Sau vụ chiến đấu cơ Mỹ bắn rơi Su-22 của Syria, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết sẽ thôi tìm cách lật đổ Tổng thống Syria Bashar al Assad, đúng vào thời điểm leo thang căng thẳng Mỹ - Nga về tương lai Syria.

Máy bay Mỹ bắn rơi Su-22 của Syria, Pháp bỏ ý định lật đổ Tổng thống Assad

22/06/2017, 16:14

Sau vụ chiến đấu cơ Mỹ bắn rơi Su-22 của Syria, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết sẽ thôi tìm cách lật đổ Tổng thống Syria Bashar al Assad, đúng vào thời điểm leo thang căng thẳng Mỹ - Nga về tương lai Syria.

Tổng thống Macron tiếp đón Tổng thống Putin ở lễ kỷ niệm 300 năm quan hệ ngoại giao Pháp - Nga - Ảnh: Reuters

Trong cuộc trả lời phỏng vấn với 8 tờ báo châu Âu - Guardian, Le Figaro, El Pais, Gazeta Wyboccza, Suddeutsche Zeitung, Le Temps, Le Soir Corriere della Serra -, ông Macron cho biết sẽ thôi theo đuổi chính sách trước đây của Pháp về cuộc nội chiến 6 năm qua ở Syria, có nghĩa là từ bỏ nỗ lực lật đổ Tổng thống Assad - người đang phải chống lại các nhóm quân nổi dậy có phương Tây và Thổ Nhĩ Kỳ và các nước vùng Vịnh "chống lưng”, và chống các tổ chức Hồi giáo cực đoan đòi thánh chiến Jihad như quân khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) và Al Qaeda.

Tổng thống Pháp nói ông Assad không phải là kẻ thù của Pháp và lại có sự ủng hộ của Nga và Iran. Vì thế, chính sách của Pháp về Syria - có sự ủng hộ của Nga - là tập trung chống bọn khủng bố vốn đã giết hàng trăm dân Pháp.

Ông Macron nói: “Quan điểm mới của tôi về vấn đề này, là tôi không nói sự ra đi của ông Assad là điều kiện tiên quyết cho tất cả mọi sự, vì chưa ai có thể cho tôi thấy một người thừa nhiệm hợp pháp. Quan điểm của tôi là rõ ràng: Trên hết là hoàn thành cuộc chiến chống lại tất cả các nhóm khủng bố. Chúng là kẻ thù của chúng ta. Chúng ta cần sự hợp tác của mọi người, nhất là của Nga, để xóa sổ chúng”.

Pháp cần chống khủng bố trong nước

Từ những cuộc nổi dậy năm 2011 dẫn đến cuộc khủng hoảng Syria hiện nay, Pháp nghiêng về phe chống ông Assad, dù nhiều nhóm nổi dậy ngày càng ủng hộ hoặc bị các tổ chức Hồi giáo dòng Sunni siêu bảo thủ xâm nhập mạnh.

Trong số các lãnh đạo phương Tây, cựu tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy là người ủng hộ những nỗ lực lật đổ ông Assad, liên tục kêu gọi ông Assad từ chức với cái cớ ông phạm tội ác chiến tranh chống lại dân thường Syria.

Thái độ chống Assad của Pháp có thể từ việc Pháp muốn phục hồi “thế lực lớn” ở Trung Đông, làm đối trọng với chính sách đối ngoại về khu vực này của Mỹ, cũng như để làm vui lòng các thế lực Hồi giáo dòng Sunni như Ả rập Saudi, theo phân tích của báo Washington Post hồi năm 2015.

Thế nhưng vài năm qua, an ninh quốc gia trở thành vấn đề khó khăn lớn cần phải cấp thiết giải quyết ở Pháp. Hàng loạt vụ thảm sát do bọn IS và các tổ chức khủng bố nhận trách nhiệm đã làm chết hơn 230 người từ năm 2015. Pháp đã phải ban hành tình trạng khẩn cấp từ tháng 11.2015, khi một loạt vụ đánh bom và bắn súng đã giết 130 người ở Paris.

Đầu tháng 6, Tổng thống Macron nói ông sẽ kết thúc tình trạng khẩn cấp (vốn cho phép chính quyền điều tra nghi can khủng bố), nhưng ông chuyển các biện pháp như khám xét nhà không cần trát và quản thúc tại gia thành luật hình sự, theo kênh tin tức France 24.

Pháp - Úc muốn tránh bị tên lửa Nga bắn rơi máy bay

Từ tình hình căng thẳng trong nước, Pháp phải thừa nhận những thực tế mới ở chiến trường Syria:

Tháng 10.2015, Nga bắt đầu can thiệp quân sự trực tiếp, theo đề nghị của Tổng thống Assad, vì quân đội Syria mệt mỏi, phải rút khỏi nhiều khu vực ở Syria.

Từ đó, quân đội Syria và đồng minh Nga chiếm lại hầu hết các khu dân cư ở Syria, và họ cũng là nhánh đánh bọn IS kịch liệt nhất hồi tháng 4.2017.

Đầu tháng 4, Tổng thống Mỹ Donald Trump cáo buộc ông Assad dùng vũ khí hóa học để tấn công dân thường. Nga - Syria đều bác bỏ.

Vài giờ sau, chiến hạm Mỹ phóng hàng loạt tên lửa “Búa Tomahawk” vào một căn cứ không quân Syria.

Tối 18.6, chiến đấu cơ Mỹ bắn rụng một máy bay Syria, với cớ chiếc Su-22 ném bom quân Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) có Mỹ ủng hộ. Vụ này càng làm leo thang căng thẳng giữa Mỹ với Nga.

Hôm sau, Nga tuyên bố cắt đứt đường dây liên lạc - được lập để tránh va chạm ngoài ý muốn giữa máy bay Nga - Mỹ và sẽ xếp máy bay Mỹ và đồng minh thành “mục tiêu phải bắn hạ” bằng tên lửa đất đối không của Nga.

Những căng thẳng cũng có từ sự hiện diện quân sự của Mỹ ở miền nam Syria. Chính phủ Syria tuyên bố sự hiện diện này là trái phép: Mỹ có một căn cứ của Lực lượng đặc nhiệm, để huấn luyện và trang bị cho các nhóm quân chống Assad đánh bọn IS.

Các lực lượng thân chính phủ Syria hướng về phía đông đã bị quân Mỹ chặn 3 lần, với cớ vi phạm “vùng phi chiến sự” mà Mỹ và đồng minh đơn phương tạo ở miền nam Syria.

Mỹ tuyên bố muốn tái lập đường dây liên lạc với Moscow ở Syria, nơi mà quân Mỹ - Nga chồng lấn nhau ở chiến trường tiêu diệt bọn IS ở ngay thủ phủ tự xưng Raqqa của chúng.

Pháp không là thành viên liên quân ở Syria duy nhất tự điều chỉnh vị trí khi đối mặt với các diễn biến trên.

Ngày 18.6, Úc cũng tuyên bố tạm ngưng chiến dịch quân sự ở Syria, sau khi Nga dọa bắn hạ máy bay của liên quân.

Pháp tìm lại sự hiểu biết, tin cậy đã mất ở Moscow

Quyết định của Tổng thống Pháp có vẻ nằm trong một chủ trương lớn hơn, để lôi kéo Nga vào các vấn đề quốc tế, theo Newsweek.

Một ngày trước khi ông Macron trả lời phỏng vấn, Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian đến Moscow và nói chuyện với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov.

Sau đó, ông Le Drian cho báo chí biết ông đang tìm hướng cải thiện quan hệ Nga - Pháp, hai bên cùng làm việc với nhau về những vấn đề như cuộc chiến chống khủng bố và nội chiến Syria.

Theo Reuters, vị Ngoại trưởng Pháp nói: “Chúng tôi cùng đối mặt với mối đe dọa khủng bố mà chúng tôi quyết tâm đánh chúng bằng được. Có lẽ tinh thần tin cậy, hiểu biết lẫn nhau đã bị đánh mất. Sau cuộc gặp hôm nay, chúng tôi có thể tiếp tục tinh thần tin cậy đó ”.

Theo Guardian, Tổng thống Macron còn nói Pháp sẽ có quan hệ mạnh và thực tiễn với Anh thời hậu Brexit, hai bên làm việc chung với nhau về quốc phòng và chống khủng bố, vì cả Anh - Pháp “cùng chung định mệnh”.

Gần đây, ông Macron nói “cửa vẫn để ngỏ” để Anh từ bỏ chính sách Anh rút khỏi Liên hiệp châu Âu (EU) vốn được gọi là Brexit. Cuộc đàm phán giữa Anh với EU về Brexit đã chính thức bắt đầu.

Vĩnh Thụy (tổng hợp)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Tạo bước đột phá mang tính cách mạng về tổ chức bộ máy
4 giờ trước Theo dòng thời sự
Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết cán bộ đảng viên và nhân dân, trong đó có cả các nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước đều đồng thuận ủng hộ mạnh mẽ và mong muốn tạo bước đột phá mang tính cách mạng về tổ chức bộ máy đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Máy bay Mỹ bắn rơi Su-22 của Syria, Pháp bỏ ý định lật đổ Tổng thống Assad