Chuyên gia cho rằng để thu hút FDI vào lĩnh vực bất động sản cần đổi mới biện pháp hỗ trợ các doanh nghiệp FDI trong việc tiếp cận các thủ tục đầu tư, giảm chi phí đầu tư, giải phóng mặt bằng…
Hạ tầng và bất động sản

Vốn FDI vào Việt Nam tăng mạnh đầu năm, ngành bất động sản dẫn đầu

Lam Thanh 19:31 28/01/2024

Chuyên gia cho rằng để thu hút FDI vào lĩnh vực bất động sản cần đổi mới biện pháp hỗ trợ các doanh nghiệp FDI trong việc tiếp cận các thủ tục đầu tư, giảm chi phí đầu tư, giải phóng mặt bằng…

Vốn FDI đăng ký và giải ngân đồng loạt tăng trong tháng 1. Đáng chú ý, có tới 1,27 tỉ USD chảy vào lĩnh vực bất động sản, gấp đôi cùng kỳ.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 20.1, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài (ĐTNN) đạt hơn 2,36 tỉ USD, tăng 40,2% so với cùng kỳ năm 2023. Ngoài vốn đầu tư điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần giảm thì vốn đầu tư đăng ký mới vẫn tăng mạnh.

Cụ thể, có 190 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (tăng 24,2% so với cùng kỳ), tổng vốn đăng ký đạt hơn 2 tỉ USD (tăng 66,9%); có 75 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư (giảm 15,7% so với cùng kỳ), tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt hơn 235,4 triệu USD (giảm 23,1%) và có 174 lượt góp vốn mua cổ phần của nhà ĐTNN (giảm 14,7%) với tổng giá trị vốn góp đạt hơn 116,5 triệu USD (giảm 33,1% so với cùng kỳ).

Cục Đầu tư nước ngoài cho biết vốn đầu tư đăng ký mới tháng 1 tăng mạnh so với cùng kỳ do tăng số lượng dự án mới (tăng 24,2%) và có dự án quy mô vốn đầu tư lớn (hơn 600 triệu USD).

fdi.jpeg
FDI tăng mạnh ngay từ đầu năm

Các nhà ĐTNN đã đầu tư vào 15 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân. Trong đó, ngành hoạt động kinh doanh bất động sản dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt hơn 1,27 tỉ USD, chiếm 53,9% tổng vốn đầu tư đăng ký và gấp 2 lần so với cùng kỳ.

Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư gần 926 triệu USD, chiếm 39,2% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tiếp theo, lần lượt là các ngành hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ; bán buôn, bán lẻ với tổng vốn đăng ký đạt lần lượt là 65,2 triệu USD và gần 54,5 triệu USD.

Xét về số lượng dự án, bán buôn, bán lẻ là ngành dẫn đầu về số dự án mới (chiếm 38,9%) và góp vốn mua cổ phần (chiếm 49,4%). Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng số lượt điều chỉnh vốn cao nhất (73,3%).

Đã có 39 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam trong tháng 1. Trong đó, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư hơn 1,4 tỉ USD, chiếm 59,5% tổng vốn đầu tư, tăng 72,8% so với cùng kỳ 2023. Nhật Bản đứng thứ hai với gần 297 triệu USD, chiếm 12,6% tổng vốn đầu tư, gấp hơn 7 lần so với cùng kỳ.

Xét về số dự án, Trung Quốc là đối tác dẫn đầu về số dự án đầu tư mới (chiếm gần 19%); Hàn Quốc dẫn đầu về số lượt điều chỉnh vốn (chiếm 26,7%) và góp vốn mua cổ phần (chiếm 25,3%).

Hà Nội dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 867 triệu USD, chiếm 36,7% tổng vốn đầu tư đăng ký và gấp 39,7 lần so với cùng kỳ năm 2023. Bà Rịa - Vũng Tàu đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 282 triệu USD, chiếm 11,9% tổng vốn đầu tư cả nước. Kế đến, lần lượt là Bắc Giang, Bắc Ninh, Đồng Nai,…

Cục Đầu tư nước ngoài ước tính, các dự án ĐTNN đã giải ngân được khoảng 1,48 tỉ USD, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm 2023.

Đáng chú ý, ngành hoạt động kinh doanh bất động sản dẫn đầu trong thu hút đầu tư với tổng vốn đầu tư đạt hơn 1,27 tỉ USD, chiếm 53,9% tổng vốn đầu tư đăng ký và gấp 2 lần so với cùng kỳ.

Trao đổi với phóng viên Một Thế Giới về vấn đề này, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính cho biết đến hết năm 2023, ngành kinh doanh bất động sản đứng ở vị trí thứ 2 về thu hút nguồn vốn ngoại với tổng vốn đầu tư gần 4,67 tỉ USD, chiếm hơn 12,7% tổng vốn đầu tư đăng ký, tăng 4,8% so với cùng kỳ.

fdi-2.jpeg
Cần nhiều giải pháp để thu hút FDI vào bất động sản

Theo ông Thịnh, để thu hút FDI vào lĩnh vực bất động sản cần xem xét đổi mới biện pháp hỗ trợ các doanh nghiệp FDI trong việc tiếp cận các thủ tục đầu tư, các ưu đãi trong việc giảm chi phí đầu tư, trong việc giải phóng mặt bằng, trong tuyển dụng công nhân.

TS Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao - Bộ phận tư vấn đầu tư Savills Việt Nam, đánh giá sau cuộc khủng hoảng tài chính (kết thúc năm 2013), lượng vốn FDI mới đã tăng lên rõ rệt và đều đặn qua từng năm, trong đó vốn FDI rót vào ngành bất động sản chiếm tỷ trọng lớn, luôn đứng vị trí thứ 2 trong thu hút vốn FDI.

Ông Khương nhìn nhận thị trường bất động sản Việt Nam luôn là “miếng bánh hấp dẫn” trong mắt các doanh nghiệp nước ngoài. Nguyên do là Việt Nam có lực lượng lao động trẻ 25 - 35 tuổi đông đảo, đồng thời là nước có hơn 100 triệu dân nên nhu cầu về nhà ở rất lớn, nhất là giới trẻ đang học tập, sinh sống và làm việc tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng…

Để thu hút nguồn lực FDI lớn hơn nữa, TS Sử Ngọc Khương cho rằng cần giải quyết được các vấn đề nội tại, cụ thể là các vấn đề pháp lý dự án cũng như hành lang pháp lý nói chung để nhà đầu tư tham gia rót vốn vào. Dòng vốn FDI nếu gặp rào cản thì các thương vụ M&A bất động sản cũng sẽ bị kìm hãm và tất yếu, nhà đầu tư nước ngoài sẽ nắn dòng vốn chảy sang các nước khác.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
6 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vốn FDI vào Việt Nam tăng mạnh đầu năm, ngành bất động sản dẫn đầu