Năm 2023, lượng tiền gửi vào hệ thống ngân hàng của cư dân và các tổ chức kinh tế đạt hơn 13,5 triệu tỉ đồng - mức tiền gửi cao nhất trong lịch sử ngành ngân hàng.
Lượng tiền gửi vào hệ thống ngân hàng đạt hơn 13,5 triệu tỉ đồng
Đánh giá về công tác của ngành ngân hàng (NH) năm qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính biểu dương sự nỗ lực, quyết tâm cao và kết quả đạt được của ngành khi đóng góp quan trọng vào thành quả chung của đất nước trong bối cảnh tình hình gặp nhiều khó khăn, thách thức.
Thủ tướng nêu rõ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã đóng góp quan trọng vào mục tiêu của Chính phủ về ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, ổn định thị trường ngoại hối, tỷ giá.
Trước những diễn biến phức tạp, khó lường của tình hình thế giới, đặc biệt là sức ép lạm phát tăng cao và sự lên giá của các đồng tiền chủ chốt, NHNN đã điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời và phối hợp hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác; góp phần tham mưu chuyển hướng chính sách kịp thời, từ "chặt chẽ" sang "nới lỏng, linh hoạt".
“Giá trị tiền đồng Việt Nam được giữ ổn định so với các đồng tiền khác trong khu vực. Đây là những kết quả tích cực giúp cho nền kinh tế tiếp tục được nhiều tổ chức quốc tế có uy tín đánh giá cao”, Thủ tướng nêu.
Ngoài ra, NHNN đã hỗ trợ tích cực doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bằng nhiều giải pháp, chính sách cụ thể. Nổi bật là thực hiện 4 lần điều chỉnh giảm liên tục các mức lãi suất điều hành; quyết liệt điều hành tăng trưởng tín dụng trong quý 4 và cuối năm 2023, đến ngày 31.12.2023, tín dụng toàn nền kinh tế tăng khoảng 13,71% so với cuối năm 2022.
NHNN đã phát huy tốt vai trò điều hành, giữ vững sự ổn định, an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, tiếp tục quyết liệt cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng. NHNN đã tích cực rà soát, hoàn thiện thể chế về tiền tệ và NH, kịp thời xác định, tháo gỡ vướng mắc, bất cập về cơ chế, chính sách để hỗ trợ phát triển một số thị trường quan trọng…
Đáng chú ý, năm 2023, lượng tiền gửi vào hệ thống NH của cư dân và các tổ chức kinh tế đạt hơn 13,5 triệu tỉ đồng, là mức tiền gửi cao nhất trong lịch sử ngành NH. Điều này cho thấy thu nhập được cải thiện của người dân và sự tin tưởng của người dân vào Đảng, Nhà nước và hệ thống NH. Đây là nguồn lực lớn để phát triển đất nước.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động NH còn những hạn chế, bất cập và tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức.
Thủ tướng cho rằng ngành NH cần cố gắng hơn nữa trong bám sát, nắm chắc tình hình, phản ứng chính sách kịp thời, đúng thời điểm; hoạt động ngân hàng chấp nhận có rủi ro nhưng cần lưu ý hơn nữa các công cụ kiểm soát rủi ro; phối hợp tốt hơn nữa với các bộ, ngành; thấu hiểu và chia sẻ nhiều hơn nữa với doanh nghiệp và người dân trong lúc khó khăn; coi trọng hơn nữa công tác thanh tra, giám sát.
Không để người dân và doanh nghiệp thiếu vốn
Thủ tướng nhấn mạnh, năm 2024 cần tiếp tục củng cố và tăng cường đoàn kết, đồng hành, chia sẻ, giúp đỡ giữa hệ thống NH với doanh nghiệp và người dân.
Tiếp tục quán triệt "5 quyết tâm" mà Chính phủ đã xác định trong năm 2023; không để Chính phủ bị động, bất ngờ về chính sách tiền tệ; không để ách tắc trong lưu thông tiền tệ, không để người dân, doanh nghiệp thiếu vốn khi cần sự hỗ trợ của hệ thống NH; không để tiêu cực, tham nhũng, sơ hở trong quản lý hệ thống NH; điều hành cân bằng hài hòa, hợp lý giữa tăng trưởng và lạm phát, bảo đảm cái này thúc đẩy cái kia.
Thủ tướng hoan nghênh việc NHNN đã có những cơ chế mới đối với việc điều hành tín dụng năm 2024 khi giao ngay hạn mức tín dụng từ 1.1 cho tất cả các tổ chức tín dụng là 15%; đồng thời lưu ý điều hành tín dụng linh hoạt, kịp thời và phù hợp, theo dõi, tăng cường kiểm tra, giám sát tình hình tăng trưởng tín dụng; triển khai quyết liệt, hiệu quả các giải pháp tín dụng để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh…
Ngoài ra, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu ngành NH triển khai quyết liệt Đề án "Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025", phấn đấu hoàn thành tốt nhất các mục tiêu đề ra; có giải pháp kịp thời, hiệu quả kiểm soát nợ xấu, bảo đảm an ninh, an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng; có chính sách tín dụng phù hợp với các lĩnh vực ưu tiên, mới nổi, trong đó có chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn…
Ngoài ra, đẩy mạnh hơn nữa đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; kiện toàn bộ máy và tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát theo tinh thần phòng ngừa, cảnh báo, ngăn chặn từ sớm, từ xa, có trọng tâm, trọng điểm.
“Làm việc nào dứt điểm việc đó, "chữa bệnh phải dứt việc, để người bệnh khỏe mạnh mới thôi", xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, đột phá trong năm 2024”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng lưu ý tránh tình trạng người dân đến NH gửi tiền thì nhân viên NH lại giới thiệu những kênh đầu tư có lãi suất, lợi nhuận cao hơn nhưng nhiều rủi ro.