Đài CNN ghi nhận phong trào Stop the Steal tái xuất mạnh mẽ, một số nhân vật từng cố gắng lật ngược kết quả bầu cử 4 năm trước lên kế hoạch làm vậy một lần nữa nếu cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump lại thất bại.
Luôn tuyên truyền luận điệu cách duy nhất khiến chính trị gia đảng Cộng hòa thua cuộc là gian lận, các nhân vật này trong nhiều tháng qua đưa ra hàng loạt đề xuất hòng ngăn Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris giành chiến thắng, chẳng hạn kiện ra tòa, gây sức ép buộc giới nghị sĩ địa phương không chứng nhận kết quả bỏ phiếu, kích động biểu tình, đặc biệt là vào ngày 6.1.2025 lúc Quốc hội Mỹ chứng nhận kết quả.
Trong suốt cuộc đua vào Nhà Trắng, cựu Tổng thống Trump cùng đồng minh chính trị không ngừng thúc đẩy thuyết âm mưu gian lận bầu cử qua các chương trình podcast có lượng người xem đông đảo, thuyết giảng tại nhà thờ cũng như sự kiện vận động tranh cử. Nhiều người ủng hộ chính trị gia đảng Cộng hòa mô tả cuộc bầu cử sắp tới là cuộc chiến giữa thiện và ác, xem cựu Tổng thống Trump như “người được Chúa chọn” còn Phó tổng thống Harris như “kẻ phản Chúa”.
4 năm trước, nỗ lực lật ngược kết quả bầu cử diễn ra ngẫu hứng và tùy tiện, hàng loạt vụ kiện được đệ trình một cách vội vã mà chẳng đi đến đâu, nỗ lực thuyết phục giới nghị sĩ địa phương từ chối chứng nhận kết quả cũng thất bại. Năm nay không như vậy. Một số nhân vật tham gia phong trào Stop the Steal đã lên kế hoạch từ rất lâu.
Quốc hội Mỹ năm 2022 thông qua luật khiến kết quả bầu cử khó bị lật ngược hơn. Ngoài ra cựu Tổng thống Trump không còn tại nhiệm nên việc sử dụng biện pháp hành pháp tác động đến lá phiếu trở nên bất khả thi. Tuy nhiên giới chuyên gia cảnh báo Stop the Steal nay được tổ chức tốt hơn, quyết tâm hơn và dường như cực đoan hơn.
Lực lượng thực thi pháp luật liên bang cũng gióng lên hồi chuông cảnh báo. Bộ An ninh nội địa cùng Cục Tình báo liên bang Mỹ trong tháng 10 từng ra bản tin khuyến cáo loạt phát ngôn cực đoan về cuộc bầu cử có thể kích động người dân tham gia hoạt động bạo lực như 4 năm trước.
Marc Harris - cựu thành viên ủy ban điều tra vụ bao loạn 6.1.2021 của Hạ viện Mỹ - lo ngại các chiến thuật phá hoại ngày nay đã phát triển hơn trước. Nhưng ông tin tưởng đội ngũ bảo vệ bầu cử cũng chuẩn bị tốt hơn rất nhiều.
Dấu hiệu đáng ngại
Đầu tháng trước, nhà hoạt động chính trị Ivan Raiklin (có quan hệ thân thiết với đội ngũ bên cựu Tổng thống Trump) đưa ra phát ngôn vô cùng đáng ngại: “Tôi có một kế hoạch và chiến lược. Ngày 6.1 sẽ khá thú vị”.
Phát thanh viên cánh hữu Emerald Robinson thì viết trên tài khoản mạng xã hội X với gần 800.000 người theo dõi rằng: “Đúng vậy, gian lận lại xảy ra. Chẳng mất nhiều ngày để có kết quả nhưng mất nhiều ngày để gian lận”.
Mới đây cựu giám đốc điều hành hãng bán lẻ Overstock Patrick Byrne (người quyên góp hàng triệu USD cho hoạt động điều tra kết quả bầu cử 2020) còn tuyên bố trên Telegram sắp có đợt tấn công mạng hòng gian lận. Mục sư Greg Locke từng phát biểu gần trụ sở Quốc hội Mỹ một ngày trước cuộc bạo loạn trước giáo đồ: “Mỹ sắp hứng chịu “cơn bão thảm khốc” do con người tạo ra trong vài ngày trước bầu cử hòng đánh cắp phiếu bầu. Nếu Phó tổng thống Harris đắc cử, chúng ta sẽ không bao giờ có một cuộc bầu cử nào nữa”.
Trong chương trình truyền hình War Room vài tập gần đây, nhiều khách mời trong đó có hạ nghị sĩ Georgia Marjorie Taylor Greene đưa ra phát ngôn ẩn ý về khả năng thống đốc là đảng viên Dân chủ tại các bang chiến lược hay nghị sĩ Dân chủ ngăn chứng nhận cựu Tổng thống Trump chiến thắng. Thậm chí bà Greene còn đặt giả thuyết vài lần cảnh sát bảo vệ trụ sở Quốc hội Mỹ diễn tập thời gian qua liên quan đến âm mưu ngăn cựu Tổng thống Trump nắm quyền dù cho ông chiến thắng.
Cựu cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn để ngỏ nguy cơ bạo lực bùng nổ: “Tôi nghĩ mọi người sẽ đến điểm kiểm phiếu và thực sự có thể xảy ra bạo lực vì mọi người rất tức giận sau năm 2020”.
Theo Bộ An ninh nội địa Mỹ, một số phần tử cực đoan đã chuẩn bị tiến hành hoạt động bạo lực nhằm vào mục tiêu nhà nước hay người khác ý thức hệ. Trên các diễn đàn như 8kun hay The Donald quả thực xuất hiện lời kêu gọi chống lại người nhập cư không giấy tờ cũng như “ngăn đánh cắp phiếu bầu”.
Dự án Chống thù ghét và chủ nghĩa cực đoan toàn cầu (GPAHE) ghi nhận trong tháng 10 số bài đăng về bạo lực liên quan đến phủ nhận kết quả bầu cử tăng gấp 4 lần. Nhưng không như năm 2020, các nhóm cực đoan không bàn luận trên diễn đàn công khai mà thiết lập cuộc trò chuyện riêng tư.