Theo Báo cáo của Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 8 tháng qua có 20.942 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động nhưng có tới 21.575 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động có đăng ký và 41.660 doanh nghiệp tạm ngừng, chờ giải thể không đăng ký.
Doanh nghiệp chờ giải thể tăng cao
Theo báo cáo, trong tháng 8.2018, số doanh nghiệp được thành lập mới là 11.655 doanh nghiệp với số vốn đăng ký là 107.564 tỉ đồng, tăng 3,5% về số doanh nghiệp và giảm 11,9% về số vốn đăng ký so với tháng 7.2018.
Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong tháng 8.2018 trên cả nước là 2.912 doanh nghiệp, giảm 2,0% so với tháng 7.2018.
Tổng số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn và doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động không đăng ký, hoặc chờ giải thể, doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể trong tháng 8 vừa qua là 7.637 doanh nghiệp.
Lũy kế 8 tháng đầu năm 2018, cả nước có 87.448 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 878.627 tỉ đồng, tăng 2,4% về số doanh nghiệp và tăng 6,9% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2017. Tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 8 tháng đầu năm là 2,56 triệu tỉ đồng, tăng 32,5% so với cùng kỳ năm trước.
Trong 8 tháng qua có 20.942 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2017. Trong khi đó, số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn của cả nước là 21.575 doanh nghiệp, tăng 25,2% so với cùng kỳ năm 2017.
Về tình hình doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể, trong 8 tháng đầu năm, cả nước có 41.660 doanh nghiệp, tăng 45,9% so với cùng kỳ năm trước.
Nguyên nhân là kể từ tháng 4.2018 đến nay, các địa phương đang tích cực triển khai công tác chuẩn hóa, làm sạch dữ liệu về doanh nghiệp nhằm loại bỏ các doanh nghiệp đã thành lập từ rất lâu nhưng không còn hoạt động; sau khi rà soát, những doanh nghiệp đó được chuyển sang tình trạng chờ giải thể.
Số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể trong 8 tháng đầu năm của cả nước là 9.135 doanh nghiệp, tăng 17,8% so với cùng kỳ năm 2017.
Số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng chỉ ra tỷ lệ doanh nghiệp thành lập mới tăng so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó nổi bật là ngành kinh doanh bất động sản tăng 42%; y tế và hoạt động trợ giúp xã hội tăng 25,3%; yài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 24,5% và sản xuất phân phối, điện, nước, gas tăng 19,4%.
CPI tăng 0,45% so với tháng trước
Cũng theo báo cáo, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8.2018 tăng 0,45% so với tháng trước, tăng 3,98% so với bình quân cùng kỳ năm 2017. CPI bình quân 8 tháng đầu năm 2018 so với cùng kỳ năm 2017 tăng 3,52%.
So với tháng 7, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính, có 10 nhóm hàng tăng: Hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,87%; giáo dục tăng 0,46%; nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,44%; văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,19%; giao thông tăng 0,13%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,13%; đồ uống và thuốc lá tăng 0,11%; may mặc, mũ nón và giầy dép tăng 0,1%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,1%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,02%. Riêng nhóm hàng bưu chính viễn thông giảm 0,07%.
Các nguyên nhân làm CPI tháng 8 tăng chủ yếu là do giá thịt lợn tăng với mức khá cao, khiến giá các loại thực phẩm chế biến từ thịt cũng tăng theo. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của mưa bão và lũ quét làm cho giá rau xanh tăng 2,87% so với tháng 7.2018. Chỉ số giá nhóm thực phẩm tăng cũng góp phần tăng chỉ số CPI khoảng 0,25%.
Ngoài ra, từ ngày 1.8, giá gas trong nước còn tăng 11.000 đồng/bình 12 kg. Đồng thời, do chỉ số giá nhóm vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 0,42%, chủ yếu tăng ở mặt hàng sắt thép do giá phôi thép tăng cao. Một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng học phí theo lộ trình; tỷ giá VND/USD tăng đã ảnh hưởng đến giá một số mặt hàng nhập khẩu như xăng dầu, gas, ô tô, xe máy, rượu, thuốc lá, tour du lịch ngoài nước...
Bên cạnh các nguyên nhân làm tăng CPI, các nguyên nhân làm giảm chỉ số CPI trong tháng 8 là do giá nhiều mặt hàng điện tử, điện lạnh giảm do nhiều siêu thị, trung tâm thương mại đưa ra chương trình khuyến mại, giảm giá vào tháng 7 âm lịch; giá vé tàu hỏa giảm 3,31% do Tổng công ty Đường sắt Việt Nam áp dụng chương trình giảm giá vé khi sắp qua mùa cao điểm của du lịch hè.
Lạm phát cơ bản tháng 8.2018 tăng 0,22% so với tháng 7.2018, tăng 1,54% so với cùng kỳ năm 2017. Lạm phát cơ bản bình quân tháng 8.2018 tăng 1,38% so với bình quân cùng kỳ năm 2017. Trong tháng 8 và 8 tháng đầu năm 2018, lạm phát chung có mức tăng cao hơn lạm phát cơ bản. Điều này phản ánh biến động giá do yếu tố thị trường có mức tăng cao, đó là giá thực phẩm tươi sống, giá xăng dầu. Lạm phát cơ bản 8 tháng đầu năm 2018 so với cùng kỳ ở mức 1,38% phản ánh chính sách tiền tệ vẫn đang điều hành ổn định.
Lam Thanh