Chuyên gia kỳ vọng Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng đầu tư và thu hút kiều hối từ hàng triệu công dân Việt Nam ở nước ngoài, tạo nguồn lực phát triển kinh tế đất nước.
Hạ tầng và bất động sản

Luật Đất đai (sửa đổi): Kiều bào mua nhà trong nước sẽ dễ dàng hơn

Lam Thanh 01/02/2024 23:00

Chuyên gia kỳ vọng Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng đầu tư và thu hút kiều hối từ hàng triệu công dân Việt Nam ở nước ngoài, tạo nguồn lực phát triển kinh tế đất nước.

Luật Đất đai (sửa đổi) vừa được thông qua có nhiều quy định mới về quyền tiếp cận đất đai của người Việt Nam định cư ở nước ngoài có quốc tịch Việt Nam.

Cụ thể, điều 4 quy định về người sử dụng đất được bổ sung thêm nhóm gốc Việt định cư ở nước ngoài nhưng không có quốc tịch Việt Nam (hay còn gọi là Việt kiều). Nhóm này sẽ được hưởng đầy đủ quyền lợi về đất đai, nhà ở như công dân trong nước và người Việt định cư ở nước ngoài (người còn quốc tịch Việt Nam).

Trong luật mới, điều 28 cũng quy định cụ thể người gốc Việt định cư ở nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam được mua, thuê nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở, nhận quyền sử dụng đất ở trong dự án phát triển nhà ở; nhận thừa kế quyền sử dụng đất ở và các loại đất khác trong cùng thửa đất có nhà (luật hiện hành không có những quy định này).

Nói với phóng viên, Luật sư Phạm Thanh Tuấn, Đoàn Luật sư TP.Hà Nội cho biết: Luật Đất đai 2013 phân biệt quyền tiếp cận đất đai giữa "cá nhân trong nước" với "người Việt Nam định cư ở nước ngoài". Tuy nhiên, tại khoản 3 Điều 4 Luật Đất đai 2024 đã có quy định khác.

Cụ thể, người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam thì có đầy đủ các quyền liên quan đến đất đai như công dân Việt Nam ở trong nước.

tuan.jpeg
Luật sư Phạm Thanh Tuấn, Đoàn Luật sư TP.Hà Nội

Ngoài ra, người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam được mua, thuê mua nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở, nhận quyền sử dụng đất ở trong dự án phát triển nhà ở; nhận thừa kế quyền sử dụng đất ở và các loại đất khác trong cùng thửa đất có nhà ở theo quy định của pháp luật về dân sự; nhận tặng cho nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở từ những người thuộc hàng thừa kế theo quy định của pháp luật về dân sự.

Ông Tuấn kỳ vọng quy định này sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng đầu tư và thu hút kiều hối từ hàng triệu công dân Việt Nam ở nước ngoài, tạo nguồn lực phát triển kinh tế đất nước.

Chuyên gia pháp lý bất động sản Nguyễn Văn Đỉnh cũng cho rằng, chính sách này sẽ góp phần thúc đẩy thu hút đầu tư, thu hút kiều hối từ kiều bào ở nước ngoài cho phát triển kinh tế.

Ngoài ra điều này cũng khắc phục tình trạng Việt kiều đã bỏ tiền ra để nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất và nhờ người thân ở trong nước đứng tên, tuy nhiên người được nhờ đứng tên lại đem bán, gây ra tranh chấp.

Dù vậy, ông Đỉnh cho biết, vẫn còn tồn tại, chưa thực sự đồng bộ trong sử dụng thuật ngữ giữa Luật Đất đai 2024 với Luật Nhà ở 2023, Luật Kinh doanh bất động sản 2023 và Luật quốc tịch Việt Nam 2008.

Theo đó, Luật Đất đai 2024 không tiếp thu ý kiến đề xuất cần bổ sung “cá nhân nước ngoài” là chủ thể có quyền sử dụng đất gắn với nhà ở được sở hữu tại Việt Nam theo quy định của Luật Nhà ở.

“Điều này dẫn đến tình trạng chưa đồng bộ với quy định về quyền sở hữu nhà ở của “cá nhân nước ngoài theo Luật Nhà ở 2023 và để giải quyết triệt để công tác cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu cho người nước ngoài mua nhà ở tại Việt Nam, đặc biệt nhà ở thấp tầng”, ông Đỉnh nói.

nha.png
Kiều bào mua nhà trong nước thuận lợi hơn nhà Luật Đất đai (sửa đổi)

Trước đó, Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) được thông qua với nhiều nội dung mới, trong đó mở rộng chào đón Việt Kiều có nhu cầu đầu tư bất động sản tại Việt Nam.

Theo đó, người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam (quốc tịch Việt Nam) có quyền và nghĩa vụ liên quan đến đất đai như công dân Việt Nam trong nước (nghĩa là được kinh doanh bất động sản như công dân trong nước). Riêng đối với người gốc Việt định cư ở nước ngoài mà không phải là công dân Việt Nam (không mang quốc tịch Việt Nam), chỉ được kinh doanh bất động sản theo các hình thức như luật hiện hành.

Quy định này đồng bộ với Luật Nhà ở (sửa đổi) quy định theo hướng dẫn với người Việt Nam định cư ở nước ngoài được phép nhập cảnh, thì được sở hữu nhà ở gắn với quyền sử dụng đất theo pháp luật đất đai.

Theo số liệu của Bộ Xây dựng, có khoảng 4 triệu người muốn mua nhà ở Việt Nam trong tương lai, bao gồm người nước ngoài và Việt kiều, đặc biệt là xu thế dòng vốn FDI đang đổ mạnh vào Việt Nam, kéo theo nhu cầu sinh sống và làm việc lâu dài tại Việt Nam tăng lên.

Còn theo ước tính của Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài, hiện có 600.000 - 700.000 Việt kiều là người có trình độ cao (trí thức, doanh nhân…, chiếm 10 - 12% kiều bào). Trong đó, rất nhiều người muốn về Việt Nam đề kinh doanh, đầu tư, sinh sống. Do đó, nhu cầu mua nhà tại Việt Nam là không nhỏ. Điều này cũng góp phần tích cực để phục hồi thị trường bất động sản đang ảm đạm hiện nay.

Theo số liệu của câu lạc bộ Bất động sản TP.HCM (HREC), hiện có trên 10 triệu người Việt Nam ở nước ngoài (Việt kiều) trên 200 quốc gia và có khoảng 3,8 triệu người đã đến tuổi nghỉ hưu. Số người có tài sản và nhu cầu về Việt Nam sinh sống rất nhiều.

Theo đó, nhu cầu sở hữu nhà ở của người nước ngoài tại Việt Nam hơn 1 triệu căn hộ và nhu cầu sở hữu nhà ở của Việt Kiều lên đến hơn 3 triệu căn hộ.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước về đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo
14 giờ trước Theo dòng thời sự
Dưới sự lãnh đạo của Đảng với phương pháp, cách thức cầm quyền dân chủ, khoa học, thường xuyên được đổi mới phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ từng thời kỳ, sự nghiệp cách mạng Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Luật Đất đai (sửa đổi): Kiều bào mua nhà trong nước sẽ dễ dàng hơn