Dường như chúng ta đang quay lại giải bài toán cũ khi sắp tới phải bù lỗ cho dự án Lọc dầu Nghi Sơn khoảng 1.800 - 2.500 tỉ đồng/năm, khi dự án này đi vào hoạt động.

Bù lỗ nghìn tỉ cho lọc dầu Nghi Sơn: Tại giá dầu giảm?

Trí Lâm | 15/08/2016, 13:00

Dường như chúng ta đang quay lại giải bài toán cũ khi sắp tới phải bù lỗ cho dự án Lọc dầu Nghi Sơn khoảng 1.800 - 2.500 tỉ đồng/năm, khi dự án này đi vào hoạt động.

Do giá dầu giảm!

Không thểphủ nhận những lợi ích mà các dự án lọc hóa dầu đem lại cho nền kinh tế, bởi đây là lĩnh vực tạo động lực cho không ít ngành nghề quan trọng. Đồng thời, nhờ các dự án lọc dầu, Việt Nam từng bước làm chủ công nghệ lọc dầu nhiên liệu, hình thành được đội ngũ cán bộ, công nhân ngày càng lành nghề trong lĩnh vực dầu khí. Đáng mừng nhất có lẽ là các địa phương vì những dự án lọc dầu đem đến nguồn thu quan trọng cho ngân sách các tỉnh.

Ví dụ như Thanh Hoá với dự án Lọc dầu Nghi Sơn. Dự kiến số thu phát sinh từ giữa năm 2017, với phương án giá dầu 45 USD/thùng thì số thu nội địa của tỉnh chủ yếu từ thuế tiêu thụ đặc biệt và giá trị gia tăng. Tổng số thuế tiêu thụ đặc biệt và giá trị gia tăng từ 2017 - 2020 khoảng hơn 5.800 tỉ đồng. Tính theo hàng năm, số thu từ dự án này chiếm tỷ trọng tăng dần từ 5% lên 34,2% trong tổng số thu nội địa của tỉnh này.

Trước đó, với dự án Lọc hóa dầu Dung Quất, ngân sách tỉnh Quảng Ngãi cũng có những lợi ích tương tự, kéo theo hàng loạt địa phương đề nghị làm dự án lọc dầu. Hầu hết các dự án đều được hưởng những ưu đãi rất lớn. Tuy nhiên, ngân sách vẫn phải gánh lỗ cho những dự án này.

Trao đổi với báo điện tử Một Thế Giới, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - khoa Tài chính quốc tế (Học viện Tài chính) cho biết, từ khâu thẩm định dự án cho đến chuẩn bị đầu tư là cả một quá trình lâu dài và Chính phủ cũng đã có những xem xét.

Theo ông Thịnh, thời điểm thực hiện đầu tư trong bối cảnh giá dầu tương đối cao. Hơn nữa, về vấn đề đảm bảo an ninh năng lượng, lúc đó thì các dự án lọc dầu của Việt Nam mới chỉ đảm bảo được tỷ trọng tương đối nhỏ, chỉ 20 - 30%. Vì thế, nhu cầu về lọc hóa dầu lúc đó rất lớn. Lúc đó cũng có cả một phong trào các dự án lọc hóa dầu được các địa phương, rồi Bộ Kế hoạch và Đầu tư chấp thuận, dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn cũng nằm trong trạng thái đó.

“Người ta tính đến những khoản đầu tư đó nhanh chóng được thu hồi vì giá dầu rất cao. Tuy nhiên, khi các dự án đi vào hoạt động thì giá dầu lại xuống thấp, chỉ còn khoảng 50 USD/thùng. Với mức giá này thì dự án Nghi Sơn sẽ phải bù lỗ” – ông Thịnh nói.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - khoa Tài chính quốc tế (Học viện Tài chính)

Ngoài giá dầu, dư luận cũng đặt vấn đề về nhiều nguyên nhân khác, ví dụ như các dự án được bảo hộ, không hoạt động theo cơ chế thị trường. Ông Thịnh cho rằng, trong điều kiện như Việt Nam thì có một cơ chế đặc biệt cho các dự án này.

“Cơ chế đó cũng có những tác động nhưng không đến mức quá lớn, chủ yếu vẫn do giá dầu. Dần dần rồi cũng phải đưa vào cơ chế thị trường thôi. Mà thực tế thì Bình Sơn cũng đang đề nghị hoạt động theo cơ chế thị trường rồi” – ông Thịnh nói.

Giá dầu tăng, bù lỗ càngnhiều

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tổng thu ngân sách nhà nước sẽ sụt giảm do số thu từ hoạt động xuất nhập khẩu sẽ bị giảm. Cụ thể, năm 2017 tổng thu ngân sách nhà nước dự kiến giảm 1.377 tỉ đồng, năm 2018 giảm 10.929 tỉ đồng, năm 2019 giảm 10.632 tỉ đồng và năm 2020 giảm 14.110 tỉ đồng.

Thậm chí, theo dự báo, giá dầu càng tăng thì khoản bù lỗ của PetroVietnam càng lớn. Với giả định phương án giá dầu 50 USD/thùng, dự kiến PetroVietnam bù lỗ 1,8 tỉ USD/10 năm (tương đương 4.000 tỉ đồng/năm); giá dầu 70 USD/thùng bù lỗ 2 tỉ USD/10 năm (tương đương 4.500 tỉ đồng/năm).

Tuy nhiên, về lâu về dài, theo ông Đinh Trọng Thịnh, giá dầu sẽ tăng lên. Hơn nữa, dầu cũng là mặt hàng mang tính chất chiến lược đối với nền kinh tế. Đằng sau lọc hóa dầu còn có nhiều sản phẩm khác, đó là polymer, nhựa đường… và đó là nguyên vật liệu cho các ngành kinh tế khác phát triển.

“Trong hiện tại thì chúng ta đang phải bù lỗ, nhưng đã đầu tư rồi thì phải chấp nhận. Chỉ hy vọng cuối năm nay giá dầu có thể nhích lên theo dự đoán của các nhà kinh tế, từ đó sẽ giảm lỗ cho các nhà máy lọc dầu, mang lại hiệu quả cho nền kinh tế” – ông Thịnh nói.

Đây là những con số biết nói, thực tế, để có được những lợi ích như đã liệt kê ở phần đầu bài viết, chúng ta đang phải trả một cái giá tương đối đắt đỏ.

Nuông chiều, thiếu giám sát

Theo ông Đinh Trọng Thịnh, việc ưu tiên, ưu đãi trong đầu tư thì không chỉ với lọc hóa dầu. Với những dự án đầu tư lớn đều có rất nhiều ưu đãi, nhất là các dự án đầu tư nước ngoài.

“Rõ ràng, những ưu đãi đó so với hiệu quả đem lại cho nền kinh tế Việt Nam thì chưa tương xứng. Một phần là do chúng ta quá nuông chiều các dự án nước ngoài, phần nữa là chúng ta thiếu và yếu trong khâu kiểm tra, giám sát dự án đầu tư của họ” – ông Thịnh nói.

Ông Thịnh cho biết thêm, nhiều người vẫn cho rằng,các nhà đầu tư nước ngoài đem tiền đầu tư vào nước ta thì lỗ, lãi thế nào là chuyện riêng của họ. Họ phải có trách nhiệm với đồng tiền của họ nên chúng ta không kiểm soát giá cả các thiết bị công nghệ của các dự án. Do đó, các nhà đầu tư họ đẩy giá cả đầu tư dự án lên, thu lợi đơn lợi kép.

“Khi giá thành đầu tư cao lên thì giá thành sản phẩm cao lên, trong khi đó thuế đóng cho nhà nước lại thấp đi. Điều này không chỉ gây thiệt hại trước mắt mà còn ảnh hưởng lâu dài đến việc thu ngân sách nói chung cũng như thuế nói riêng” – ông Thịnh nhận định.

Do đó, theo ông Thịnh, đây là khâu mà Việt Nam đang khá buông lỏng và cần phải khắc phục thì mới có thể thu được hiệu quả trong thu hút các dự án đầu tư nước ngoài.

“Có một vấn đề là có thời kỳ xem xét các dự án đầu tư một cách ồ ạt, thiếu cân nhắc, thiếu tính toán đến hiệu quả, không có một quy hoạch nghiêm chỉnh, chỉ “mạnh ai người nấy làm”. Không chỉ lọc dầu mà trong rất nhiều lĩnh vực khác cũng vậy. Điều này gây nên sự lãng phí khủng khiếp cho nền kinh tế, không chỉ là mất đất đai, nguồn lực mà còn là hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế” - ông Thịnh nhấn mạnh.

Theo ông Thịnh, cần phải có một quy hoạch tổng thể cho từng ngành nghề, từng địa phương thì mới kêu gọi đầu tư. Như vậy sẽ có lợi cho cả nhà đầu tư lẫn Nhà nước và cả người dân.

Trí Lâm
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Giá trị kinh tế số của Việt Nam vẫn khiêm tốn, tăng thấp hơn mục tiêu đặt ra
8 giờ trước Nhịp đập khoa học
Giá trị kinh tế số của Việt Nam vẫn còn ở mức khiêm tốn trong khu vực. Trung bình thời kỳ 2020-2023, giá trị gia tăng của kinh tế số chỉ chiếm khoảng 12,5% so với GDP, thấp hơn nhiều so với mục tiêu đặt ra.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bù lỗ nghìn tỉ cho lọc dầu Nghi Sơn: Tại giá dầu giảm?