Trong triển lãm ảnh đặc sắc mới đây, ‘Arlene Gottfried: After Dark’, người xem được dịp hồi tưởng về một kỷ nguyên sôi động của New York phồn hoa, với những quán bar, câu lạc bộ đêm, vũ trường thoát y và nghệ sĩ drag queen. Mỗi bức ảnh ẩn hiện dấu ấn thời đại, từ cuộc chiến thuốc phiện đến phong trào đấu tranh LGBT và chống nạn kỳ thị sắc tộc.
Cuối thập niên 1970, nữ nghệ sĩ nhiếp ảnh người Mỹ Arlene Gottfried (1950-2017) bị mê hoặc trước khung cảnh sống động, gai góc lẫn khuất giữa vẻ hào nhoáng của phố thị New York về đêm.
Những buổi party tại Studio 54 (câu lạc bộ đêm 18+ vang danh một thời của khu trung tâm Manhattan), những lần gặp gỡ nhóm nghệ sĩ xiếc đu dây trong GG’s Barnum Room (quán bar và sàn nhảy disco nổi tiếng dành cho cộng đồng LGBT) tọa lạc ngay quảng trường Thời Đại, hay tán gẫu cùng ‘huyền thoại’ drag queen Marsha P. Johnson ở sự kiện Gay Pride, Gottfried đã chứng kiến không ít khoảnh khắc lịch sử khó quên. Trên tay bà luôn cầm máy ảnh, sẵn sàng ghi lại chân dung những con người bấy giờ vẫn đang bị đặt ‘ngoài rìa’ xã hội New York.
New York của Gottfried, có thời phải chịu đổ vỡ từ sai lầm trong đấu tranh nhân quyền *(ám chỉ ‘tư tưởng ôn hòa’ gây tranh cãi ở thập niên 1960-70, khi giới chức thành phố chủ trương phớt lờ hành vi phân biệt chủng tộc), kéo theo nỗi thất vọng tiếp diễn suốt hơn 1 thập niên. Duy, những người con New York vẫn nhiệt thành xem đây là quê hương của họ.
Qua triển lãm ‘Arlene Gottfried: After Dark’, công chúng ‘hồi tưởng’ về những câu lạc bộ đêm, vũ trường disco, quán bar ‘ngầm’ nổi danh lấp đầy bởi giới nghệ sĩ tự do, drag queen và cả cánh buôn thuốc phiện.
‘Dance A Thon’
‘Times Square’
“Cảnh quan phố đêm là một phần quan trọng khắc họa nên phong cách nghệ thuật Arlene, vừa mỹ cảm, vừa rất ‘đời’”, chủ quản phòng tranh Daniel Cooney, người đầu tiên tổ chức trưng bày những tác phẩm của Gottfried trong sự kiện triển lãm chuyên khảo ‘Sometimes Overwhelming’ (năm 2014), chia sẻ.
“Bà ấy dành ra hàng thập niên khám phá gần như tất cả ‘hang cùng ngỏ hẹp’ của New York: về đêm, trên đường phố lẫn trong gia đình”.
Đặc biệt, triển lãm lần này giới thiệu series ảnh hiếm có chưa từng công bố do Gottfried thực hiện, lấy bối cảnh Lower East Side (khu phố ‘bình dân’ của quận Manhattan tập trung nhiều gia đình Do Thái, sinh viên và giới nghệ sĩ trẻ), phác họa đậm nét ảnh hưởng của ‘đại dịch thuốc phiện, thứ đã ‘tấn công’ thành phố xuyên suốt giai đoạn 1970.
‘Heroin Series’
‘Young Man In Bed’
'GG’s Barnum Room’
“Arlene không ngừng tò mò về những người xung quanh. Bà ấy có thể rất táo bạo và quả quyết. Arlene đối diện khó khăn cuộc sống theo cách riêng, và luôn giàu lòng trắc ẩn đối với những chủ thể con người bà ‘nắm bắt’ bằng ống kính. Bà ấy không lờ đi hay né tránh, cười cợt hay phán xét bất kì ai. Arlene cố gắng quan tâm đến mọi người, và đối xử với họ một cách chân thành, tươi vui”. Cooney nhận xét.
“Trên những tác phẩm, bạn thấy từng con người trông thoải mái, tự do. Ở mỗi shot ảnh, mỗi chủ thể hiểu rõ Arlene đang có mặt tại đó, cạnh họ, không hề lén lút”.
Cooney bày tỏ, nhiếp ảnh là phương thức giúp nữ nghệ sĩ quá cố bộc lộ tính cách của riêng bà. “Và tôi nghĩ, đây là yếu tố phân định một nghệ sĩ thật sự. Chỉ cần xem ảnh, bạn sẽ hiểu thêm điều gì đó về người chụp”.
‘Pete’s Sister In Law’
‘Woman In Lounge’
‘Man With Beer And Cigarette’
Như Ý (tin, ảnh: HuckMag)