Thời gian gần đây, giới luật sư liên tục phản ánh việc bị lợi dụng thông tin và hình ảnh để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Luật sư kêu trời vì bị kẻ gian dùng công nghệ AI mạo danh để lừa đảo

Lam Thanh | 09/11/2023, 16:55

Thời gian gần đây, giới luật sư liên tục phản ánh việc bị lợi dụng thông tin và hình ảnh để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Những kẻ lừa đảo dùng hình ảnh của các luật sư, các tổ chức hành nghề luật sư để tạo tài khoản mạng xã hội, website giả danh luật sư hứa hẹn “đòi” tiền cho các nạn nhân. Sau khi nạn nhân chuyển tiền nhiều lần mới té ngửa biết mình bị lừa, mất thêm tiền từ đường dây lừa đảo của luật sư giả.

Luật sư Trần Minh Hùng (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho hay ông đã nhận nhiều tin báo của người quen về việc có tài khoản mạo danh, cắt ghép, tạo hình ảnh giấy tờ giả mang tên "Trần Minh Hùng" để lừa đảo người khác.

Chiêu trò kẻ mạo danh thường sử dụng là hứa hẹn sẽ đòi lại tiền cho những người bị lừa đảo qua mạng. Chúng yêu cầu người đó chuyển tiền trước và chỉ chấp nhận tư vấn qua mạng, không gặp gỡ khách hàng ngoài đời.

anh-man-hinh-2023-11-09-luc-16.31.57.png
Luật sư Trương Thanh Đức (Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam) bị mạo danh

Tương tự, luật sư Trương Thanh Đức - Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam cũng cho biết ông liên tục bị kẻ xấu mạo danh để lừa đảo.

“Thậm chí chúng còn dùng trí tuệ nhân tạo (AI) để tạo ra video clip 27 giây giả mạo một cách tinh vi. Nếu người ít kinh nghiệm rất dễ bị nhầm và bị lừa tiền thêm một lần nữa”, luật sư Trương Thanh Đức nói.

Công ty Luật Minh Khuê cũng cho biết đã phát hiện nhiều người giả mạo Luật Minh Khuê trên các nền tảng mạng xã hội. Những người này chạy quảng cáo hỗ trợ đòi lại tiền treo trên các nền tảng, mục đích lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người khác.

“Các đối tượng quảng cáo hỗ trợ lấy lại tiền bị treo trên mọi nền tảng online. Đây không phải là một dịch vụ pháp lý do Luật Minh Khuê cung cấp. Chúng tôi không thực hiện công việc nêu tại page Facebook lừa đảo nói trên, nhưng kẻ lừa đảo vẫn cung cấp cho các nạn nhân các thông tin về địa chỉ, văn phòng, website tên miền của công ty chúng tôi. Ngoài ra, kẻ lừa đảo còn đưa ra các thông tin tài khoản để các nạn nhận thực hiện chuyển khoản”, Công ty Luật Minh Khuê nêu.

Trao đổi với phóng viên Một Thế Giới xoay quanh vấn đề này, luật sư Nguyễn Văn Đồng (Văn phòng Luật sư Nhân Chính, Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho rằng tình trạng lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng rất ngang nhiên và phổ biến.

Theo ông Đồng, những kẻ lừa đảo lợi dụng thông tin và hình ảnh của luật sư, tổ chức hành nghề luật sư để thực hiện hành vi, nhằm tạo lòng tin với “con mồi” là các nạn nhân thiếu hiểu biết.

dong.jpeg

Sau khi các nạn nhân đã tin tưởng thì sẽ có một đội ngũ gọi là ê kíp của chúng với “kịch bản đã được xây dựng từ trước” thực hiện các công việc như: tiếp nhận thông tin, trấn an tâm lý của các nạn nhân, thậm chí đe dọa, hứa hẹn lấy lại được tiền cho các nạn nhân.

“Một đặc điểm chung của các nạn nhân bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua hình thức này là thường ít khi tiếp cận với các phương tiện thông tin đại chúng, phổ biến pháp luật. Thêm vào đó là tâm lý e ngại không dám công khai việc mình bị lừa do sợ người thân biết. Điều này dẫn đến nạn nhân bị cả băng nhóm lừa đảo thao túng tâm lý và làm theo hướng dẫn của chúng để mong nhận lại được tiền bị lừa trước đó một cách nhanh chóng”, ông Đồng nêu.

Theo luật sư Đồng, từ phương thức, thủ đoạn trên, có thể thấy hành vi của những kẻ lừa đảo này đã cấu thành tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản quy định tại điều 290 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Vì vậy cơ quan chức năng cần nhanh chóng vào cuộc truy quét các đường dây lừa đảo qua mạng để làm sạch môi trường mạng, nếu những kẻ trong đường dây bị bắt, với số tiền chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên thì khung hình phạt từ 12 - 20 năm.

Để tránh bị rơi vào bẫy lừa đảo qua mạng khi đi tìm kiếm dịch vụ pháp lý do luật sư và tổ chức hành nghề luật sư trên môi trường mạng internet, người dân cần tìm kiếm tới website chính thống của tổ chức hành nghề luật sư, thậm chí tra cứu danh bạ luật sư tại website đoàn luật sư.

“Nếu có điều kiện đi lại cần đến trực tiếp văn phòng luật sư để tư vấn và chỉ chuyển phí thù lao trên cơ sở ký kết hợp đồng dịch vụ pháp lý giữa khách hàng và tổ chức hành nghề luật sư”, ông Đồng nói.

Theo ông Đồng, đối với những trường hợp đã bị chiếm đoạt tài sản thì chỉ còn cách nhanh chóng làm đơn trình báo tố giác hành vi của các đối tượng này tới cơ quan cảnh sát điều tra để được thụ lý giải quyết theo thẩm quyền.

“Việc mất tiền và tìm kiếm đến dịch vụ pháp lý của luật sư và tổ chức hành nghề luật sư khi bị lừa đảo qua mạng chỉ là tham vấn, tư vấn giải pháp. Luật sư không có khả năng thu hồi tiền bị lừa đảo qua mạng”, ông Đồng nói.

Bài liên quan
Vụ xâm hại bé gái 12 tuổi tới mức sinh con: Ý kiến luật sư
Về trường hợp bé gái 12 tuổi tố cáo bị xâm hại, hậu quả sinh con, Công an huyện Thanh Trì (Hà Nội) đã khởi tố vụ án. Nghi phạm đã bị áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Trung ương Đảng đồng ý cho ông Vương Đình Huệ thôi các chức vụ
3 giờ trước Theo dòng thời sự
Trung ương Đảng đồng ý để ông Vương Đình Huệ thôi giữ các chức vụ: Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII, Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XV, nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Luật sư kêu trời vì bị kẻ gian dùng công nghệ AI mạo danh để lừa đảo