Trong 5 vị trí dẫn đầu trên bảng xếp hạng Premier League, Pep Guardiola và binh đoàn Man City được cho là CLB biết cách tiêu tiền nhất khi họ mang về sân Etihad những bản hợp đồng giá trị cao mà đầy chất lượng.

Man City thành công đến từ nghệ thuật tiêu tiền của Pep Guardiola

Hà Thành | 02/03/2018, 19:03

Trong 5 vị trí dẫn đầu trên bảng xếp hạng Premier League, Pep Guardiola và binh đoàn Man City được cho là CLB biết cách tiêu tiền nhất khi họ mang về sân Etihad những bản hợp đồng giá trị cao mà đầy chất lượng.

Quá khứ và hiện tại cho thấy không ít đội bóng “giàu xổi” chết yểu vì mua sắm quá đà, không định hướng. Ngay cả những CLB có tiềm lực tài chính mạnh mẽ cũng khốn khổ vì tiêu tiền không đúng chỗ, không đúng lúc và không đúng mức.

Từ những năm 90 có thể kể đến các đại gia của Serie A. Hiện tại, có thể điểm danh Arsenal và Man Utd, đặc biệt là Man Utd.

Tất nhiên, 2 CLB này không thể rơi vào khủng hoảng đến mức phá sản hay xuống hạng, thế nhưng họ cũng tiêu tốn rất nhiều thời gian và tiền bạc để định hình lại vị thế.

Sau thảm họa với David Moyes, Man Utd đã chi đều đều 150 triệu bảng trong 4 năm liên tiếp, tổng chi lên đến 600 triệu bảng.

Cộng thêm hợp đồng “trên trời” với Alexis Sanchez ở tháng 1 này, cách Quỷ đỏ tiêu tiền đã không khác nhiều so với các CLB Trung Quốc hay các đại gia đổi đời kiểu Paris SG.

Thế nhưng sau 4 năm, Man Utd vẫn loay hoay xây dựng bộ khung ưng ý. David Moyes bị sa thải sau 10 tháng, Van Gaal khá hơn cũng chỉ trụ lại được 2 mùa giải. Tiếp đến là Jose Mourinho, người vừa được gia hạn hợp đồng đến năm 2020.

Vấn đề sẽ đơn giản hơn nếu quá trình 4 năm đó thuộc về 1 người, hoặc đi theo 1 triết lý chung. Nhưng Man Utd đã trải qua 3 đời HLV khác hoàn toàn nhau và phải trả cái giá rất đắt trên thị trường.

Kết quả trông thấy rõ là họ đã tụt lại phía sau cho dù chi không ít tiền. Nhìn sang Man City, người ta có thể thấy câu chuyện rất khác.

Kể từ khi Pep Guardiola chưa đến, BLĐ Man City đã dựng lên một kế hoạch chuyển tiếp hoàn hảo. Trong kế hoạch đó, HLV rất quan trọng, nhưng mang tính chất của người nâng tầm đội bóng hơn là xây dựng đội bóng.

Man City đã chi gần 300 triệu euro chỉ để mua 6 cầu thủ trong mùa giải này, 5 trong đó là hậu vệ và thủ môn.

Nhiều người sẽ nói rằng Pep Guardiola được thừa hưởng đội hình quá mạnh từ người cũ và không phải khốn đốn như Mourinho. Tuy nhiên, lý do đó không thực sự chính xác.

Trước khi Mourinho đến, Man Utd cũng đã có 2 mùa giải bạo chi dưới thời Van Gaal. Tuy nhiên, thay vì tìm kiếm “hàng chất lượng cao” như Man City, Quỷ đỏ lại mua quá nhiều cầu thủ trung bình ở giai đoạn này.

Cộng thêm việc thay đổi HLV có triết lý khác biệt - Van Gaal thích kiểm soát bóng, Mourinho thích phòng ngự chủ động, họ coi như vứt đi 2 năm thời gian cùng rất nhiều tiền bạc để chuẩn bị cho Mourinho.

Ngược lại, Man City mua người theo định hướng lối chơi từ thời Roberto Mancini, cho đến Manuel Pellegrini và tiếp nối là Pep Guardiola.

Ở đây có thể nói Pep Guardiola đã được BLĐ Man City chuẩn bị những gì tốt nhất để phát huy tài năng chiến thuật của ông.

Trước khi HLV người Tây Ban Nha đến, những Nicolás Otamendi, Raheem Sterling và Kevin de Bruyne được đưa về. Hiện tại, họ là trụ cột ở 3 tuyến của Man City.

Nhìn về Man Utd, hãy xem họ đã mua những ai 1 năm trước khi Mourinho đến? Đó là Bastian Schweinsteiger, Morgan Schneiderlin, Memphis Depay, Matteo Darmian và Anthony Martial.

Trong số này, 3 người đã bật khỏi Old Trafford và chỉ có Martial đáp ứng được kỳ vọng ban đầu. Ngay cả khi Mourinho đến, chính sách chuyển nhượng của Man Utd tốt hơn, họ vẫn thường xuyên "nhìn nhầm" với Mkhitaryan hay Lindelof.

Không chi nhiều tiền như Man Utd nhưng Arsenal cũng đang bước vào con đường mông lung như đối thủ. Cho dù HLV Wenger từng rất thành công trong quá khứ, nhưng với thay đổi quá lớn của bóng đá hiện đại, ông không thể bắt kịp.

Nhìn cách Arsenal mua sắm, người ta sẽ thấy chỗ họ thiếu vẫn thiếu mà chỗ thừa lại càng thừa hơn. Rồi khi Wenger bước xuống sau 1, 2 năm nữa, Arsenal có nguy cơ sa sút không phanh và rơi vào khủng hoảng lớn hơn cả Man Utd nếu họ không có sự thay đổi kịp thời.

Các đội bóng lớn còn lại, Chelsea, Liverpool và Tottenham đều có con đường riêng khá rõ nét và tương đồng với Man City. Vấn đề của họ thực sự là tiền bạc.

Trong những năm gần đây, Chelsea và Liverpool luôn luôn phải cân đối thu chi, trong khi Tottenham vốn không phải “đại gia” thực sự.

Tuy nhiên so với Arsenal hay Man Utd, những gì 3 đội bóng này đang có, đang “thu hoạch” vẫn thuộc diện chấp nhận được.

Đây vốn là câu chuyện không mới, nhưng xuyên suốt mùa giải này, từ Mourinho đến Wenger đã luôn “đổ tại” số tiền khổng lồ mà Man City chi ra khiến họ thất bại hoặc thất thế.

Đó là lý do hoàn toàn vô nghĩa. Đặc biệt khi nhìn về tương lai, Man City có thể “rung đùi” trong những năm sắp tới, trong khi Man Utd, Arsenal và các đội bóng khác vẫn phải đau đầu tìm cách tiêu tiền chính xác.

Hà Thành

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng yêu cầu chủ động ứng phó, khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ ở Trung Bộ
3 giờ trước Theo dòng thời sự
Chủ động chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó với gió mạnh trên biển, mưa lũ, ngập lụt, sạt lở đất, lũ quét, lũ ống bảo đảm kịp thời, hiệu quả, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại. Yêu cầu trên được Thủ tướng Chính phủ đặt ra với Bộ trưởng các bộ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố tại Công điện số 120/CĐ-TTg, ngày 25.11.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Man City thành công đến từ nghệ thuật tiêu tiền của Pep Guardiola