Hình ảnh một con voi mẹ mang xác của con non đã chết trong nhiều ngày khiến nhiều người chứng kiến xúc động.
Các bức ảnh được chụp tại Twyfelfontein Country Lodge ở Namibia, cho thấy con voi mẹ đang dùng vòi quấn quanh phần chân trên cơ thể mềm nhũn của voi con.
William Stegmann, phát ngôn viên của Twyfelfontein Country Lodge, nói với Newsweek: “Voi con được sinh ra vào ngày 27.10 trong đàn voi ở sông Huab. Chúng tôi gọi đó là Nhóm Rosy bởi vì con voi đầu đàn có tên Rosy”.
Theo Stegmann, ngay từ ngày đầu tiên sau khi chào đời, voi con đã không khỏe lắm và phải vật lộn để theo kịp đàn khi chúng đi một quãng đường dài để đến nơi có nước uống.
“Vào ngày 28.10, các hướng dẫn viên vẫn nhìn thấy voi con, nhưng chúng tôi suy đoán rằng con vật đã qua đời vào buổi tối. Bức ảnh đau lòng được chụp vào sáng 29.10”.
Theo Twyfelfontein Country Lodge, voi mẹ chỉ đặt con non xuống trong lúc ăn. Sau hai ngày, voi đầu đàn đã xua đuổi voi mẹ ra khỏi xác con non và cả đàn di chuyển tiếp, bao gồm cả voi mẹ.
“Voi, cũng như các loài động vật có vú khác, có cùng cấu trúc thần kinh cơ bản với con người. Mặc dù có sự chuyên biệt rõ ràng trong hệ thần kinh ở các loài khác nhau, nhưng bộ não vẫn được bảo tồn thông qua quá trình tiến hóa và tuân theo các nguyên tắc chức năng thần kinh cơ bản giống nhau. Chúng cũng có cấu trúc trong não liên quan đến cảm xúc như con người”, Bob Jacobs, giáo sư về giải phẫu thần kinh và giao tiếp động vật tại Đại học Colorado, cho biết.
Theo Jacobs, mặc dù chúng ta không bao giờ có thể biết chính xác những suy nghĩ, cảm xúc trong não voi, nhưng có lý do để cho rằng động vật có vú cảm thấy điều gì đó tương tự như những gì con người trải qua trong cùng hoàn cảnh.
John Poulsen, nhà sinh thái học và bảo tồn voi tại Đại học Duke ở Durham, Bắc Carolina, cho biết: “Hành vi mang xác con non này cũng đã từng được thấy ở các loài voi khác. Cả ba loài voi đều tỏ ra thương tiếc với những đứa con đã chết của chúng, mặc dù theo hiểu biết của tôi, chỉ có voi Savanna và voi châu Á có biểu hiện mang xác con non đã chết.
Những hành vi này tương tự ở động vật linh trưởng, dường như xóa đi quan niệm phổ biến rằng chỉ con người mới nhận thức được cái chết. Tuy nhiên, cơ chế hoặc động cơ cơ bản của hành vi mang xác con non của loài voi vẫn chưa được hiểu đầy đủ”.
Theo Poulsen, phản ứng đau buồn của voi mẹ có thể là do sự kết hợp với thực tế là voi có thời gian mang thai rất dài. Điều này khiến chúng đầu tư rất nhiều vào con non. Ngoài ra, bộ não lớn và trí thông minh của chúng có thể hiểu được cái chết ở một mức độ nào đó.
“Đầu tiên, có vẻ như những động vật có khả năng nhận thức và liên kết xã hội mạnh mẽ có xu hướng thể hiện nhận thức về cái chết nhiều hơn. Thứ hai, thời gian mang thai dài và sự gắn bó chặt chẽ giữa voi mẹ và con non có thể ảnh hưởng đến hành vi”, Poulsen nói.
Poulsen cho biết thêm: “Mối quan hệ giữa voi mẹ và con của nó kéo dài cho đến khi voi con có khả năng tự sống sót. Khoảng thời gian này thúc đẩy sự phát triển tương tác xã hội của voi con và gắn kết nó với voi mẹ cùng các thành viên khác trong gia đình. Do đó, bản năng làm mẹ hoặc mối quan hệ mẹ con có thể dẫn đến hành vi mang theo xác con non”.
Tuy nhiên, hành vi mang xác con non có thể không phải là dấu hiệu của sự đau buồn đối với đứa con đã chết, mà là sự thiếu hiểu biết rằng nó đã chết. “Trớ trêu thay, hành vi mang xác con non có thể cho thấy sự thiếu hiểu biết về các dấu hiệu tử vong và do đó con mẹ coi nó là một con non không có phản ứng”.
Voi là loài sinh vật cực kỳ thông minh và có tính xã hội cao, với những con cái sống trong các nhóm gia đình mẫu hệ chặt chẽ. Chúng được cho là chỉ đạt đến độ tuổi trưởng thành về mặt sinh dục từ 8 đến 15 tuổi và trưởng thành hoàn toàn vào khoảng 18 tuổi. Thời gian mang thai của voi mất khoảng hai năm. Không giống như con người, voi con có thể đi lại ngay sau khi ra đời.