“Nếu anh mất bằng lái, nhưng hồ sơ vẫn còn, cơ quan giao thông vẫn lưu, thì vẫn có đủ chứng cứ để chứng minh quyền lái xe của anh ta. Việc cấp lại bằng lái chỉ là việc sao chép chứng cứ từ hồ sơ gốc, từ dữ liệu cơ quan nhà nước, chứ không thể vì thế mà thay đổi được quyền lái xe của anh ta”, ông Nguyễn Minh Đức (Ban Pháp chế - VCCI) nêu quan điểm.

Mất bằng lái phải thi lại: Bộ trưởng nhầm lẫn giữa luật nội dung và luật hình thức?

Bùi Trí Lâm | 07/03/2019, 18:33

“Nếu anh mất bằng lái, nhưng hồ sơ vẫn còn, cơ quan giao thông vẫn lưu, thì vẫn có đủ chứng cứ để chứng minh quyền lái xe của anh ta. Việc cấp lại bằng lái chỉ là việc sao chép chứng cứ từ hồ sơ gốc, từ dữ liệu cơ quan nhà nước, chứ không thể vì thế mà thay đổi được quyền lái xe của anh ta”, ông Nguyễn Minh Đức (Ban Pháp chế - VCCI) nêu quan điểm.

Liên quan đến đề xuất quy định "làm mất bằng lái xe phải thi lại" nhằm tránh tình trạng một số trường hợp lợi dụng việc cấp lại bằng lái để "xin thêm" của Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể mới đây, ông Nguyễn Minh Đức (thành viên Ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI) nêu quan điểm, khoa học pháp lý thường chia các quy định thành 2 nhóm: Luật nội dung và luật hình thức.

Trong đó, luật nội dung là những quy định về quyền và nghĩa vụ của một chủ thể nào đó (thường gọi tắt là địa vị pháp lý). Tuy nhiên, quyền và nghĩa vụ luôn là những thứ trừu tượng, không sờ, nhìn, nghe, ngửi, nếm… được. Để có thể nhận biết được luật nội dung, người ta cần có các quy định về luật hình thức.

Luật hình thức là những quy định về trình tự thủ tục, chứng cứ, chứng minh để nhận biết hoặc thực hiện các quyền và nghĩa vụ. Ví dụ, Bộ luật Hình sự là luật nội dung, quy định về việc ai làm gì sai thì bị xử phạt như thế nào. Bộ luật Tố tụng hình sự là luật hình thức, quy định về trình tự thủ tục, chứng minh, chứng cứ để xử lý tội phạm.

Một ví dụ khác là nghĩa vụ giao hàng, nghĩa vụ trả tiền là luật nội dung của hợp đồng mua bán hàng hoá. Còn hình thức của hợp đồng mua bán hàng hoá có thể được thể hiện bằng văn bản, bằng lời nói, bằng hành động.

Theo ông Đức, nội dung là cái quan trọng, là cái quyết định, còn hình thức chỉ là cái giúp thể hiện nội dung, phụ thuộc vào nội dung. Vì thế, ông Đức cho rằng nếu mất bằng lái xe phải thi lại là không hợp lý, vì nếu một người đã thi đậu lái xe, tức là anh ta có đủ năng lực để lái xe và có quyền lái xe ra đường. Còn cái bằng lái chỉ là hình thức để thể hiện cái quyền đó mà thôi.

“Nếu anh mất bằng lái, nhưng hồ sơ vẫn còn, cơ quan giao thông vẫn lưu, thì vẫn có đủ chứng cứ để chứng minh quyền lái xe của anh ta. Việc cấp lại bằng lái chỉ là việc sao chép cái chứng cứ từ hồ sơ gốc, từ dữ liệu cơ quan nhà nước, chứ không thể vì thế mà thay đổi được quyền lái xe của anh ta”, ông Đức nêu.

Dẫn chứng thêm về điều này, ông Đức chia sẻ, quan hệ nội dung-hình thức chính là quan hệ thầy tu-áo cà sa. Áo cà sa không làm nên thầy tu, nhưng thầy tu mà không có áo cà sa thì không ai biết đó là thầy tu. Nội dung quan trọng, nhưng không phải vì thế mà hình thức không quan trọng.

Do đó, chuyên gia này cho rằng cách tốt nhất để tăng cường sự chắc chắn là đặt ra một loạt quy định luật hình thức thật phức tạp, chính là Bộ luật Tố tụng hình sự. Đương nhiên, dù phức tạp đến đâu thì cũng không thể chắc chắn 100%, nhưng nếu chỉ cần chắc chắn 99,9999% thì các quy định tố tụng hình sự như hiện nay là chấp nhận được.

Đó là xử tử hình thì cần mức độ chắc chắn cao, nhưng nếu chỉ phạt tiền vài triệu đồng thì mức độ chắc chắn có thể thấp hơn. Vì thế mà thủ tục xử phạt vi phạm hành chính đơn giản hơn thủ tục truy cứu trách nhiệm hình sự. Đương nhiên, cũng có sự phân loại, ví dụ như phạt dưới 15 triệu đồng thì không cần người bị xử phạt giải trình, còn từ 15 triệu đồng trở lên thì phải có thêm thủ tục giải trình. Điều này đảm bảo tính khoa học,nội dung mà nghiêm trọng thì hình thức cũng phải nghiêm trọng theo.

Tuy nhiên, ông Đức cho rằng hệ thống pháp luật Việt Nam rất trọng hình thức, đó là điểm yếu “chết người”.

Dẫn chứng thêm, chuyên gia này cho biết trước đây có Tội kinh doanh trái phép, xử lý hình sự cả hành vi kinh doanh những ngành nghề không ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

Tuy nhiên, cần phải hiểu, Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh chỉ là hình thức, còn quyền tự do kinh doanh là nội dung. Chỉ vì hình thức không có mà xử tù vi phạm về nội dung có đáng không? Cũng vì thế mà Bộ luật hình sự 2015 đã bỏ tội danh này.

Theo ông Đức, nếu ai đó kinh doanh ngành nghề không có trong giấy chứng nhận thì hiện nay chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính, với lý do không thông báo cho cơ quan đăng ký kinh doanh. Lúc này, nghĩa vụ thông báo là nội dung, và vi phạm nghĩa vụ thông báo thì bị xử lý nhẹ nhàng là điềuhợp lý.

“Phân biệt luật nội dung và luật hình thức là điều cực kỳ quan trọng trong cả xây dựng pháp luật và áp dụng pháp luật. Sự nhầm lẫn luôn gây ra những kết quả tai hại mà sự nhầm lẫn của Bộ trưởng Bộ GTVT là một ví dụ”, ông Đức nói.

Trước đó, tại phiên giải trình tại Ủy ban Tư pháp của Quốc hội về tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm xâm phạm ATGT đường bộ, đường sắt trong các năm 2017, 2018, đầu năm 2019 và giải pháp trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ GTVT cho biết, theo số liệu Bộ GTVT nắm được của các cơ sở đào tạo bằng lái, cứ 100 người thi thì chỉ xét 58% trúng tuyển, còn hơn 40% phải thi lại lần 2, lần 3.

"Chúng tôi cũng đề xuất phương án ai mất bằng lái xe sẽ phải thi lại toàn bộ để tránh tình trạng nêu lý do xin đổi. Có những trường hợp vi phạm ở miền núi, ở chỗ chúng ta không quản lý được, họ lại lợi dụng để có thêm bằng lái thứ 2, thứ 3 để hoạt động kinh doanh", ông Thể nói.

Lam Thanh
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội những năm gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 5: Thách thức và triển vọng
Bước vào năm 2024, nền kinh tế Việt Nam đứng trước những thách thức lớn buộc phải quan tâm, đó là: thuế tối thiểu toàn cầu, thuế môi trường và nguồn năng lượng.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mất bằng lái phải thi lại: Bộ trưởng nhầm lẫn giữa luật nội dung và luật hình thức?