Theo LS Trương Thanh Đức - Chủ tịch HĐTV Công ty Luật Basico, hộ kinh doanh có đăng ký đã thật sự hết lý do, vai trò lịch sử, còn sự tồn tại và phát triển như là doanh nghiệp mà không được thừa nhận là doanh nghiệp chỉ là do sự khiếm khuyết của pháp luật.

LS Trương Thanh Đức: Hộ kinh doanh có đăng ký đã hết vai trò lịch sử

04/04/2019, 10:30

Theo LS Trương Thanh Đức - Chủ tịch HĐTV Công ty Luật Basico, hộ kinh doanh có đăng ký đã thật sự hết lý do, vai trò lịch sử, còn sự tồn tại và phát triển như là doanh nghiệp mà không được thừa nhận là doanh nghiệp chỉ là do sự khiếm khuyết của pháp luật.

Hộ kinh doanh đang tồn tại và phát triển như doanh nghiệp - Ảnh: Internet

Đưa hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp là... phát minh riêng của Việt Nam

Hộ kinh doanh có đăng ký đã hết vai trò lịch sử?

Bình luận về việc chuyển hộ kinh doanh thành doanh nghiệp, theo LS Trương Thanh Đức cho rằng hộ kinh doanh phải đăng ký kinh doanh và các doanh nghiệp đều là những tổ chức kinh doanh chuyên nghiệp. Nếu ví lực lượng này như một tháp kinh doanh thì tất cả đều phải dựa trên một nền tảng chung, cho dù đa số ở chân tháp, một số ở giữa tháp và chỉ một số rất ít ở đỉnh tháp.

Theo ông Đức, hộ kinh doanh là giải pháp cần thiết và tất yếu thay thế cho thành phần kinh tế tư bản tư nhân trong rất nhiều năm pháp luật không khuyến khích, chậm chí từng ngăn cản.

Nhưng từ 1990, muốn thành lập doanh nghiệp tư nhân bắt buộc phải có vốn pháp định từ 20 triệu đồng (như các cửa hàng dịch vụ) cho đến 240 triệu đồng (thủy điện), đồng thời phải được phép của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng hoặc Chủ tịch UBND tỉnh, nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính.

Từ năm 2000, đặc biệt là từ năm 2006 và 2014 trở đi, mọi điều kiện thành lập và hoạt động của doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp tư nhân nói riêng đã được xoá bỏ. Điều kiện thành lập doanh nghiệp tư nhân và công ty gần như bằng không và không khác gì với việc thành lập hộ kinh doanh.

Đặc biệt là việc Luật Doanh nghiệp năm 2005 và 2014 cho phép thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn 1 thành viên là cá nhân. Vì vậy hộ kinh doanh đã thật sự hết lý do và vai trò lịch sử. Còn sự tồn tại và phát triển như là doanh nghiệp mà không được thừa nhận là doanh nghiệp chỉ do sự khiếm khuyết của pháp luật.

Tuy nhiên, luật sư này cho rằng vì 3 Luật Doanh nghiệp năm 1999, 2005, 2014 và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan khác vẫn tiếp tục quy định về hộ kinh doanh một cách quá sơ sài, dễ dãi, đơn giản, nên đương nhiên trở thành sự lựa chọn chủ yếu trên thực tế.

“Việc một người có nhiều công ty là chuyện bình thường, nhưng một người đồng thời duy trì 2 chủ thể kinh doanh là công ty và hộ kinh doanh là điều cần phải suy nghĩ”, ông Đức nói.

Đến nay, theo luật sư Đức có khoảng 1,6 triệu hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh và khoảng 3,4 triệu hộ kinh doanh không có đăng ký kinh doanh. Chỉ nhóm có đăng ký mới đặt ra yêu cầu chuyển đổi thành doanh nghiệp.

“Không phải lựa chọn chuyển hay không chuyển đổi, mà phải thừa nhận hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh, tức đã đạt đến 1 quy mô nhất định là doanh nghiệp. Tức thừa nhận 1,6 triệu hộ đang đăng ký kinh doanh là một loại hình doanh nghiệp”, ông Đức nói.

Đối với 3,4 triệu hộ kinh doanh còn lại, vì quy mô nhỏ, vẫn được kinh doanh mà không buộc phải đăng ký kinh doanh, thì cũng không yêu cầu phải đăng ký kinh doanh và tất nhiên không bao giờ đặt ra vấn đề phải nâng lên thành doanh nghiệp.

Doanh nghiệp siêu nhỏ phải dễ sống như hộ kinh doanh

Theo đó, luật sư Đức cho rằng cần có quy định theo lộ trình tăng dần yêu cầu mỗi năm khoảng 10% trong khoảng 10 năm để không còn khoảng cách giữa hộ kinh doanh với doanh nghiệp, ít nhất là doanh nghiệp siêu nhỏ.

Trước mắt vài vài năm cũng chưa đòi hỏi thay đổi đối với hộ kinh doanh có doanh thu dưới 100 triệu đồng/năm đang được miễn thuế. Kế toán trước mắt gần như cũ. Đương nhiên là đơn giản hơn chế độ kế toán đối với doanh nghiệp siêu nhỏ mà Bộ Tài chính mới ban hành.

Tức về cơ bản, cần bảo đảm cho hộ kinh doanh vẫn thực hiện nghĩa vụ như hiện nay, ngoại trừ những gì tốt hơn, gia tăng quyền lợi hơn, chẳng hạn như không giới hạn địa điểm kinh doanh hay chỉ được thuê dưới 10 lao động.

Ông Đức nhấn mạnh, hộ kinh doanh và doanh nghiệp dù khác nhau bao nhiêu thì vẫn đều phải có một đòi hỏi xuất phát, một yêu cầu tối thiểu, một tiêu chuẩn nền tảng hay một mặt bằng cơ sở. Tuy nhiên, không thể bắt hộ kinh doanh chuyển thành doanh nghiệp phải sống và khó sống như doanh nghiệp siêu nhỏ hiện nay, mà là phải làm cho các doanh nghiệp siêu nhỏ dễ sống như hộ kinh doanh. Nếu không nâng được chuẩn hộ kinh doanh lên thì buộc phải hạ chuẩn doanh nghiệp siêu nhỏ xuống.

Trao đổi với phóng viên báo điện tử Một Thế Giới, ông Lê Xuân Hiền - Trưởng phòng Đấu thầu, Thẩm định và Giám sát đầu tư Sở KH-ĐT Hải Dương cho rằng, hộ kinh doanh là vấn đề cần bàn thấu đáo, nhất là về địa vị pháp lý. Nếu mạnh dạn thì cần xóa bỏ hộ kinh doanh có đăng ký. Cần khuyến khích họ lên doanh nghiệp bằng cách khiến cho họ cảm thấy việc lên doanh nghiệp không quá khó khăn.

Ông Lê Xuân Hiền nêu: "Tại sao hộ kinh doanh không chuyển thành doanh nghiệp? Tôi lấy ví dụ thế này, tôi đi xe máy còn anh đi ô tô. Xe máy chính là hộ kinh doanh, còn ô tô là doanh nghiệp. Khi mua ô tô thì ngay lập tức phòng cháy chữa cháy, bảo hiểm… vào”.

Ông cho rằng để đưa hộ kinh doanh lên doanh nghiệp, quan trọng là luật phải rõ ràng, người hướng dẫn, người thực thi phải minh bạch, công tâm và đối tượng kinh doanh cũng phải có trách nhiệm. Tuy nhiên việc này rất gian nan chứ không phải hô một cái" mà từ hộ kinh doanh lên doanh nghiệp được.

“Tôi đi đường cao tốc thì biển báo nhiều, nhưng không vì thế mà ta quay lại đường đất để đi. Những vấn đề về lao động, bảo hiểm, thuế… thì không thể bỏ được, quan trọng là người hướng dẫn, cơ quan thực thi phải công tâm. Lên doanh nghiệp có khó hơn hộ kinh doanh, cũng như bạn đang đi xe máy, giờ bạn lên đi ô tô thì có khó hơn, tuy nhiên không hề khó khăn như vẫn nghĩ”, ông Hiền nói.

Lam Thanh

Bài liên quan: Đưa hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp là... phát minh riêng của Việt Nam

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội Việt Nam gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 2: Các lĩnh vực đều tăng tốc, bứt phá
Sản xuất nông-lâm nghiệp và thủy sản năm 2023 và quý 1/2024 tiếp tục là một trụ đỡ vững chắc của nền kinh tế với kim ngạch xuất khẩu nông sản tăng cao, chăn nuôi phát triển ổn định, nuôi trồng thủy sản phát triển khá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
LS Trương Thanh Đức: Hộ kinh doanh có đăng ký đã hết vai trò lịch sử