Trang Straits Times tiết lộ nội các Malaysia giao cho Bộ trưởng Khoa học, Công nghệ và Đổi mới Chang Lih Kang nhiệm vụ sang Trung Quốc vào cuối tháng 4 để tìm kiếm một công ty đầu tư xây dựng nhà máy xử lý đất hiếm tại nước này.
Trước thông tin trên, Bộ trưởng Chang tuyên bố: “Chúng tôi sẽ khám phá mọi cơ hội có thể khiến đất nước đóng vai trò lớn hơn trong chuỗi cung ứng đất hiếm”.
Đất hiếm gồm 17 kim loại có tính chất hóa học tương tự nhau, do sở hữu từ tính và cách thức phản ứng với ánh sáng đặc biệt nên được sử dụng rộng rãi cho xe điện, tua bin gió cùng nhiều thiết bị điện tử.
Theo số liệu thương mại của Trung Quốc, năm ngoái Malaysia vận chuyển lượng đất hiếm thô trị giá 975 triệu RM (206 triệu USD) cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới - là nguồn nhập khẩu lớn thứ hai chỉ sau Myanmar. Tháng 6.2023, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường bền vững Nik Nazmi Nik Ahmad cho biết nước này có hơn 16 triệu tấn đất hiếm không phóng xạ mà chính phủ định giá khoảng 800 tỉ RM (gần 170 tỉ USD). Một số chuyên gia tin tưởng với nhu cầu ngày càng tăng, giá trị của chúng sẽ vượt quá 1.000 tỉ RM (hơn 210 tỉ USD).
Xây dựng nhà máy xử lý đất hiếm trong nước không chỉ nâng tầm đất nước trong chuỗi cung ứng, mà còn giúp Malaysia hạn chế tình trạng xuất khẩu quặng bất hợp pháp tràn lan. Bộ trưởng Ahmad từng nói trước quốc hội rằng chỉ 3.000 trong số 19.000 tấn oxit đất hiếm do Trung Quốc sản xuất năm ngoái là từ đất hiếm thô Malaysia xuất khẩu hợp pháp.
Nhằm khai thác thêm giá trị kinh tế từ đất hiếm, chính phủ Malaysia đã áp đặt lệnh cấm xuất khẩu đất hiếm thô có hiệu lực từ ngày 1.1. Miễn trừ dành cho mỏ được chứng nhận hợp pháp duy nhất ở vùng Kenering thuộc bang Perak (bắt đầu khai thác từ năm 2022) sắp hết hạn vào cuối tháng 3.
Theo Thủ tướng Anwar Ibrahim, phát triển năng lực xử lý có thể đóng góp 9,5 tỉ RM (hơn 2 tỉ USD) cho GDP và tạo ra 7.000 việc làm vào năm 2025. Chính phủ của ông cam kết lập kế hoạch chi tiết cho ngành đất hiếm, đặc biệt chú trọng phát triển năng lực xử lý cùng dịch vụ liên quan.
Quan chức Trung tâm Quản lý đầu tư Perak Lee Chuan How khẳng định: “Chúng ta cần có Petronas ở lĩnh vực khoáng sản quan trọng. Nếu chính phủ ban hành luật tương tự như Đạo luật Phát triển dầu khí thì sẽ có đủ động lực lẫn nguồn lực để hành động và đưa đất nước lên mắc xích cao hơn”. Petronas là công ty dầu khí quốc gia Malaysia, nằm trong danh sách 500 doanh nghiệp lớn mạnh nhất thế giới.
Tại Malaysia hiện đã có nhà máy của công ty khai thác mỏ Lynas (Úc) - cơ sở xử lý đất hiếm lớn nhất bên ngoài Trung Quốc, tuy nhiên nơi đây cần đến 2 năm để phát triển năng lực xử lý nhiều loại đất hiếm khác nhau.
Trung Quốc không phải quốc gia duy nhất sở hữu công nghệ xử lý đất hiếm, nhưng họ là nước duy nhất xử lý được tất cả 17 loại đồng thời đã chứng minh được khả năng xử lý đất hiếm Malaysia.
Nhiệm vụ mà Bộ trưởng Chang đảm nhận không hề dễ dàng. Tháng 12 năm ngoái Trung Quốc thông báo nước này cấm xuất khẩu công nghệ xử lý đất hiếm lẫn công nghệ chế tạo nam châm đất hiếm.