Dư luận đang quan tâm, liệu còn thời hiệu truy tố đối với những cán bộ các cơ quan tố tụng Bình Thuận đã gây oan sai cho ông Huỳnh Văn Nén qua 2 vụ án hay không? Các luật sư và chuyên gia luật nêu ý kiến về việc này.
Ý kiến luật sư Trần Vũ Hải
Luật sư Trần Vũ Hải là người tham gia bảo vệ ông Huỳnh Văn Nén trong vụ án “bà Bông” và vụ “kỳ án vườn điều”. Về vụ án oan sai của ông Huỳnh Văn Nén, ông nhận định: “Những tội danh có thể áp dụng để truy cứu trách nhiệm hình sự những người gây oan sai này là: tội cố ý truy cứu trách nhiệm hình sự người không có tội, tội ra bản án trái pháp luật, tội ra quyết định trái pháp luật, tội dùng nhục hình, tội bức cung, tội làm sai lệch hồ sơ vụ án, tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ...
Trong 2 vụ án trên, tôi cho rằng hậu quả gây ra thuộc trường hợp đặc biệt nghiêm trọng vì gây oan cho rất nhiều người và Nhà nước phải bồi thường hàng tỷ đồng cho những người bị oan”.
Về vấn đề thời hiệu truy tố những người gây oan sai trong 2 vụ án trên, theo ông Trần Vũ Hải: “Với các tội danh nói trên, trường hợp phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng và theo điều 23 khoản 2 tiết c BLHS, thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là 15 năm. Nhưng theo khoản 3 của điều trên, thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được tính từ ngày tội phạm được thực hiện...”.
Ông Hải đặt vấn đề, vậy đối với những tội phạm có tình tiết đặc biệt nghiêm trọng định khung thì thời hiệu tính từ khi người phạm tội có hành vi vi phạm hay tính từ khi có hậu quả đặc biệt nghiêm trọng?
Luật sư quả quyết “chúng tôi cho rằng, phải tính từ khi xác định có hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, tính từ khi Nhà nước bồi thường oan sai, hay khi những người bị hàm oan được giải oan”.
Như vậy, những người gây oan sai trong “kỳ án vườn điều” thời hiệu truy tố chỉ từ giai đoạn cuối năm 2005 hay từ năm 2006. Hay ông Nén chỉ mới được xin lỗi công khai, giải oan mới đây và cơ quan tố tụng Bình Thuận chưa bồi thường oan sai thì thời hiệu truy tố những người gây oan sai vẫn chưa được tính đến (?)
Theo luật sư Hải, tội “lạm quyền thi hành công vụ” trong trường hợp gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 10-20 năm tức thuộc trường hợp tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là 20 năm.
Những quan điểm khác
Theo luật sư Nguyễn Đức Chánh (đoàn luật sư TP.HCM): “Việc xem xét trách nhiệm ông Cao Văn Hùng - điều tra viên, ông Đinh Văn Lai - kiểm sát viên và những người tiến hành tố tụng, gây nên oan sai cho ông Nén... tất nhiên sẽ sớm được đưa ra giải quyết. Tuy nhiên, về trách nhiệm hình sự của những người tiến hành tố tụng này thì có vẻ họ đã... thoát tội”.
Theo ông, với các tội xâm phạm hoạt động tư pháp theo chương XXII Bộ luật Hình sự như tội dùng nhục hình, tội bức cung, tội là sai lệch hồ sơ vụ án…mức hình phạt cao nhất là đến 15 năm tù. Còn tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, mức hình phạt cao nhất là 12 năm tù, tức là thuộc tội phạm rất nghiêm trọng.
Luật sư Chánh nhận định: “Vụ án oan của ông Huỳnh Văn Nén đã quá 15 năm nên những người gây ra án oan cho ông có thể không phải chịu trách nhiệm hình sự theo luật định. Họ có thể bị xem xét trách nhiệm khác về hành chính… và tòa án lương tâm phán xử họ”.
Tiến sĩ Phan Anh Tuấn - trưởng bộ môn Luật hình sự, Đại học Luật TP.HCM, phân tích: Do các hành vi của họ gây oan sai cho ông Nén đều thực hiện trước ngày 1/7/2000 là ngày BLHS năm 1999 có hiệu lực nên hành vi gây oan sai của họ nếu phạm bất cứ tội gì, có thể là: tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, tội truy cứu trách nhiệm hình sự người không có tội, tội dùng nhục hình, tội bức cung, tội làm sai lệch hồ sơ vụ án...đều phải áp dụng qui định về thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự theo qui định của BLHS năm 1985.
Theo quy định tại điều 45 BLHS năm 1985, thời hiệu cao nhất đối với các tội trong mọi trường hợp cũng chỉ tối đa là 15 năm.
“Do vậy, cho đến nay các hành vi gây oan sai của điều tra viên, kiểm sát viên trong vụ án này đều đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự”, tiến sĩ Tuấn đánh giá
Riêng về hành vi gây oan sai các thành viên HĐXX của TAND Bình Thuận trong vụ ông Nén, ông đánh giá: Do bản án sơ thẩm được tuyên vào ngày 31/8/2000 khi BLHS năm 1999 đã có hiệu lực, nên về mặt pháp lý, hành vi làm oan sai của thành viên HĐXX, trong đó có thẩm phán - chủ tọa phiên tòa trong vụ án này (nếu có), có dấu hiệu của tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng theo điều 285 BLHS năm 1999.
Ngay cả trong trường hợp đặc biệt, hành vi của chủ tọa phiên tòa (nếu có) phạm tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng với khung cao nhất là khoản 2 điều 285 BLHS 1999 có mức cao nhất là 12 năm tù thì đây là tội rất nghiêm trọng và theo qui định tại điểm c khoản 2 điều 23 BLHS năm 1999 thì thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là 15 năm.
Do vậy, áp dụng thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự theo BLHS năm 1999 là 15 năm, đã hết nên không thể truy cứu trách nhiệm hình sự với thành viên HĐXX, trong đó có thẩm phán - chủ tọa phiên, do bản án được tuyên vào ngày 31/8/2000.
Tiến sĩ Tuấn xác định “về trách nhiệm bồi thường thì Tòa án là cơ quan cuối cùng gây oan sai cho ông Nén nên phải bồi thường thiệt hại cho ông Nén theo luật bồi thường trách nhiệm của Nhà nước”.
Việc thời hiệu xử lý hình sự những người gây oan sai cho ông Huỳnh Văn Nén qua 2 vụ án đang gây tranh cãi gay gắt. Có ý kiến cho rằng, nên có một án lệ trong trường hợp này, bởi lẽ vụ việc ông Nén dính đến 2 án oan sai đặc biệt nghiêm trọng, có một không hai trong lịch sử tố tụng Việt Nam.
Đàm Đệ/VNN