Người đứng đầu ngành Công Thương đề nghị cần phải có cam kết pháp lý nếu Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn không cung cấp đủ xăng dầu

Lọc dầu Nghi Sơn không cung cấp đủ xăng dầu, trách nhiệm thuộc về ai?

Tuyết Nhung | 22/04/2022, 22:08

Người đứng đầu ngành Công Thương đề nghị cần phải có cam kết pháp lý nếu Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn không cung cấp đủ xăng dầu

Nói về việc ban hành Quyết định 242 về việc giao sản lượng nhập khẩu xăng dầu tăng thêm cho 10 doanh nghiệp đầu mối lớn trong Quý 2/2022, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng, đây là quyết định hết sức cần thiết trong bối cảnh đứt gãy nhiều chuỗi cung ứng toàn cầu. Đó là giải pháp cấp bách bởi xăng dầu là mặt hàng chiến lược, ảnh hưởng đến an ninh kinh tế, an ninh năng lượng, an ninh quốc gia nên trong bất cứ tình huống nào cũng phải đảm bảo ổn định nguồn cung ứng.

nha-may-loc-hoa-dau-nghi-son.jpg
Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn

Bộ trưởng cho rằng, với việc cung cấp xăng dầu từ phía nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn, Bộ Công Thương không can thiệp vào nội bộ của doanh nghiệp nhưng các doanh nghiệp cần thực hiện nghiêm túc những cam kết của mình.

Theo đó, Bộ trưởng đề nghị Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) với tư cách là bên liên doanh của Nghi Sơn cần sớm giải quyết các vấn đề nội bộ để thoát khỏi tình trạng khó khăn, bảo đảm thực hiện đúng quy định của pháp luật.

PVN cần có nghị quyết thống nhất trong Hội đồng thành viên và có báo cáo chính thức do cấp có thẩm quyền ký gửi Bộ Công Thương, trong đó có cam kết pháp lý và chịu trách nhiệm vật chất, tài chính nếu không bảo đảm nguồn cung cấp xăng dầu từ Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn như cam kết.

Trường hợp PVN không cung cấp được xăng dầu cho các thương nhân đầu mối theo đúng cam kết, PVN cần nhập khẩu để bù đắp nguồn cung thiếu hụt theo các hợp đồng đã ký với các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu theo quy định.

Trong khi PVN chưa có cam kết mang tính pháp lý và chịu trách nhiệm về tài chính đối với những cam kết về khả năng cung cấp xăng dầu cho thị trường từ nguồn sản xuất của Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu tiếp tục thực hiện nghiêm các quy định tại Quyết định số 242.

Bộ trưởng sẽ giao cho Vụ Thị trường trong nước, Thanh tra Bộ Công Thương, Cục Xuất nhập khẩu, Vụ Dầu khí và Than phối hợp tiến hành thanh tra, kiểm tra đối với các doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu và kịp thời xử lý, kiến nghị xử lý những vi phạm nếu có. Đồng thời, kiểm tra làm rõ số lượng hàng hoá của liên danh Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn (NSRP) trên thực tế có đủ sản lượng để cung ứng ra thị trường như cam kết hay không.

Trên cơ sở đó, Vụ Thị trường trong nước, Cục Xuất nhập khẩu báo cáo đề xuất phương án điều hành xăng dầu quý 3 và quý 4/2022. Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng yêu cầu Vụ Thị trường trong nước phối hợp với Cục Thương mại điện tử và kinh tế số sớm triển khai và vận hành phần mềm quản lý đối với tất cả các doanh nghiệp có chức năng sản xuất, kinh doanh xăng dầu.

Được biết, kịch bản điều hành xăng dầu quý 2/2022 không có nguồn từ Lọc dầu Nghi Sơn do kế hoạch sản xuất, cung ứng hàng tháng 4 và 5 của nhà máy này chưa rõ. Đây là kịch bản được tính đến để đảm bảo nguồn cung và an ninh năng lượng trong mọi tình huống. Khi Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn cam kết kế hoạch sản xuất, giao hàng trở lại, thì các doanh nghiệp sẽ được quyết định phân giao để tổng nguồn (trong nước, nhập khẩu) đủ cho sản xuất, tiêu dùng mà không tạo ra tình trạng dư cung hoặc thiếu kho chứa hàng.

Hiện nay, việc các doanh nghiệp tăng nhập khẩu cộng với nguồn tồn kho từ tháng 2 chuyển sang, Bộ Công Thương khẳng định tháng 3 nguồn cung cho xăng dầu trong nước sẽ cơ bản được đáp ứng đủ.

Theo báo cáo của Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn, từ đầu tháng 1, nhà máy đã giảm công suất từ mức 100% xuống mức 80% và sau đó chỉ ở mức 55 - 60% công suất. Vì vậy, việc nhà máy không bảo đảm việc cung cấp xăng dầu cho các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu theo các hợp đồng đã ký đã ảnh hưởng đến hoạt động cung ứng xăng dầu liên tục cho thị trường trong nước.

Sang tháng 3, lượng cung xăng dầu cho thị trường từ nguồn trong nước vẫn thấp so với các tháng thông thường do lượng cung ứng xăng dầu từ sản xuất trong nước tiếp tục giảm. Dự kiến tháng 3 giảm so với kế hoạch 20%, đơn vị này chỉ cung cấp được khoảng 80% kế hoạch theo tháng (kế hoạch giao 680.000m3, nhưng dự kiến giao hàng là 556.000m3; trong đó xăng giảm 5%, dầu giảm 30%).

Tình trạng gặp khó khăn về nguồn cung xuất phát từ nguyên nhân Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn gặp khó khăn về tài chính và một số vấn đề nội tại nên không có kinh phí nhập dầu thô để sản xuất xăng dầu thành phẩm. Do cắt giảm công suất sản xuất nên việc giao hàng thực tế cho các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu trong nước trong tháng 2 đã bị giảm 50% so với kế hoạch, tháng 3 giảm 20% so với kế hoạch.

Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn nâng công suất lên 103% từ cuối tháng 1 và 105% từ ngày 7.2. Tuy nhiên, mức tăng thêm 5%, tương đương 28.000m3 xăng dầu, vẫn chưa đủ bù đắp lượng thiếu hụt do Nhà máy Nghi Sơn giảm công suất.

Bài liên quan
Bù lỗ nghìn tỉ cho lọc dầu Nghi Sơn: Tại giá dầu giảm?
Dường như chúng ta đang quay lại giải bài toán cũ khi sắp tới phải bù lỗ cho dự án Lọc dầu Nghi Sơn khoảng 1.800 - 2.500 tỉ đồng/năm, khi dự án này đi vào hoạt động.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vẫn còn băn khoăn về phương pháp định giá trong dự thảo nghị định quy định về giá đất
Góp ý về dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định về giá đất để hướng dẫn Luật Đất đai năm 2024, ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam cho rằng có một số điểm không hợp lý.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lọc dầu Nghi Sơn không cung cấp đủ xăng dầu, trách nhiệm thuộc về ai?