Nhà thơ Kiên Giang viết Tiền và Lá, cách đây hơn nửa thế kỷ, 1956. Màu giấy bạc đến hôm nay xem ra vẫn làm nhức nhối lòng người “Tiền không là lá em ơi / Tiền là giấy bạc của đời in ra”. Sự đời còn kinh khủng hơn chứ không nhẹ vơi như ước mơ bắt đầu từ trò chơi trẻ con 'tiền - lá' ngày xưa của người Thi sĩ. “Người ta giấy bạc đầy nhà / Cho nên mới được gọi là chồng em…”.

Kiên Giang: Màu giấy bạc vẫn nhức nhối lòng người!

Một Thế Giới | 01/11/2014, 06:09

Nhà thơ Kiên Giang viết Tiền và Lá, cách đây hơn nửa thế kỷ, 1956. Màu giấy bạc đến hôm nay xem ra vẫn làm nhức nhối lòng người “Tiền không là lá em ơi / Tiền là giấy bạc của đời in ra”. Sự đời còn kinh khủng hơn chứ không nhẹ vơi như ước mơ bắt đầu từ trò chơi trẻ con 'tiền - lá' ngày xưa của người Thi sĩ. “Người ta giấy bạc đầy nhà / Cho nên mới được gọi là chồng em…”.

 Màu giấy bạc vẫn làm nhức nhối lòng người

Nhà thơ Kiên Giang - Hà Huy Hà vừa nằm xuống (31.10.2014) hưởng thọ 85 tuổi. Ông sinh năm 1929 tại làng Đông Thái, huyện An Biên, tỉnh Rạch Giá nay là Kiên Giang. Và đó cũng là lý do ông chọn tên quê hương làm bút danh. Sự ra đi của ông để lại một khoảng trống trải trong lòng người yêu thơ vốn đã thưa thớt trong xã hội nhiều biến động khó lường đang nháo nhào đổ đi kiếm tiền, mưu cầu mua sự bình an, công danh cơm áo!

Cái xã hội bạc như Tiền và Lá ấy, một bài thơ nổi tiếng của ông viết cách đây hơn nửa thế kỷ, 1956. Màu giấy bạc vẫn làm nhức nhối lòng người “Tiền không là lá em ơi / Tiền là giấy bạc của đời in ra”. Xem ra sự đời còn kinh khủng, bạc bẽo, dị hợm hơn chứ không nhẹ vơi như mơ ước Tiền - Lá, trò chơi con trẻ ngày xưa của người Thi sĩ. “Người ta giấy bạc đầy nhà / Cho nên mới được gọi là chồng em…”.

Đô thị với những con đường vốn đã vắng bóng cây, bây giờ lại càng khô hạn, kiệt cùng với những công trình A - Z toan tính ngổn ngang. "Nghe câu dự án mà đau đớn lòng". Lá vốn đã ít lại càng hiếm hoi. Còn tiền vẫn lên ngôi, hoạch toán cắt cổ các giá trị, dự định! Thậm chí sự tanh tưởi toa rập vươn dài bàn tay bẩn của nó hòng đi đêm, cấu kết, áp phe con buôn đạo đức, chính trị, tín ngưỡng, văn hóa. Tiền rải từ khách sạn chạy đến buồng ngủ. “Người mua đã bị mua rồi / Chợ đời hội họp mình tôi vui gì?”. Tôi nghĩ, người thi sĩ ấy cho đến khi mất vẫn không nguôi một giấc mơ hoa trắng thôi cài trên áo tím. Ông loay hoay với những đức tin đã mất.  

Cách đây khoảng hai tháng, tôi còn gặp nhà thơ Kiên Giang trong một buổi giới thiệu tác phẩm mới về thơ do Hội nhà văn TP.HCM tổ chức. Ông vẫn cốt cách, phong thai trong ăn nói, đi đứng dù tuổi đã cao. Dáng thẳng, khi được mời phát biểu vẫn nói bằng một chất giọng sang sảng, rõ ràng mạch lạc. Đặc biệt các câu không ngấp ngứ, dính chuỗi vào nhau rè rập như vẫn thấy ở những người già. Phẩm giá của một thi sĩ, một soạn giả sân khấu vẫn chưa hề suy suyễn. Quắc thước, tinh anh. Tôi vẫn nghĩ Kiên Giang thuộc vào lớp những nhà thơ “xưa nay hiếm” của Sài Gòn có phong cách. Từ lâu, tôi vẫn nghĩ rằng có sự khác nhau rất xa của thơ Sài Gòn và thơ thành phố Hồ Chí Minh. Sài Gòn với lịch sử khai hóa hơn 300 năm. Thế hệ của các bậc tiền bối như Vương Hồng Sển, Sơn Nam… và bây giờ là ông, Kiên Giang thuộc về Sài Gòn và lần lượt ra đi dần dần khép lại văn hóa phong thổ của một miền đất phù sa trổ châu ngọc.

Về thơ của Kiên Giang ông viết bằng một bút pháp gần gũi và đại chúng. Không chú trọng đến việc cầu kỳ ngôn ngữ hay cấu trúc. Tuy nhiên, nó rất mạnh về hình ảnh. Vừa bình dân lại quý tộc. Bởi hình ảnh đó đã được chiết lọc, chất lọc qua tầng tầng văn hóa. Ví như Tiền hay Hoa trắng Áo tím chẳng hạn. Kiên Giang muốn tìm một sự xác tín qua những đối lập. Và bạn đọc nhớ bởi “vẫn còn ôm ấp mộng băng trinh”.  

Một Thế Giới tiễn biệt ông, nhà thơ Kiên Giang bằng cách giới thiệu hai bài thơ được xem là kiệt tác của ông. Tiền và lá, Hoa trắng thôi cài trên áo tìm

Sài Gòn, 31.10.2014

Nguyễn Hữu Hồng Minh

  
Kien Giang: Mau giay bac van nhuc nhoi long nguoi!
Chân dung thi sĩ Kiên Giang (1929 - 2014)
Ảnh: Đào Trung Phụng 

HAI BÀI THƠ NỔI TIẾNG CỦA NHÀ THƠ KIÊN GIANG - HÀ HUY HÀ 

 

TIỀN VÀ LÁ

(Riêng tặng các bạn đã dang dở với
                  mối tình đầu...
)

Ngày thơ, hớt tóc "miểng vùa"
Ngày thơ, mẹ bắt đeo "bùa cầu ông".
đôi ta cùng học vỡ lòng,
Dắt tay qua những cánh đồng lúa xanh.
đôi nhà cũng một sắc tranh,
Chia nhau từ một trái chanh, trái đào.
đêm vàng soi bóng trăng cao,
Ngồi bên bờ giếng đếm sao trên trời.
Anh moi đất nắn "tượng người",
Em thơ thẩn nhặt lá rơi làm tiền.
Mỗi ngày chợ họp mười phiên,
Anh đem "người đất" đổi tiền "lá rơi".
Nào ngờ mai mỉa cho tôi,
Lớn lên em đã bị người ta mua.

Kiếp tôi là kiếp làm thơ,
Vốn riêng chỉ có muôn mùa lá rơi.
Tiền không là lá em ơi!
Tiền là giấy bạc của đời in ra.
Người ta giấy bạc đầy nhà,
Cho nên mới được gọi là chồng em.

Bây giờ những buổi chiều êm,
Anh gom lá đốt, khói lên tận trời!!!

Người mua đã bị mua rồi,
Chợ lòng họp một mình tôi vui gì!

(1956)

Kien Giang: Mau giay bac van nhuc nhoi long nguoi!
"Hoa trắng cài duyên trên áo tím" 
HOA TRẮNG THÔI CÀI TRÊN ÁO TÍM

Lâu quá không về thăm xóm đạo
Từ ngày binh lửa cháy quê hương
Khói bom che lấp chân trời cũ
Che khuất người thương nóc giáo đường

Mười năm trước em còn đi học
Áo tím điểm tô đời nữ sinh
Hoa trắng cài duyên trên áo tím
Em là cô gái tuổi băng trinh

Quen biết nhau qua tình lối xóm
Cổng trường đối diện ngó lầu chuông
Mỗi lần chúa nhật em xem lễ
Anh học bài ôn trước cổng trường

Thuở ấy anh hiền và nhát quá
Nép mình bên gác thánh lầu chuông
Để nghe khe khẽ lời em nguyện
Thơ thẩn chờ em trước thánh đường

Mỗi lần tan lễ, chuông ngừng đổ
Hai bóng cùng đi một lối về
E lệ em cầu kinh nho nhỏ
Thẹn thùng, anh đứng lại không đi

Sau mười năm lẻ anh thôi học
Nức nở chuông trường buổi biệt ly
Rộn rã từng hồi, chuông xóm đạo
Tiễn nàng áo tím bước vu quy

Anh nhìn áo cưới mà anh ngỡ
Chiếc áo tang liệm khối tuyệt tình!
Hoa trắng thôi cài trên áo tím
Vẫn còn ấp ủ mộng băng trinh

Em lên xe cưới về quê chồng
Dù cách đò ngang cách mấy sông
Vẫn nhớ bóng vang thời áo tím
Nên tình thơ ủ kín trong lòng

Từ lúc giặc ruồng vô xóm đạo
Anh làm chiến sĩ giữ quê hương
Giữ tà áo tím, màu hoa trắng
Giữ cả trường xưa, nóc giáo đường

Giặc chiếm lầu chuông xây gác súng
Súng gầm rung đổ gạch nhà thờ
Anh gom gạch đổ, xây tường lủng
Chiếm lại lầu chuông, giết kẻ thù

Nhưng rồi người bạn trang lứa ấy
Đã chết hiên ngang dưới bóng cờ
Chuông đổ ngân vang lời tiễn biệt
Tiễn anh ra khỏi cổng nhà thờ

Hoa trắng thôi cài trên áo tím
Mà cài trên nắp áo quan tài
Điểm tô công trận bằng hoa trắng
Hoa tuổi học trò, mờ thắm tươi

Xe tang đã khuất nẻo đời
Chuông nhà thờ khóc đưa người ngàn thu
Từ đây tóc rũ khăn sô
Em cài hoa trắng lên mồ người xưa...

Kiên Giang - Hà Huy Hà

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
6 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kiên Giang: Màu giấy bạc vẫn nhức nhối lòng người!