Các nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng mặc dù rất thích ngọt, nhưng loài dơi không phải bao giờ cũng luôn chọn những bông hoa với mật hoa đậm.
Một nhóm các nhà sinh học gồm các chuyên gia từ Đức, Mỹ và Anh đã tiến hành một nghiên cứu để tìm hiểu lý do tại sao một số thực vật có hoa lại tiết mật hoa loãng, chứ không đậm như loài dơi và chim ruồi thụ phấn yêu thích.
Theo đó, các nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng mặc dù rất thích ngọt, nhưng loài dơi không phải bao giờ cũng luôn chọn những bông hoa với mật hoa đậm.
Để hiểu hành vi như vậy của động vật ảnh hưởng đến sự tiến hóa của các loài cây như thế nào, các nhà khoa học đã tiến hành một số thử nghiệm. Trong thử nghiệm của mình, các nhà sinh học đã sử dụng 23 bông hoa nhân tạo có gắn các bộ cảm biến và máy bơm nhỏ có thể pha loãng đường và chuyển mật tới hoa.
Các nhà khoa học đã thu được những thông tin về tần suất dơi tới mỗi bông hoa và nồng độ đường trong mật hoa. Ngoài ra, các nhà sinh học đã bắt được một vài con dơi và gắn vào thân chúng các máy phát vô tuyến, nhờ đó có thể theo dõi sự di chuyển của dơi.
Dữ liệu đến từ những bông hoa cho phép các nhà khoa học theo dõi xem sự tiến hóa diễn ra như thế nào nếu đó là những bông hoa thực sự. Các nhà sinh học đã phát hiện ra rằng nồng độ đường trong mật hoa phụ thuộc nhiều vào số lượng các loài dơi trong vùng này: càng nhiều dơi thì mỗi con dơi càng kiếm được ít mật, dơi càng ít quan tâm chọn những bông hoa có mật đậm đặc nhất. Thế là thực vật liền tiến hóa theo hướng bắt đầu tiết ra ít đường làm cho mật hoa bị loãng ra.
Kết quả nghiên cứu này đã được các nhà khoa học công bố trên tạp chí Science.
Vũ Trung Hương