Me ngọt Phetchabun là chỉ dẫn địa lý thứ 2 của đất nước Thái Lan được bảo hộ ở Việt Nam.
Theo thông tin từ Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN), Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ đã ban hành quyết định về việc cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm quả me ngọt “Phetchabun” cho Phetchabun Province (Phetchabun Provincial Government).
Me ngọt Phetchabun là chỉ dẫn địa lý thứ 2 của đất nước Thái Lan được bảo hộ ở Việt Nam, sau tơ tằm Isan Thái Lan.
Phetchabun là một tỉnh nằm ở phía Nam của Bắc Thái Lan, được biết đến là một tỉnh chuyên trồng me ngọt của Thái Lan và là quê hương của 11 giống me ngọt. Tên gọi của những giống me này được đặt theo đặc điểm hình dáng của quả; hoặc đặt theo tên của người đã gây giống hoặc tìm ra giống me.
Me ngọt Phetchabun có hình dáng quả thẳng hoặc quả cong tùy thuộc vào giống me. Vỏ quả màu nâu đều, phần cùi quả (thịt quả) dày, đều màu, mềm, dai và ít xơ, vị quả thơm ngọt.
Me ngọt Phetchanbun bao gồm 5 giống me ngọt quả thẳng (giống Sichomphu, giống Khandee, giống Prakai Thong, giống Fak Dap, giống Wan Lon); và 6 giống me ngọt quả cong (giống Sithong, giống Sithong Bao, giống Nam Phueng, giống Inthaphalam, giống Mun Jong, giống Saeng Athit).
Các cây me ngọt trong khu vực địa lý được tưới nước, bón phân, tỉa cành phù hợp theo từng giai đoạn phát triển của cây, đặc biệt trong mùa khô, trong thời kì cây ra hoa.
Mùa thu hoạch me ngọt Phetchanbun từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau. Sau thu hoạch, những quả me được sẽ được phơi nắng hoặc sấy sơ. Các biện pháp để bảo quản me ngọt được biết đến, gồm phơi khô; sấy; bảo quản trong phòng lạnh ở nhiệt độ thấp hơn 10oC; chiếu xạ bằng tia gamma; hấp bằng hơi nước nóng từ 8 - 15 phút tùy theo kích thước quả. Sản phẩm được đóng gói tại tỉnh Phetchabun, Thái Lan.
Khu vực địa lý: tỉnh Phetchabun, Thái Lan.