"Có thời gian tôi thấy cái nghề mình nó bạc ghê gớm. Khi mình ở trên đỉnh cao danh vọng, người nọ, người kia theo mình, chiều mình ghê lắm. Lúc bị rớt rồi là không ai biết mình luôn, cứ như xa lạ từ mấy kiếp", Lý Hải bật mí một trong những bí mật của mình.
Tôi đi nhiều, gặp nhiều và luôn công bằng với nhân vật của mình. Nhưng nói thật, tôi thích những người dung dị, còn sắc sảo quá, tôi sợ. Và tôi thấy dễ chịu khi nói chuyện cùng Lý Hải. Cái giọng anh hiền hiền kể về tuổi thơ mênh mông đồng nước, kể về những vất vả cần lao, nghe gần gụi, thấy giông giống mình, tự nhiên vui như ngộ bạn cố tri giữa chốn tha hương…
Đến chỗ hẹn, lòng vòng hồi lâu mới thấy Lý Hải, anh cười chào rồi hỏi: “Không nhận ra anh hả?”, tôi cũng thiệt tình đáp: “Dạ, không nhận ra”. Lý Hải bỏ mắt kiếng xuống: “Ờ, bình thường anh … bình thường lắm, quần tà lỏn, dép lào, áo thun, anh đi ra đường đâu có ai biết anh là ca sĩ đâu. Vậy cho thoải mái”. Và tôi ngồi với Lý Hải, thoải mái như một cuộc chuyện trò.
1. Lý Hải kể, quê anh ở Mỹ Tho, thời đó, cả vùng ai cũng nghèo. Nhà Lý Hải day ra mé sông, gió từ sông lồng lộng mặc sức vào ra căn nhà trống huơ trống hoắc. Má anh sinh 9 người con thì mất đi một chị gái, Lý Hải là con út. Gia đình có mảnh ruộng nhỏ, ba và các anh lớn lo phần cày cuốc, má mua gánh bán bưng, khi thì nấu xôi, lúc lại luộc bắp. Lý Hải kể về tuổi thơ mà mơ màng như anh đang xuýt xoa trên tay trái bắp luộc nóng sực, khói ngọt lịm còn chờn rờn trên sống mũi; như những lúc má bán ế trở về, nhón cục xôi nguội ngắc rồi thắc thỏm hỏi: “Xôi nấu ngon như vầy, mà sao hỏng ai ăn vậy ta?”. Sống động như khi Lý Hải đưa cả hai tay lên, diễn tả cảnh ngày xưa anh đội cặp trên đầu, cuộn quần áo vào bịch ny – lon, cứ thế trần như nhộng lội qua vùng nước lụt để đến trường. “Anh biết bơi từ hồi còn nhỏ xíu, đi học một buổi, một buổi anh bơi dài dài mé sông quơ củi, bữa nào chán anh đi bắt cua, bắt cá, rồi đi hái rau muống. Quê nghèo mà, ai cũng phải làm hết. Anh cũng không nghĩ những việc đó là khổ hay nhọc nhằn gì nữa. Ví dụ như, em sinh ra ở một vùng mà ai cũng nghèo như nhau, thì đâu có ai để mà so sánh người này sướng hơn người kia. Hồi nhỏ, anh cứ tưởng ai sinh ra cũng phải sống y chang như anh vậy đó. Với lại, hái rau, quơ củi, câu cá, bắt cua… với tụi anh ngày xưa nó không giống như làm lụng, mà là một cuộc chơi” – tôi bật cười trước lý lẽ nghe rất êm tai của Lý Hải.
Những đứa trẻ chân lấm tay bùn, nhưng được rong chơi cho đến kỳ hết cả thời đồng ấu, có mấy ai được vậy đâu. Tuổi thơ tôi cũng giống anh, không cho làm lụng là khổ cực. Nên ngồi với Lý Hải, có cảm tưởng như mình vừa được gửi một món quà quê, mà từng lớp gói chứa trọn cả khung trời, trọn cả ký ức, mở đến đâu là nhớ da nhớ diết đến đó. Lý Hải cười hiền queo: “Quê nghèo, nhà nghèo dạy anh biết yêu thương, biết sẻ chia nhường nhịn. Nhà anh, đông như vậy, một tay ba má nuôi đâu có nổi, nên cứ người lớn nuôi người nhỏ, bảy tám người lần lượt lớn lên”. Tuổi thơ chang chang nắng, thông thốc gió, rực rỡ trôi qua…
|
Lý Hải trong phim Bí mật lại bị mất |
2. Năm Lý Hải vào lớp 10, sẵn mê hát hò văn nghệ nên khi bạn bè rủ thi vô Trường nghệ thuật sân khấu 2, Hải đồng ý luôn. Anh kể: “Trường đó nay là Đại học Sân khấu Điện ảnh rồi. Ba má anh nghe thi vô văn nghệ văn gừng thì lo lắm, nói thôi, hay là con kiếm cái nghề gì nó rõ ràng một chút, chớ đờn ca hát xướng sau này lông bông lắm. Lo thì lo vậy thôi, chớ không có cấm cản, năm đó anh thi đậu rồi lên Sài Gòn”. Lý Hải đậu vào khoa diễn viên kịch nói. Sài Gòn đô hội nhưng thật ra cũng gọi là dễ sống với sinh viên nghèo. Lý Hải kể mỗi tuần anh tranh thủ về quê một lần. Ở nhà, má đã gói sẵn mấy ký gạo, khô cá, mắm đủ thứ loại. Chơi xong, Hải lỉnh kỉnh mang lương thực, thực phẩm lên thành phố, ăn hết lại về. Lý Hải cười: “Tại hồi đó anh mới lên, chưa có biết nhiều, nên mới nhờ nhà cứu đói như vậy. Sang năm hai anh biết tự đi kiếm tiền rồi, anh sửa xe đạp, đi làm giữ xe cho người ta. Mà sướng nhất là cái đoạn đi làm thầy dạy khiêu vũ, mấy anh mấy chị lớn thương lắm, trả lương cao, còn cho tiền nữa. Lúc đó là thấy “thoát nghèo” rồi”.
Lý Hải tên thật là Nguyễn Văn Hải, nghệ danh theo anh đến tận bây giờ kể ra, cũng nhẹ không như cái cách anh đã chọn lấy nghề. Lần đó, Lý Hải theo đội văn nghệ của trường đi diễn ở Trà Vinh. Đứng ngắm nghía hồi lâu cái băng rôn quảng cáo, Hải chạy vào hỏi anh Phương Bình rằng: “Ủa anh, Lý Hải là ai vậy?”. Đàn anh trả lời: “Là mày đó chớ ai?”. Giờ nhớ lại, Lý Hải tình thiệt: “Lúc đó anh đi ra đi vào, đi tới đi lui ngắm cái tên của mình miết thôi, nghe cũng hay hay”.
Ra trường, Lý Hải đi diễn kịch, nhưng kịch nói thời đó lâm vào thoái trào, đời sống anh em diễn viên kịch khó khăn vô cùng tận. Nhờ có chất giọng là lạ, trong trong, Lý Hải thôi diễn rồi đi làm ca sĩ. Anh lại đều đều tâm sự: “Bận đó ai kiu show gì anh cũng hát, tiệc tùng, cưới hỏi gì anh cũng đi hết. Nhưng mà có một kỷ niệm buồn khiến anh cho tới bây giờ anh không bao giờ muốn đi hát nhà hàng hay tiệc tùng này kia nữa”. Chẳng là Lý Hải được mời đi hát ở tàu Cá Mập – con tàu nhà hàng trên bến Bạch Đằng, Sài Gòn. Khách ỷ có rượu, ỷ có tiền rồi buông lời xúc phạm Lý Hải, anh cãi thì bị quản lý nhà hàng đuổi do phải chiều khách. Từ đó, Lý Hải thôi, không muốn đến những chỗ phức tạp như vậy nữa.
Giọng Lý Hải hiền hiền, chuyện của anh cứ êm êm theo trình tự thời gian, tôi nói thêm vào: “Em muốn biết biến cố lớn nhất của đời anh?”. Hải trả lời: “Biến cố hả, ừ, lớn nhất có thể là vào thời gian năm 1996, lúc đó Làn sóng xanh mạnh lắm, dòng nhạc trẻ, sôi động, anh đang theo, cạnh tranh không lại. Cái tên của anh tuột dốc thảm thương luôn. Không ai kêu show, có cảm giác như mình bị ghẻ lạnh, tiền bạc cũng khó khăn nữa, anh định bỏ hát luôn cho rồi. Nặng nề như vậy cho đến 4 năm”. Bỗng nhiên Lý Hải hơi e dè: “Không biết có chuyện này có nên nói không nữa, mà qua khoảng thời gian đó anh thấy cái nghề này nó bạc ghê gớm em ơi. Khi mình ở trên đỉnh cao danh vọng, người nọ, người kia theo mình, chiều mình ghê lắm. Lúc bị rớt rồi là không ai biết mình luôn, cứ như xa lạ từ mấy kiếp. Anh khủng hoảng và thất vọng ghê gớm”. Có lẽ trước giờ, Hải không quen chỉ trích ai, nên khi than phiền về thói đời, tình người, anh có vẻ rất ngại ngần. Tôi nói với Hải, chuyện đó bình thường lắm, giới nào cũng có, môi trường nào cũng xảy ra. Có điều, với làng giải trí thì sự bạc bẽo rõ rệt hơn, sự quay lưng thẳng thừng hơn, chắc cũng bởi cạnh tranh khắc nghiệt hơn. Lý Hải hiền queo ngồi gật gù, người ta nói con trai miền Tây dễ thương, đối diện Lý Hải lúc này, tôi thấy sao mà đúng.
3. Bốn năm không hát hò gì, Lý Hải xoay sang kinh doanh, khéo léo xoay trở làm sao, anh cũng kiếm được kha khá, đủ mua cái nhà ở Sài Gòn. Nhưng duyên nghề chưa dứt, nên vẫn đủ dây dưa để đẩy đưa anh quay lại với nghiệp xướng ca. Năm 2000, trong lúc đang ngồi chơi chơi với Vĩnh Thuyên, Huy Đức, Đồng Dao thì bỗng cả nhóm nảy ra ý định làm ca nhạc có hoạt cảnh. Lý Hải nói: “Đây là hướng đi mới, lúc đó chưa có ai làm như anh hết. Nên anh quyết liều một quen luôn, anh cầm nhà được 100 triệu. 100 triệu cách đây mười mấy năm cũng chua lắm à nha. Tụi anh quyết định làm album Trọn đời bên em, anh vùa hát vừa diễn luôn. Anh cũng không sợ, vì anh xuất thân từ diễn viên kịch mà, làm thứ mình không biết mới lo, chứ làm thứ mình đã thành thạo thì chắc ăn đến mấy mươi phần trăm rồi”. Năm đó, Lý Hải thắng lớn. Trọn đời bên em 1 đã lập kỷ lục ngay khi vừa ra mắt trên kệ. Từ thành phố cho đến thôn quê, trẻ con lẫn người lớn ai cũng nghe, cũng thích thể loại nhạc có nội dung, có cốt truyện của Trọn đời bên em. Nhưng câu cửa miệng như, “mày hả bưởi”, “cứ từ từ”, “tao thích” … của trẻ con quê tôi ngày đó cũng bắt nguồn từ những câu chuyện trong album của Lý Hải. Nói hơi to tát, Lý Hải là một phần của tuổi thơ tôi, cũng đúng. Nghe khen, Lý Hải không nói gì, chỉ cười ngượng ngùng.
Cứ thế, mỗi năm Lý Hải lại cho ra một album Trọn đời bên em, đến nay đã là bìa đĩa thứ 10. Từ Trọn đời bên em 8, Lý Hải đã tập tành tự mình viết kịch bản, tự mình làm đạo diễn. Anh tâm sự: “Kể từ đó anh ấp ủ đam mê làm phim điện ảnh. Anh khám phá ra được rằng mình có niềm say sưa với việc viết kịch bản và làm phim”. Và phim điện ảnh đầu tiên do Lý Hải và các cộng sự thực hiện là Bí mật lại bị mất đã ra rạp cách đây vài tháng. Hỏi Hải, “vậy chớ lời không?”, Lý Hải cười cười: “Lời, số anh làm ăn cũng hên mà”. Lại nói: “Hỏi thế này có khi không phải, người ta nói phim anh là phim hài nhảm đó, anh nghĩ sao?”. Lý Hải tỉnh bơ: “Cũng không có nhảm lắm đâu em. Phim của anh, hài tình huống đàng hoàng mà. Với lại một bộ phim, nếu bỏ hết tất cả các thứ râu ria thì có 2 tiêu chí hướng đến. 1 là nghệ thuật, 2 là doanh thu. Đạt được một trong hai đã là thành công rồi em à. Anh theo dòng phim thị trường mà”. Tôi cười, nói anh sao trả lời thật thà quá. Hải cũng cười đáp lại: “Có sao anh nói vậy, chớ giờ anh biết … nói sao”. Lúc tôi đến gặp, là lúc Lý Hải đang gõ những dòng đầu cho kịch bản phim điện ảnh mới.
Lý Hải là người miền Tây, thôi thì thật, thật như đếm. Gặp một lần, để nhận xét về một người có lẽ hơi vội vàng, nên tôi chạy đi hỏi loanh quanh về Lý Hải xem sao. Thấy nói anh ít chơi với người cùng giới, có lẽ người thật thà nên tránh bớt những chốn xô bồ…
Hồ Ngọc Giàu (CAND)