Trước những chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ về chống khai thác thủy sản trái phép để gỡ "thẻ vàng" IUU, nhiều địa phương là "điểm nóng" vi phạm đã nỗ lực khắc phục.
Kinh tế - đầu tư - dự án

Mạnh tay xử lý tàu cá vi phạm để gỡ 'thẻ vàng' IUU

Tuyết Nhung 23/05/2024 23:57

Trước những chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ về chống khai thác thủy sản trái phép để gỡ "thẻ vàng" IUU, nhiều địa phương là "điểm nóng" vi phạm đã nỗ lực khắc phục.

Ủy ban châu Âu (EC) đã đồng ý kéo dài thời hạn cảnh báo "thẻ vàng" đối với ngành thủy sản của Việt Nam đến hết tháng 4.2024. Tuy nhiên, để vượt qua được đợt thanh tra lần thứ 5, Việt Nam phải chấm dứt tình trạng ngư dân vi phạm chủ quyền vùng biển các nước, khai thác hải sản trái phép.

tau-ca.jpg
Tàu cá khai thác trái phép sẽ bị xử phạt mạnh tay thời gian tới - Ảnh: IT

Đây cũng là bài toán đặt ra cho các cơ quan quản lý tại Hội nghị trực tuyến triển khai thực hiện Công điện số 49 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung phát hiện, điều tra và xác định thông tin để xử lý vi phạm quy định về Hệ thống giám sát hành trình tàu cá (VMS) diễn ra vào chiều nay (23.5).

Theo báo cáo của Trung tâm Thông tin Thủy sản, Cục Thủy sản - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), tính đến ngày 21.5, số lượng tàu cá từ 15m trở lên được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình đạt 28.584/29.095 tàu cá. Hiện còn 511 tàu chưa lắp đặt thiết bị giám sát hành trình.

Đối với tàu cá bị mất kết nối trên 6 tháng là 2.471 tàu (chiếm 9% so với tổng số lượng tàu đã được lắp đặt có trên hệ thống giám sát tàu cá), trong đó tàu mất kết nối trên 6 tháng có vị trí cuối cùng báo ở trong bờ là 2.044 tàu; tàu mất kết nối trên 6 tháng vị trí cuối cùng báo ở ngoài khơi là 427 tàu. Cũng theo báo cáo, đến nay, có 27 địa phương tổ chức trực 24/7 (bao gồm cả trực trong giờ hành chính và trực online ngoài giờ hành chính).

Tỉ lệ số lượng tàu cá có kết nối trung bình hàng ngày qua hệ thống giám sát tàu cá đạt khoảng 60%. Trong đó, một số tỉnh, thành có số lượng tàu cá nhiều và tỉ lệ tàu cá duy trì kết nối hằng ngày rất cao, từ 70 - 90% như: Bến Tre, Cà Mau, Trà Vinh, Bạc Liêu, Quảng Trị, Thái Bình, Phú Yên, Sóc Trăng, Kiên Giang, Ninh Thuận.

Bên cạnh đó, một số tỉnh có số lượng tàu cá nhiều nhưng tỉ lệ tàu cá duy trì kết nối thấp dưới 50% như: Quảng Ngãi; Quảng Bình; Bình Định. Đặc biệt, một số tỉnh, thành có số lượng tàu cá không nhiều nhưng tỉ lệ tàu cá duy trì kết nối rất thấp như: Đà Nẵng, Hà Tĩnh, Hải Phòng.

Từ ngày 1.10.2023 - 20.5.2024, trực ban phát hiện và xử lý tổng cộng 18 lượt tàu từ 24m trở lên vi phạm vượt ranh giới cho phép trên biển; 172 lượt tàu cá từ 24m trở lên vi phạm mất tín hiệu kết nối trên 10 ngày trên biển.

Tính đến ngày 20.5 vừa qua, trực ban phát hiện và đề nghị xử lý tổng cộng 8.787 lượt tàu từ 24m trở lên mất kết nối trên 6 giờ đến 10 ngày trên biển.

Tính từ thời điểm sau khi EC kiểm tra thanh tra lần thứ 4 đến nay, đối với tàu cá vượt qua ranh giới vùng được phép khai thác thủy sản trên biển chưa có vụ nào được xử phạt; mới có 14/8.787 (chiếm 0,16%) lượt tàu từ 24m trở lên mất kết nối trên 6 giờ trên biển và 16/172 (chiếm 9,3%) lượt tàu từ 24m trở lên mất kết nối trên 10 ngày trên biển được xử phạt vi phạm hành chính.

Chủ trì hội nghị chiều nay, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho biết vừa qua, bộ đã có đoàn công tác sang làm việc với EC. EC đánh giá, mặc dù văn bản quy phạm pháp luật đầy đủ, quyết tâm chính trị cao và rất quyết liệt, song vấn đề tổ chức thực hiện ở địa phương còn hạn chế.

Ông Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, 3 vấn đề quan trọng nhất là quản lý đội tàu, truy xuất nguồn gốc và xử phạt vi phạm hành chính phải được xử lý thật nghiêm nếu có vi phạm. Tỉ lệ vi phạm bị xử phạt còn thấp chứng tỏ chưa có sự vào cuộc đồng bộ.

"Xử lý vi phạm phải thực thi thật nghiêm, triệt để, đặc biệt là đối với tàu 15m trở lên. EC không chấp nhận hình thức cam kết, nhắc nhở", Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

Việc quản lý đội tàu, giám sát đội tàu, lắp đặt thiết bị hành trình có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc tháo gỡ thẻ vàng của EC, Thứ trưởng Tiến đề nghị cả hệ thống chính trị thực hiện nghiêm túc, thực hiện đồng bộ các giải pháp tháo gỡ thẻ vàng của EC, xử lý nghiêm các tàu cá vi phạm.

Sau hơn 6 năm triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (khai thác IUU), gỡ cảnh báo "thẻ vàng" của EC, công tác quản lý khai thác thủy sản nước ta đã có chuyển biến tích cực, đặc biệt trong công tác lắp đặt và vận hành hệ thống giám sát hành trình tàu cá (VMS). Tuy nhiên, tình trạng tàu cá nước ta đi khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài vẫn diễn biến phức tạp.

Thiết lập cơ chế chia sẻ thông tin kịp thời giữa các cơ quan chức năng để đảm bảo các trường hợp tàu cá vi phạm các quy định về VMS được phát hiện nhanh nhất, chia sẻ đến các cơ quan chức năng để điều tra, xác minh thông tin, củng cố hồ sơ để xử phạt theo quy định. Đồng thời, truyền thông sâu rộng đến cộng đồng ngư dân các trường hợp chủ tàu, ngư dân bị xử phạt để răn đe, hoàn thành trong quý 3/2024.

UBND các tỉnh, thành phố trực ven biển tập trung nguồn lực, kinh phí để rà soát đảm bảo 100% tàu cá trên 15m khi tham gia khai thác trên biển phải lắp đặt thiết bị và duy trì kết nối hệ thống VMS theo quy định của Luật Thủy sản và các quy định pháp luật khác có liên quan, hoàn thành trong quý 3/2024;

Bố trí cán bộ đủ năng lực, chuyên môn nghiệp vụ thực hiện giám sát từng tàu cá của địa phương trên hệ thống VMS, kịp thời phát hiện, điều tra và xác minh thông tin để xử lý triệt để, nghiêm minh các trường hợp tàu cá vi phạm quy định về VMS.

Tăng cường kiểm tra tình trạng lắp đặt và duy trì kết nối hệ thống VMS của 100% tàu cá khi ra vào cảng và đang hoạt động trên các vùng biển để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý vi phạm quy định về VMS; kiên quyết xử lý nghiêm minh các tổ chức, cá nhân cố tình vi phạm các quy định pháp luật.

Bài liên quan
EU sẽ sớm cử chuyên gia sang Việt Nam khảo sát, kết luận về “thẻ vàng” IUU
Phó chủ tịch điều hành Ủy ban Châu Âu (EC) Frans Timmermans đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong giải quyết các vấn đề hoạt động khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), và cho biết EU sẽ sớm kết luận về vấn đề này.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thương mại, kinh tế toàn cầu và Việt Nam nhìn từ thực tế nhiều hy vọng
Ngày 7.11.2006, Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và chính thức trở thành thành viên thứ 150 của tổ chức này đầu năm 2007, rồi từ đó đã tạo nhiều dấu ấn tích cực trong hành trình đổi mới và hội nhập quốc tế.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mạnh tay xử lý tàu cá vi phạm để gỡ 'thẻ vàng' IUU