Hiện nay tỉnh Bến Tre đang quyết liệt triển khai giải pháp, hành động chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Đây được xem là cơ hội cuối cùng để thực hiện các khuyến nghị của EC trong việc gỡ “thẻ vàng” thủy sản.
Bình Đại là huyện ven biển có đoàn tàu khai thác xa bờ lớn nhất tỉnh Bến Tre với 560 tàu trong tổng số 1.166 tàu. Thời gian qua, Đảng bộ, chính quyền, đoàn thể địa phương đã tăng cường thực hiện các biện pháp chủ động và phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh, trung ương để phòng chống tàu cá vi phạm IUU.
Trong đó, tổ chức 112 cuộc tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cũng như các quy định trong khai thác biển với trên 3.400 lượt người tham dự. Chính quyền đã yêu cầu các chủ phương tiện phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, cam kết không được cho tàu vi phạm vùng biển nước ngoài.
Bà Phạm Thị Huyền Trang, Phó bí thư Thường trực Huyện ủy Bình Đại chia sẻ: “Bình Đại đã phối hợp với Cục Phòng chống thiên tai - cứu nạn cứu hộ của Bộ Quốc phòng, cảnh sát biển và các đơn vị có liên quan tổ chức tuyên truyền được 6 cuộc về chống khai thác IUU, tuyên truyền vận động tàu cá lắp đặt giám sát và cam kết không để tàu cá đánh bắt vi phạm vùng biển nước ngoài. Phối hợp tìm kiếm cứu nạn cho 100 lượt chủ tàu cá ở xã Bình Thắng. Đến nay 100% tàu cá đang hoạt động đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình và các chủ tàu cam kết không đánh bắt vi phạm vùng biển nước ngoài”.
Tỉnh Bến Tre có đội tàu trên 3.400 phương tiện, thu hút hơn 19.000 ngư dân khai thác hải sản trên biển. Trong đó, tàu cá có chiều dài từ 15 mét trở lên hoạt động vùng khơi 2.055 chiếc và có lắp đặt thiết bị giám sát hành trình đến nay đã đạt trên 97%.
Thời gian gần đây, tỉnh Bến Tre luôn quan tâm đến công tác phòng chống khai thác bất hợp pháp, vi phạm vùng biển nước ngoài. Trong năm 2021 có 7 phương tiện với 51 người vi phạm vùng biển nước ngoài, 36 phương tiện vượt ranh giới; năm 2022 có 9 phương tiện với 54 người vi phạm khai thác vùng biển và 23 phương tiện vượt ranh giới. Từ đầu năm đến nay, chỉ có 10 phương tiện vượt đường ranh giới.
Qua rà soát, hầu hết các vụ tàu cá trong tỉnh Bến Tre vi phạm vùng biển nước ngoài đều thường xuyên hoạt động, lưu trú, xuất bến ngoài tỉnh. Do đó, công tác quản lý nhóm tàu cá này đang bộc lộ nhiều hạn chế, thiếu chặt chẽ ở cả hai đầu nơi đi và nơi đến. Hiện nay, tiềm ẩn nguy cơ tàu cá khai thác vi phạm vùng biển nước ngoài vẫn còn cao, do đó công tác phòng chống vi phạm IUU tiếp tục thực hiện, nhất là chương trình 180 ngày hành động vì IUU.
Đại tá Võ Văn Ngon, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Bộ đội biên phòng tỉnh Bến Tre cho biết: “Thời gian tới, chúng tôi sẽ phối hợp với các cấp, các ngành và các địa phương làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục cho nhân dân trên địa bàn biên giới biển của tỉnh cũng như chống khai thác IUU để chấm dứt tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài. Bên cạnh đó, triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, kế hoạch về phòng chống IUU, xử lý, giải quyết tốt các trường hợp vi phạm”.
Hiện nay, toàn tỉnh Bến Tre cấp giấy phép khai thác cho 2.297 tàu cá, đạt 66,7%. Chi cục Thủy sản tỉnh đang lập hồ sơ thông báo xóa đăng ký 389 tàu. Tỉnh quyết tâm đến cuối tháng 5.2023 sẽ hoàn thành việc rà soát, cấp phép khai thác cho các đội tàu khai thác biển; phấn đấu hoàn thành việc đăng ký, đăng kiểm, đánh dấu tàu cá, cấp giấy phép khai thác, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, nhằm tăng cường kiểm soát tàu cá và phục vụ công tác truy xuất nguồn gốc thủy sản.
Tỉnh Bến Tre xác định rõ nhiệm vụ trước mắt về chống khai thác IUU là khắc phục các khuyến nghị của Ủy ban EC. Ngư dân Bến Tre phải chấm dứt tình trạng tàu cá xâm phạm vùng biển nước ngoài để hy vọng được gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của Ủy ban EC, hướng đến xây dựng nghề cá có trách nhiệm, phát triển bền vững và hội nhập quốc tế.
Ông Lê Đức Thọ, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre nói: “Hiện nay chúng tôi đang chủ động tham gia rất quyết liệt trong chiến dịch 180 ngày, làm sao để ngư dân hiểu được, nắm được tầm quan trọng của công việc này để chúng ta có thể ngăn chặn cũng như chấm dứt tình trạng người dân đánh bắt hải sản trên biển không đúng các quy định, nhằm có thể được rút “thẻ vàng”.
Để phòng chống tàu cá khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), tỉnh Bến Tre còn làm tốt công tác phối hợp với các cơ quan trung ương như: hải quân, cảnh sát biển, cơ quan kiểm ngư, biên phòng... Đặc biệt là tỉnh vừa ký kết chương trình “Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân”, trong đó có kế hoạch hợp tác phòng chống IUU.
Trung tướng Bùi Quốc Oai, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Cảnh sát biển Việt Nam chia sẻ: “Trong công tác phòng chống IUU thời gian vừa qua, chúng tôi đã nhận được sự quan tâm, phối hợp rất chắt chẽ của lãnh đạo và các cơ quan của tỉnh Bến Tre. Gần đây nhất là chúng tôi đã cùng với Tỉnh ủy - UBND tỉnh đi kiểm tra thực địa vùng biển giáp ranh giữa Việt Nam - Malaysia - Thái Lan để thấy rõ thực trạng, từ đó có biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo trong thời gian tới. Chúng tôi tin rằng với trách nhiệm của tỉnh và quyết tâm của lực lượng cảnh sát biển thì trong thời gian tới những cái biện pháp, nội dung triển khai sẽ đạt hiệu quả”.
Là địa phương có 65km bờ biển và có nghề khai thác biển lâu đời, tỉnh Bến Tre đã và đang tích cực, khẩn trương thực hiện các giải pháp, kế hoạch phòng chống vi phạm IUU. Bến Tre “chạy đua” với thời gian để thực hiện 180 ngày hành động để tháo gỡ “thẻ vàng” trên tinh thần trách nhiệm, quyết tâm cao và tin rằng sẽ thực hiện công tác này đạt hiệu quả.