Chỉ cần có 100.000 đồng, người tiêu dùng có thể mua được một bộ kit test nhanh COVID-19 trên mạng, tuy nhiên toàn là hàng trôi nổi không đảm bảo về chất lượng.

Loạn giá bộ test nhanh COVID-19 trên mạng, người tiêu dùng có nên mua?

Bài và Ảnh: Tuyết Nhung | 24/07/2021, 20:55

Chỉ cần có 100.000 đồng, người tiêu dùng có thể mua được một bộ kit test nhanh COVID-19 trên mạng, tuy nhiên toàn là hàng trôi nổi không đảm bảo về chất lượng.

Thời gian qua, nhu cầu tìm mua các loại thiết bị test nhanh COVID-19 của người dân tăng đột biến trên mạng. Cụ thể là những bộ kit test nhanh với nhiều mức giá được chào bán rầm rộ từ 100.000 đến 800.000 đồng, gồm khay thử, nắp lọc, ống nghiệm chứa dịch tách chiết và tăm bông lấy mẫu.

Theo quảng cáo, mỗi bộ kit này gồm 2 test dùng cho 2 người hoặc 2 lần sử dụng. Người dùng có thể tự lấy mẫu dịch từ mũi, sau đó cho vào ống nghiệm chứa dịch tách chiết rồi nhỏ vài giọt vào khay thử. Ngay sau 15 phút, nếu bảng hiện 1 vạch thì là âm tính, hai vạch là dương tính.

216267724_150800757122123_1274821759624497014_n.jpg
Thiết bị test nhanh COVID-19 tại nhà loạn giá trên mạng - Ảnh: T.N

Trước tình trạng nhiều người rao bán bộ kit test nhanh COVID-19 không rõ nguồn gốc trên mạng xã hội, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) vừa cho rằng trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 trên cả nước thì nhu cầu được xét nghiệm của người dân là chính đáng và chắc chắn sẽ còn gia tăng trong thời gian tới.

Tuy nhiên, theo quy định hiện hành thì bộ test nhanh được quy định là trang thiết bị y tế. Việc kinh doanh những sản phẩm không rõ nguồn gốc, không có trong danh mục là không phù hợp với quy định của pháp luật. Đồng thời, các chuyên gia cũng khẳng định các bộ test này có độ chính xác khá thấp. Vì vậy, việc tự mua và sử dụng không chỉ tạo ra nguy cơ về sức khỏe mà kết quả âm tính giả (nếu có) sẽ khiến người dân chủ quan hơn trong phòng chống dịch bệnh.

Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cho biết, test nhanh chỉ có kết quả chính xác cao khi người nhiễm đang có nồng độ vi rút cao, ví dụ người nhiễm đang bị sốt, ho..., còn khi nồng độ vi rút thấp thì test nhanh này lại cho kết quả ít chính xác hơn. Như vậy, người sau khi nhiễm từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 7 của bệnh thì kết quả cũng chính xác hơn, còn xét nghiệm sau ngày đó kết quả ít chính xác.

Thời gian qua, Cục đã ghi nhận một số trường hợp người tiêu dùng bị vi phạm quyền lợi khi mua thiết bị y tế qua một số sàn, trang web thương mại điện tử chưa đăng ký, thông báo tới Bộ Công Thương.

Cụ thể, người tiêu dùng khiếu nại về việc đặt mua thiết bị y tế có chất lượng thấp, không thể đo các chỉ số sức khỏe hoặc không có hiệu quả trong việc chữa trị triệu chứng của một số bệnh. Tuy nhiên, khi người tiêu dùng yêu cầu đổi, trả thì nhà bán hàng không đồng ý.

Khi người tiêu dùng gửi khiếu nại thì Cục thấy rằng một tài liệu quan trọng khác mà người tiêu dùng không cung cấp được là bằng chứng về việc mua hàng từ trang web thương mại điện tử, bao gồm: Ảnh chụp màn hình đã đặt hàng thành công hay tin nhắn/email thông báo đặt hàng thành công. Người tiêu dùng cho biết, trong quá trình đặt hàng, trang web bán thiết bị y tế không yêu cầu đăng nhập, mà chỉ yêu cầu cung cấp các thông tin như: Họ tên, số điện thoại, email, địa chỉ của người tiêu dùng. Sau khi nhập các thông tin trên, sẽ có một cửa sổ pop-up hiện ra thông báo “Đã đặt hàng thành công”, ngoài ra không có các thông tin khác. Người tiêu dùng cũng không nhận được xác nhận đơn hàng qua điện thoại, email.

Trong những sự việc này thì người tiêu dùng gặp khó khăn trong việc xác định căn cứ pháp lý khi phản ánh, khiếu nại do không cung cấp được bằng chứng đã mua hàng tại trang web thương mại điện tử bán hàng.

"Vì vậy, khi mua hàng trên các sàn thương mại điện tử, người tiêu dùng cần yêu cầu đăng nhập, đăng ký khi mua hàng. Đây là cơ sở để người tiêu dùng xem lại các đơn hàng đã thực hiện; Thể hiện thông tin đơn hàng sau khi người tiêu dùng đặt hàng thành công như: mã đơn hàng, thông tin người bán, thông tin người mua, đơn vị vận chuyển, thời gian dự kiến nhận hàng,…; Gửi tin nhắn email đến người tiêu dùng thông báo về việc đã đặt hàng thành công.

Khi nhận hàng, người tiêu dùng xem xét kỹ biên lai giao nhận của đơn vị vận chuyển, đặc biệt là phần thông tin người bán. Nếu thông tin người bán trên biên lai không khớp với sàn thương mại điện tử thì người tiêu dùng nên từ chối nhận hàng", lãnh đạo Cục khuyến cáo.

Trong khi đó, Tổng cục Quản lý thị trường cho biết thời gian qua đã phát hiện một số lượng lớn các bộ kit test nhanh COVID-19 được nhập lậu vào Việt Nam. Các sản phẩm này đa dạng và phần lớn được thẩm lậu vào nội địa qua đường xách tay.

Mới đây, lực lượng Quản lý thị trường TP. Hà Nội và TP.HCM đã kiểm tra, thu giữ vài nghìn bộ kit test nhanh COVID-19 và hầu hết là không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.

"Do vậy, đề nghị người tiêu dùng hết sức lưu ý khi mua sản phẩm này, phải kiểm tra rõ ràng thông tin nguồn gốc sản phẩm và phải được cấp phép của Bộ Y tế", ông Trần Hữu Linh - Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường nhấn mạnh.

Bộ Y tế mới đây cũng đã có công văn gửi các Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đề nghị tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong phòng chống dịch COVID-19, trong đó việc thanh tra, kiểm tra về nhập khẩu, cung ứng, mua bán các trang thiết bị y tế và các test xét nghiệm SARS-CoV-2.

Để quản lý chặt chẽ, Bộ Y tế đề nghị các cơ quan chức năng cùng vào cuộc để kiểm tra, đồng thời cảnh báo người tiêu dùng cần cẩn trọng khi mua hàng, đặc biệt không nên mua các sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
ĐBSCL khát khô giữa mùa hạn – Bài 4: Giải pháp bền vững
8 giờ trước Bảo vệ môi trường
Để ứng phó với tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt trong mùa khô, nhiều tỉnh thành vùng ĐBSCL đã đưa ra nhiều giải pháp. Tuy nhiên, để thực hiện đồng bộ, hiệu quả, các địa phương cần nguồn vốn đầu tư lớn.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Loạn giá bộ test nhanh COVID-19 trên mạng, người tiêu dùng có nên mua?