các nhà máy nhiệt điện than gây ra có thể ảnh hưởng đến môi trường xung quanh và những vấn đề cho sức khỏe con người.
Ở vùng Ennore phía bắc Chennai (Ấn Độ), một cụm nhà máy nhiệt điện than lớn mọc lên trên một vài khu phố với phần lớn cư dân là tầng lớp lao động. Ấn Độ là nước tiêu thụ và nhập khẩu than lớn thứ hai thế giới, sau Trung Quốc.
Một nghiên cứu sức khỏe được công bố vào tháng 4.2022 ước tính rằng hơn 60% trẻ em dưới 5 tuổi đang mắc các bệnh về đường hô hấp do các chất ô nhiễm độc hại thải ra từ các khu công nghiệp nặng.
Cuộc khảo sát của một sáng kiến phi chính phủ và một trường y tế công cộng ở Tamil Nadu (Ấn Độ), cho thấy trong số 207 trẻ em được khảo sát, 63% đã từng có ít nhất một dấu hiệu của bệnh nhiễm trùng đường hô hấp. Các triệu chứng bao gồm chảy nước mũi, ho và thở khò khè.
Anh Logeshwaran G, một thanh niên 22 tuổi sống ở khu phố Thiruvottiyur phía bắc Chennai, cho biết anh đã phải đối mặt với các vấn đề về xoang từ năm 14 tuổi.
Nhà hoạt động xã hội và môi trường Nityanand Jayaraman cho biết: "Những vận động viên giỏi nhất của Tamil Nadu đến từ Bắc Chennai". Song ông lưu ý rằng trong những năm gần đây, thể lực của các cầu thủ kabaddi (môn thể thao đối kháng của người Ấn cổ) đã đi xuống, chủ yếu là do các vấn đề về hô hấp do không khí độc hại dày đặc trong khu vực.
Trên phạm vi toàn cầu, một nghiên cứu do một tổ chức tư vấn của Đức công bố vào tuần trước đã tính toán rằng việc loại bỏ sớm các nhà máy than trên toàn thế giới có thể tránh được hơn 14,5 triệu ca tử vong sớm trong vòng 30 năm tới.
Ngoài việc phát thải carbon dioxide góp phần tạo hiệu ứng nhà kính làm nhiệt độ Trái đất tăng dần, các nhà máy nhiệt điện than còn thải các hạt bụi PM2.5 siêu mịn có thể đi sâu vào phổi và các khí độc khác như sulfur dioxide và nitơ oxit.
Trong báo cáo của mình, Viện think-tank NewClimate cho biết: "Những hạt siêu nhỏ này có thể vượt qua hàng rào phổi và xâm nhập vào hệ thống máu, tác động tiêu cực đến hệ tim mạch và còn trực tiếp gây ra các bệnh về đường hô hấp".
Báo cáo cũng nhấn mạnh rằng các nguyên nhân hàng đầu gây tử vong do các chất ô nhiễm không khí là bệnh tim, đột quỵ, ung thư phổi và bệnh viêm phổi mãn tính.
Ông Nityanand nói: "Thật không may, ô nhiễm không khí chỉ được quan tâm khi biến đổi khí hậu trở thành một vấn đề nghiêm trọng".
Các nhà nghiên cứu của Viện think-tank NewClimate cũng đã phát triển một công cụ trực tuyến có Airpolim cho thấy các tác động đến sức khỏe con người từ ô nhiễm không khí ở tất cả các nhà máy sản xuất than hiện có.
Airpolim cho thấy Trung Quốc đang thống trị tỷ lệ tử vong do ô nhiễm từ các nhà máy sản xuất than gây ra, với gần 21 triệu ca tử vong sớm trong vòng 30 năm nếu không có biện pháp hạn chế việc sử dụng và xây dựng các nhà máy than.
"Mặc dù đã ký Hiệp ước Khí hậu Glasgow vào năm ngoái, Trung Quốc vẫn tiếp tục đầu tư đáng kể vào việc thúc đẩy ngành công nghiệp than trong nước", Viện think-tank NewClimate cho biết.