Đoạn phát trực tiếp cảnh xả súng thánh đường Hồi giáo tại New Zealand lan truyền trên mạng xã hội một lần nữa cho thấy việc ngăn chặn nội dung bạo lực là thách thức lớn cho các công ty công nghệ.

Mạng xã hội với thách thức ngăn chặn hình ảnh bạo lực

Nguyễn Cẩm Bình- 0901321282- 060113793980 | 16/03/2019, 17:51

Đoạn phát trực tiếp cảnh xả súng thánh đường Hồi giáo tại New Zealand lan truyền trên mạng xã hội một lần nữa cho thấy việc ngăn chặn nội dung bạo lực là thách thức lớn cho các công ty công nghệ.

Brenton Harrison Tarrant - nghi phạm chính trong hai vụ xả súng thánh đường - truyền trực tiếp cảnh hắn thực hiện hành vi tấn công trong 17 phút. Facebook tuyên bố đã xóa đoạn phim sau khi nhận thông báo từ phía cảnh sát New Zealand.

Tuy vậy vài giờ sau, đoạn trực tiếp ấy vẫn xuất hiện trên Facebook, Twitter, YouTube, Instagram lẫn WhatsApp. Những người muốn phát tán nhanh chóng chia sẻ lên hàng loạt ứng dụng lẫn trang web.

Không ít tội khác được trực tiếp như vậy. Một người đàn ông tại Thái Lan năm 2017 phát cảnh giết chết chính con gái mình, vậy mà phải đến lúc đoạn phim này có đến 370.000 lượt xem thì Facebook mới gỡ bỏ. Kẻ bắn chết một cụ già hơn 70 tuổi ở bang Ohio (Mỹ) cùng năm cũng làm chuyện tương tự.

Mạng xã hội lớn nhất thế giới Facebook 3năm qua tăng số lượng đội ngũ phụ trách xử lý nội dung xấu lên 30.000 người, đồng thời huy động cả trí tuệ nhân tạo. Nhưng tốc độ lan truyền của đoạn trực tiếp cảnh xả súng thánh đường mới nhất khiến giới chính trị gia toàn cầu đưa ra một kết luận: Các công ty công nghệ đã thất bại.

Các mạng xã hội cố ngăn chặn đoạn trực tiếp cảnh xả súng thánh đường lan truyền - Ảnh: Business Insider

Cựu Thủ tướng New Zealand Helen Clark bức xúc khi nghi phạm Tarrant lại có thể phát trực tiếp hành vi thủ ác đến 17 phút. Bà đánh giá chuyện này càng khiến sức ép đòi hỏi các nền tảng truyền thông xã hội thực hiện thêm biện pháp quản lý hiệu quả hơn gia tăng.

Theo nhà phân tích Clement Thibault thuộc trang dữ liệu tài chính Investing, Facebook phải hứng chịu hậu quả vì cung cấp nền tảng lan truyền đoạn phát trực tiếp nhiều cuộc tấn công khủng khiếp.

Thượng nghị sĩ Mỹ Cory Booker chia sẻ quan điểm của nhà phân tích Thibault. Ông phát biểu: “Thật không thể chấp nhận, nó (đoạn trực tiếp cảnh xả súng thánh đường tại New Zealand) đáng lẽ phải bị xóa ngay lập tức”.

Bộ trưởng Nội vụ Anh Sajid Javid yêu cầu YouTube, Google, Facebook, Twitter phải cẩn thận và hành động cứng rắn hơn.

Các công ty công nghệ đang cố gắng “cứu vớt” danh tiếng. Sau khi xóa đoạn trực tiếp xả súng thánh đường, Facebook đã yêu cầu lực lượng duyệt nội dung tiếp tục gỡ bỏ bản sao cùng bất cứ bình luận nào ca ngợi hay ủng hộ vụ tấn công.

Về phía YouTube lúc này, họ cố xác định bản sao đoạn phát trực tiếp bằng công cụ tự động. Bất cứ nội dung nào tương đồng đều sẽ không đăng tải được.

Cẩm Bình (theo Reuters)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chủ động thu hút FDI quy mô lớn, công nghệ cao như bán dẫn, AI…
3 giờ trước Nhịp đập khoa học
Chính phủ yêu cầu chủ động thu hút đầu tư FDI có quy mô lớn, công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn trong các ngành công nghiệp chế biến chế tạo, điện tử, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, hydrogen...
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mạng xã hội với thách thức ngăn chặn hình ảnh bạo lực