Meta Platforms từng đặt tiền vào những thứ thú vị như đặc quyền cho nhân viên, metaverse và các cuộc mua lại. Song khi "năm hiệu quả" của Meta Platforms vẫn tiếp tục, Giám đốc điều hành Mark Zuckerberg cần phải dùng khoản tiền mặt 40,74 tỉ USD của công ty vào mục đích nhàm chán hơn nhưng thực tế hơn: Làm hài lòng các cổ đông.

Meta không thể thực hiện các thương vụ mua lại lớn vì phải dùng 40 tỉ USD làm hài lòng cổ đông

Sơn Vân | 18/03/2023, 18:36

Meta Platforms từng đặt tiền vào những thứ thú vị như đặc quyền cho nhân viên, metaverse và các cuộc mua lại. Song khi "năm hiệu quả" của Meta Platforms vẫn tiếp tục, Giám đốc điều hành Mark Zuckerberg cần phải dùng khoản tiền mặt 40,74 tỉ USD của công ty vào mục đích nhàm chán hơn nhưng thực tế hơn: Làm hài lòng các cổ đông.

Kể từ năm 2012, Meta Platforms (trước đây gọi là Facebook) đã mua lại hơn 100 công ty, gồm cả những tên tuổi lớn như WhatsApp, Instagram và Oculus.

Những thương vụ mua lại này giúp Meta Platforms phát triển nhanh chóng trở thành gã khổng lồ internet như ngày nay. Doanh thu của trùm mạng xã hội đó đã tăng đáng kể những năm qua, từ 5 tỉ USD vào năm 2012 lên đến 116 tỉ USD trong năm 2022.

Khi doanh thu tăng, lượng vốn dự trữ cũng tăng lên. Theo báo cáo doanh thu của Meta Platforms trong tháng 2, Meta Platforms đã có tổng cộng 40,74 tỉ USD "Tiền mặt, các khoản tương đương tiền và chứng khoán khả mại” tính đến ngày 31.12.2022.

Chứng khoán khả mại là thuật ngữ được sử dụng để chỉ các loại chứng khoán mà có thể được mua và bán trên thị trường mở trong một thời gian ngắn mà không gây ảnh hưởng đáng kể đến giá cả của chúng.

Khi tốc độ tăng trưởng doanh thu của Meta Platforms chững lại, cổ phiếu gặp khó khăn và áp lực từ bên ngoài bắt đầu tác động đến họ, số tiền đó bây giờ phải được sử dụng cho các hoạt động mua lại cổ phiếu và những chiến lược khác liên quan đến sức khỏe tài chính của công ty hơn là đổi mới.

Meta Platforms không thể thực hiện các thương vụ mua lại lớn và cần phải chiếm được lòng nhà đầu tư ở Wall Street.

Sự giám sát chống độc quyền vẫn tiếp tục là nỗi đau đầu với Meta Platforms khi liên quan đến các thương vụ mua lại. Các nhà đầu tư không quan tâm đến việc tài trợ cho sự thúc đẩy metaverse nếu điều đó gây tổn thất cho lợi nhuận. Tình hình kinh tế vẫn chưa chắc chắn và bong bóng công nghệ trong đại dịch đã vỡ, làm cho các số liệu của Meta Platforms trở lại mức trước đại dịch.

Sau khi đạt đỉnh vào năm 2021 trong thời kỳ đỉnh cao của bong bóng công nghệ, cổ phiếu Meta Platforms giảm từ gần 400 USD xuống còn hơn 200 USD một chút, xấp xỉ giá trị mà công ty đạt được trước đại dịch.

Để giúp xoa dịu những lo lắng về giá cổ phiếu của mình, công ty đã công bố vào đầu năm 2023 rằng sẽ mua số cổ phiếu trị giá 40 tỉ USD từ các nhà đầu tư. Ý tưởng này sẽ giúp nâng cao giá trị công ty, đồng thời bù đắp cho thời điểm tồi tệ của các hoạt động mua lại cổ phiếu gần đây.

Lloyd Walmsley, nhà phân tích chứng khoán của ngân hàng UBS (Thụy Sĩ), nói với trang Insider rằng "việc mua lại là xu hướng tự nhiên" với một công ty có nhiều tiền mặt, nhưng điều đó cũng phải đối mặt với sự giám sát độc quyền quá lớn để thực hiện bất kỳ thương vụ mua lại lớn nào.

Lloyd Walmsley đề cập đến sự hoài nghi của Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC) với các vụ sáp nhập công nghệ lớn dưới thời chính quyền Biden.

Angelo Zino, nhà phân tích chứng khoán cấp cao tại hãng CFRA Research, dự đoán Meta Platforms sẽ tránh xa bất kỳ vụ mua lại lớn nào trong một thời gian, nói rằng "bối cảnh chính trị có thể ngăn cản Big Tech (hãng công nghệ lớn) phát triển hơn".

FTC đã kiện Meta Platforms vào tháng 7.2022 về việc mua lại Inside, ứng dụng thể dục thực tế ảo (VR), cáo buộc công ty mua lại quá nhiều đối thủ VR và bóp nghẹt cạnh tranh ở các thị trường mới nổi. 

Dù thỏa thuận đã được một tòa án phê duyệt vào tháng 2, song vụ kiện này đã gây ra một chút sợ hãi trong ngành khi giúp mở đường cho nhiều vụ kiện hơn với các hãng công nghệ lớn.

Do vừa giải quyết với FTC số tiền 5 tỉ USD vào năm 2019 trong một vụ án khác nên Meta Platforms không muốn chọc tức cơ quan này.

Thay vào đó, số tiền mặt mà lẽ ra đã được sử dụng trong các thương vụ lớn đó có thể được trả lại cho các nhà đầu tư để giúp Meta Platforms thu hút lại sự quan tâm từ Wall Street.

Angelo Zino nói: "Chúng tôi nhận thấy khả năng Meta có thể bắt đầu chi trả cổ tức nhỏ để thu hút một nhóm nhà đầu tư mới".

meta-khong-the-thuc-hien-cac-vu-mua-lai-lon-vi-phai-dung-40-ti-usd-lam-hai-long-co-dong.jpg
Các nhà đầu tư đang thúc đẩy Meta Platforms ít chú ý hơn vào metaverse và tập trung nhiều vào các hoạt động kinh doanh cốt lõi - Ảnh: Getty Images

Tương lai của Meta Platforms cần thuyết phục Phố Wall

Các động thái nhằm xoa dịu Phố Wall có thể đúng lúc, vì Phố Wall đã gây áp lực buộc Meta Platforms phải cắt giảm chi phí, kể cả thông qua các đợt sa thải nhân viên hàng loạt vài tháng qua.

Vào tháng 11.2022, Meta Platforms sa thải hơn 11.000 người (tương đương 13% lực lượng lao động lúc đó). Đến tháng 3, công ty mẹ của Facebook thông báo sẽ sa thải thêm 10.000 người.

Metaverse, vụ đánh cược lớn của Giám đốc điều hành Mark Zuckerberg cho tương lai, từng được bơm hàng chục tỉ USD, giúp tài trợ cho các thương vụ mua lại như Inside.

Thế nhưng, các nhà đầu tư đã thuyết phục thành công Meta Platforms rút lui khỏi việc này, đặc biệt là sau khi chứng kiến dòng tiền tự do của Meta Platforms đạt đỉnh 38,4 tỉ USD vào năm 2021 và sau đó giảm xuống còn 18,4 tỉ USD cuối năm 2022.

Cuối cùng, nhà đầu tư muốn thấy Meta Platforms đưa ra các quyết định thông minh hơn trước những thách thức trong kinh doanh của mình.

"Tiềm năng doanh thu của Meta có thể bị thách thức nhiều nhất trong số các tên tuổi công nghệ vốn hóa lớn vào thời điểm kinh tế bất định và áp lực cạnh tranh", Angelo Zino viết trong một lưu ý cho khách hàng trong tuần này.

Meta Platforms chuyển khoản đầu tư lớn nhất từ metaverse sang AI, Mark Zuckerberg lên tiếng

Khoảng 1 năm rưỡi sau khi Facebook đổi tên thành Meta và dốc toàn lực xây dựng phiên bản internet tương lai có tên metaverse, gã khổng lồ công nghệ hiện cho biết ưu tiên đầu tư hàng đầu của họ sẽ là thúc đẩy trí tuệ nhân tạo (AI).

Trong một bức thư gửi nhân viên hôm 14.3, Mark Zuckerberg đã công bố kế hoạch sa thải thêm 10.000 nhân viên những tháng tới và tập trung vào chiến lược mới của ông về "hiệu quả" cho công ty.

Được công bố lần đầu trong cuộc gọi thông báo lợi nhuận hàng quý của Meta Platforms vào tháng 2, chiến lược tập trung vào hiệu quả đến sau nhiều năm đầu tư mạnh mẽ vào tăng trưởng, gồm cả các lĩnh vực có tiềm năng nhưng chưa được chứng minh như thực tế ảo.

Giờ đây, Mark Zuckerberg cho biết công ty sẽ tập trung chủ yếu vào việc cắt giảm chi phí và hợp lý hóa các dự án. Ông viết: “Xây dựng metaverse vẫn là trọng tâm để xác định tương lai của kết nối xã hội, nhưng đó không phải là nơi mà Meta sẽ đầu tư phần lớn vốn của mình”.

Tỷ phú công nghệ 38 tuổi người Mỹ cho hay: “Khoản đầu tư lớn nhất của chúng tôi là thúc đẩy AI và tích hợp nó vào mọi sản phẩm của chúng tôi”.

Mark Zuckerberg nhấn mạnh rằng các công cụ AI có thể giúp người dùng ứng dụng của Meta Platforms thể hiện bản thân và khám phá nội dung mới. Hơn nữa, ông cũng nói rằng các công cụ AI mới có thể được sử dụng để tăng hiệu quả nội bộ bằng cách giúp “các kỹ sư viết mã nhanh hơn và tốt hơn”.

Các bình luận được đưa ra sau điều mà Mark Zuckerberg mô tả là lời cảnh tỉnh vào năm 2022, khi “nền kinh tế thế giới thay đổi, áp lực cạnh tranh gia tăng và tốc độ tăng trưởng của chúng tôi chậm lại đáng kể”.

Meta Platforms và tiền thân là Facebook đã tham gia vào nghiên cứu AI trong nhiều năm, nhưng những nhận xét từ Mark Zuckerberg được đưa ra trong bối cảnh cơn sốt AI đang tăng cao trong thế giới công nghệ, bắt đầu vào cuối tháng 11.2022 khi công ty khởi nghiệp OpenAI (Mỹ) do Microsoft hậu thuẫn phát hành ChatGPT công khai.

AI nhanh chóng lan truyền nhờ khả năng tạo ra các phản hồi hấp dẫn và sau đó khởi động một cuộc chạy đua giữa các hãng công nghệ.

Đầu tháng 2, Microsoft đã công bố đang tích hợp công nghệ đằng sau ChatGPT vào công cụ tìm kiếm Bing. Một ngày trước thông báo của Microsoft, Google cũng đã tiết lộ chatbot AI của riêng mình có tên Bard. Không để bị bỏ lại phía sau, Meta Platforms đã thông báo vào cuối tháng 2 rằng đang thành lập một “nhóm sản phẩm cấp cao nhất” để tăng cường hoạt động của công ty trên các công cụ AI.

Meta Platforms đã giới thiệu công cụ hỗ trợ sáng tạo tích hợp AI có thể tạo hình ảnh, video và văn bản nhưng vẫn chưa cung cấp bất kỳ sản phẩm nào như vậy trên ứng dụng của mình.

Ali Mogharabi, nhà phân tích chứng khoán cấp cao tại công ty dịch vụ tài chính Morningstar, chia sẻ với CNN về nhận xét của Mark Zuckerberg: “Ông ấy thực sự nghĩ rằng tập trung vào AI là điều tốt”.

Ali Mogharabi nói các khoản đầu tư của Meta Platforms vào AI "đem lại lợi ích cho cả hai phía", vì có thể cải thiện hiệu suất cho các kỹ sư tạo ra sản phẩm và tích hợp các tính năng AI vào danh mục ứng dụng công ty có thể tạo ra thời gian tương tác nhiều hơn cho người dùng, từ đó có thể thúc đẩy doanh thu quảng cáo.

Về lâu dài, Ali Mogharabi cho biết: “Rất nhiều khoản đầu tư vào AI và nhiều cải tiến đến từ những khoản đầu tư đó, thực sự có thể được áp dụng cho toàn bộ dự án metaverse”.

Mark Zuckerberg nhấn mạnh việc đầu tư vào AI và sử dụng các công cụ của công nghệ gây ồn ào này để làm cho công ty hoạt động hiệu quả hơn và thúc đẩy lợi nhuận của nó, cũng là điều mà các cổ đông và thị trường muốn nghe”, Ali Mogharabi nói thêm.

Nhiều nhà đầu tư trước đây đã than phiền về các tham vọng và chi tiêu của công ty trong lĩnh vực metaverse. Vào năm 2022, Meta Platforms đã lỗ hơn 13,7 tỉ USD trong đơn vị Reality Labs, nơi lưu giữ những nỗ lực về metaverse của họ.

Các nhà đầu tư dường như hoan nghênh sự thay đổi trọng tâm của Mark Zuckerberg từ metaverse sang hiệu quả. Sau khi bị ảnh hưởng tiêu cực vào năm 2022, cổ phiếu Meta Platforms đã tăng hơn 50% kể từ đầu năm 2023 và hiện ở mức 195,61 USD.

Angelo Zino cho biết đợt sa thải thứ hai tại Meta Platforms "chính thức khiến chúng tôi tin rằng Mark Zuckerberg đã hoàn toàn chuyển đổi chiến lược, thay đổi cách kể chuyện của công ty để tập trung vào hiệu quả hơn là tìm cách phát triển metaverse bằng mọi giá".

Hôm 14.3, công ty mẹ của Facebook cho biết sẽ cắt giảm 10.000 nhân viên trong năm 2023. Qua đó, Meta Platforms trở thành hãng công nghệ lớn đầu tiên công bố đợt sa thải hàng loạt lần thứ hai khi ngành này chuẩn bị đối mặt với suy thoái kinh tế sâu sắc.

Cổ phiếu Meta Platforms đã tăng sau tin tức này. Việc cắt giảm việc làm được dự đoán rộng rãi là một phần của quá trình tái cấu trúc sẽ khiến Meta Platforms loại bỏ kế hoạch tuyển dụng cho 5.000 vị trí mới, loại bỏ các dự án có mức độ ưu tiên thấp hơn…

Ngoài vấn đề lạm phát, Meta Platforms cũng đang phải đối mặt với những mối đe dọa đặc biệt với hoạt động kinh doanh quảng cáo kỹ thuật số cốt lõi của mình trong khi chi tiêu hào phóng cho các kế hoạch xây dựng metaverse tương lai của Mark Zuckerberg.

Trong thông điệp gửi nhân viên hôm 14.3, Mark Zuckerberg cho biết hầu hết các đợt cắt giảm nhân sự mới sẽ được công bố trong hai tháng tới, song một số trường hợp sẽ tiếp diễn đến cuối năm 2023.

"Trong phần lớn lịch sử của công ty, chúng tôi đã chứng kiến doanh thu tăng trưởng nhanh chóng qua từng năm và có đủ nguồn lực để đầu tư vào nhiều sản phẩm mới. Thế nhưng, năm ngoái là một hồi chuông cảnh tỉnh khiến chúng ta phải thức tỉnh. Tôi nghĩ chúng ta nên chuẩn bị cho khả năng rằng hiện thực kinh tế mới này sẽ tiếp diễn trong nhiều năm", ông viết.

Mark Zuckerberg cho biết ông có kế hoạch tiếp tục giảm quy mô của nhóm tuyển dụng, vốn đã bị ảnh hưởng nặng nề trong đợt sa thải vào mùa thu. Việc tái cấu trúc trong nhóm công nghệ sẽ được công bố cuối tháng 4 và cắt giảm với các nhóm kinh doanh sẽ diễn ra vào tháng 5.

Meta Platforms cũng sẽ loại bỏ nhiều lớp quản lý và yêu cầu nhiều quản lý trở thành những người đóng góp cá nhân, đồng thời loại bỏ các vai trò phi kỹ thuật, tự động hóa nhiều chức năng hơn và ít nhất là đảo ngược một phần cam kết về "ưu tiên làm việc từ xa" mà Mark Zuckerberg thực hiện trong bối cảnh đại dịch.

Với lần cắt giảm nhân sự mới nhất, Meta Plaforms dự kiến chi phí vào năm 2023 sẽ vào khoảng từ 86 tỉ USD đến 92 tỉ USD, thấp hơn so với mức dự báo từ 89 tỉ đến 95 tỉ USD.

Bài liên quan
Các chuyên trang AI đánh giá đối thủ cạnh tranh với ChatGPT từ Meta vừa rò rỉ trực tuyến
LlaMA của Meta Platforms, đối thủ cạnh tranh với ChatGPT, vừa bị rò rỉ trực tuyến để một số người thử nghiệm. Trang Yahoo Finance thử kiểm tra xem nó khác gì so với ChatGPT cùng chatbot AI của Microsoft và Google.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với trung tâm quốc gia về an ninh mạng Ba Lan
1 giờ trước Theo dòng thời sự
Chiều tối 17.1 (giờ địa phương), trong chương trình thăm chính thức Ba Lan, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tới thăm và làm việc tại Viện Nghiên cứu quốc gia về an ninh mạng của Ba Lan (NASK) - trung tâm hàng đầu về nghiên cứu, ứng dụng và phát triển internet, chuyển đổi số, an ninh mạng và bảo mật thông tin của Ba Lan.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Meta không thể thực hiện các thương vụ mua lại lớn vì phải dùng 40 tỉ USD làm hài lòng cổ đông