Đơn vị sản xuất giống cây trồng Syngenta vào năm 2023 sẽ ra mắt loại lúa mì mới được phát triển bằng kỹ thuật lai tạo phức tạp tại Mỹ, đánh bại các công ty đối thủ cũng đang cố gắng tạo ra giống lúa năng suất cao hơn.
Loại lúa mì mới sở hữu ưu điểm của hai loại được dùng để lai tạo, cho sản lượng cao hơn 12 - 15% và đảm bảo mùa vụ ổn định hơn, theo Syngenta. Công ty dự kiến năm tới cung cấp đủ số hạt giống để nông dân Mỹ trồng khoảng 5.000 - 7.000 mẫu (2.023 - 2.832 ha) – mở ra cơ hội tăng diện tích gieo trồng vào năm 2024.
Số nông dân trồng lúa mì được hưởng ưu đãi khi mua giống. Họ sẽ trực tiếp cung cấp dữ liệu gieo trồng cho Syngenta để công ty dùng cải thiện giống lai tạo tiếp theo.
Nông dân trồng ngô, lúa mạch cùng nhiều loại cây trồng khác từ lâu đã được hưởng lợi từ giống lai tạo năng suất cao. Nhưng con đường đưa lúa mì lai tạo ra thị trường lại cực kỳ chậm vì quá trình phát triển tốn kém và khó khăn hơn, các công ty nhận thấy tiềm năng thu lợi nhuận thấp hơn.
Lợi ích của loại lúa mì mới chưa rõ ràng. Ba công ty sản xuất giống độc lập làm việc theo thỏa thuận với Syngenta trong năm nay cho biết họ không chắc giống lúa mì này đem lại lợi ích vượt trội, cần thêm thời gian để xác định cách thức sản xuất hạt giống tốt nhất với chi phí hợp lý.
Syngenta trước đó hoãn tung ra loại lúa mì tương tự thử nghiệm ở Pháp sau kết quả đáng thất vọng. Các giống lai tạo tại Pháp và Mỹ được thiết kế phù hợp với điều kiện trồng trọt địa phương (bệnh thực vật, tiêu chuẩn xay xát).
Lịch sử giống cây trồng lai tạo
Nông dân đã sử dụng giống ngô lai tạo từ những năm 1930, sau đó là nhiều loại cây trồng khác từ đậu phộng đến cà chua. Giống lai tạo giúp sản lượng ngô của Mỹ tăng từ 20 giạ/mẫu (năm 1930) lên 140 giạ/mẫu (giữa những năm 1990).
Đến năm 1960, 95% diện tích ngô trồng tại Mỹ là giống lai tạo. Theo giám đốc điều hành Hiệp hội Nông dân trồng lúa mì Minnesota Charlie Vogel: “Ngô rất dễ gieo trồng. Lúa mì khó hơn vì cần điều kiện lý tưởng để gieo hạt”.
Hàng loạt đơn vị sản xuất giống cây trồng Bayer AG và BASF SE đều đang phát triển lúa mì lai tạo, nhưng chậm hơn Syngenta vài năm.
Lai tạo không gây tranh cãi nhiều như biến đổi gen. Tuy nhiên, giống lúa mì biến đổi gien chịu hạn do công ty khởi nghiệp Biocere (Argentina) phát triển lại được phê duyệt ở Brazil, Nigeria, Úc và New Zealand, họ đặt cược vào triển vọng người tiêu dùng dần chấp nhận giống biến đổi gen để nuôi dân số ngày càng tăng trong điều kiện khí hậu ngày càng khắc nghiệt.
Sản xuất hạt giống lúa mì lai tạo vẫn còn phức tạp và tốn kém hơn lúa mì truyền thống. Vì vậy phải để nông dân thấy trồng giống lai tạo cho sản lượng cao hơn đáng kể thì mới thuyết phục được rằng họ bỏ ra nhiều chi phí mua giống hơn là xứng đáng.