Dơi thường được coi là loài động vật miễn nhiễm với nhiều loại vi rút gây chết người, trong đó có Ebola, bệnh dại và gần đây nhất là COVID-19.

Loài dơi có vai trò gì trong nghiên cứu điều trị COVID-19?

15/07/2020, 07:55

Dơi thường được coi là loài động vật miễn nhiễm với nhiều loại vi rút gây chết người, trong đó có Ebola, bệnh dại và gần đây nhất là COVID-19.

Dơi có thể giúp các nhà khoa học tìm ra các phương thức điều trị COVID-19 - Ảnh: Reuters

Với hơn 13 triệu ca nhiễm toàn cầu, nhiều quốc gia đang bước vào giai đoạn then chốt trong việc đối phó với COVID-19. Trong khi các chuyên gia y tế bước vào cuộc chiến cứu chữa bệnh nhân thì các nhà khoa học cũng dồn sức vào nghiên cứu về vi rút corona chủng mới gây dịch bệnh về hô hấp khiến hơn 500 ngàn người thiệt mạng.

Hiện tại, các nhà khoa học vẫn chưa thể chắc chắn vi rút corona chủng mới có nguồn gốc từ đâu và sẽ chỉ có thể chứng minh nguồn gốc của nó nếu họ phân lập được vi rút sống trong một loài bị nghi ngờ. Các giả thuyết ban đầu cho rằng vi rút bắt nguồn từ loài dơi dẫn đến những câu hỏi quan trọng về cách mà loài vi rút này lây sang con người.

Dơi nói riêng và động vật nói chung luôn có nhiều mầm bệnh. Báo cáo mới nhất của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho thấy trong cơ thể dơi có thể có tới hơn 500 loại vi rút corona. Mặc dù con người gặp phải những triệu chứng bất lợi khi bị ảnh hưởng COVID-19, nhưng loài dơi đặc biệt có thể chịu đựng vi rút này và thậm chí còn sống lâu hơn những loài động động vật có vú cùng kích cỡ.

Theo các nhà nghiên cứu ở Đại học Rochester (Mỹ), dơi có tuổi thọ cao cùng khả năng “chịu đựng” vi rút là do cơ chế kháng bệnh đặc biệt. Trong một bản đánh giá được công bố trên tạp chí y khoa Cell Metabolism, các nhà nghiên cứu sinh học của Đại học Rochester, Vera Gorbunova và Andrei Seluanov đã phác thảo các cơ chế về khả năng kháng vi rút của loài dơi nhằm tạo tiền đề giúp phát triển phương pháp chữa trị bệnh ở con người.

Bản đánh giá chỉ ra rằng, dù dơi được cho là là vật chủ mang mầm bệnh nhưng chúng dường như không bị ảnh hưởng bởi vi rút. Chúng là loài có vú duy nhất biết bay nên có thể lây lan bệnh cho một cộng đồng loài dơi, động vật bị chúng hút máu và cả con người trên một khu vực rộng.

Hoạt động bay có thể làm tăng sự trao đổi chất và thân nhiệt của dơi. Khi bay, dơi sử dụng rất nhiều năng lượng, trao đổi chất nhiều hơn; đồng thời nhiệt độ cơ thể cũng tăng lên tới 37- 40 độ C, tương đương với nhiệt độ của các loài động vật có vú khác khi bị sốt. Do đó, khả năng bay bảo vệ dơi khỏi bị lây nhiễm bệnh tật, giống như việc sốt bảo vệ động vật có vú bằng cách thúc đẩy các phản ứng miễn dịch.

Khả năng bay bảo vệ dơi khỏi bị lây nhiễm bệnh tật

Đối với con người, một khi chúng ta bị nhiễm bệnh, cơ thể chúng ta phát ra tín hiệu báo động tới hệ miễn dịch, lúc này chúng ta sẽ bị sốt và viêm. Mục tiêu là để hệ miễn dịch diệt vi rút và chống nhiễm trùng, nhưng nó cũng có thể là một phản ứng bất lợi khi cơ thể chúng ta phản ứng thái quá với tình trạng đó. Không giống như con người, dơi đã phát triển các cơ chế cụ thể làm giảm sự nhân lên của vi rút, và cũng làm giảm phản ứng miễn dịch đối với vi rút. Kết quả là có một sự cân bằng có lợi: Hệ thống miễn dịch của dơi kiểm soát tốt vi rút nhưng đồng thời, không tạo ra phản ứng viêm quá mạnh như con người.

Ngoài ra, do dơi liên tục tiếp xúc với vi rút nên hệ thống miễn dịch của chúng luôn nằm trong tư thế “phòng thủ”, “chạy đua vũ trang” liên tục trước các mầm bệnh. Các nhà khoa học tin rằng, xét trên quy mô tiến hóa, điều này có thể tăng cường hệ thống miễn dịch của loài vật, giúp nó vượt qua mọi loại chủng vi rút. Thêm vào đó, một vài loại vi rút có thể đã tiến hóa cùng với dơi để tăng sức chịu đựng đối với nhiệt độ cơ thể cao. Mặc dù chúng vô hại với dơi, chúng có thể gây bệnh khi ở trong cơ thể các động vật khác do vi rút có thể sống sót được trong nhiều môi trường nhiệt độ khác nhau.

Bên cạnh đó, các loại động vật có kích cỡ nhỏ thường có tuổi thọ không cao, nhưng nhiều loài dơi có vòng đời lên đến 30, 40 năm. Các nhà khoa học tin rằng mối liên hệ giữa tuổi thọ và khả năng kháng bệnh của dơi có thể cung cấp dữ liệu quan trọng trong việc nghiên cứu các liệu pháp chống lại dịch COVID-19.

“Chúng tôi nhận ra rằng có thể có mối liên hệ rất mạnh mẽ giữa khả năng kháng bệnh của dơi với bệnh truyền nhiễm và tuổi thọ của chúng. Nghĩa là dơi có thể cung cấp manh mối quan trọng để giới khoa học tìm ra các liệu pháp chống lại bệnh tật ở con người. Mặc dù đã có những nghiên cứu riêng biệt về phản ứng miễn dịch của dơi và tuổi thọ của chúng, nhưng vẫn chưa có bất kỳ công trình nào có thể liên hệ được giữa hai yếu tố này”, nhà khoa học Gorbunova cho hay.

Nguyễn Hạnh (theo Scitech Daily)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Công nghiệp bán dẫn - Việt Nam cần nắm bắt cơ hội 'nghìn năm có một'
3 giờ trước Nhịp đập khoa học
Việt Nam đang có cơ hội “nghìn năm có một” để tham gia vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Loài dơi có vai trò gì trong nghiên cứu điều trị COVID-19?