Không có hãng công nghệ lớn nào làm ngơ với làn sóng generative AI. Meta Platforms là công ty mới nhất tham gia thử nghiệm các công cụ AI cho các sản phẩm của mình.
Generative AI là một loại trí tuệ nhân tạo mà máy tính được lập trình để tự động tạo ra nội dung mới, như văn bản, hình ảnh, âm thanh và video. Nó khác với các hệ thống AI khác như máy học sâu (deep learning) hoặc học máy (machine learning) trong việc dự đoán kết quả từ dữ liệu đã có sẵn. Thay vì dựa trên dữ liệu huấn luyện, hệ thống generative AI có khả năng tự tạo ra dữ liệu mới và phong phú hơn. Các ví dụ của generative AI bao gồm các mô hình ngôn ngữ tự động tạo văn bản, các hệ thống nhận dạng hình ảnh, video và âm thanh.
Mark Zuckerberg, Giám đốc điều hành Meta Platforms, thông báo rằng công ty đang xây dựng “một nhóm sản phẩm cấp cao mới” để tích hợp generative AI vào các dịch vụ được hàng tỉ người dùng sử dụng.
Mark Zuckerberg cho biết ban đầu nhóm sẽ tập trung vào việc xây dựng các công cụ sáng tạo, nhưng mục tiêu dài hạn của họ là tạo ra "những nhân vật AI có thể giúp đỡ con người theo nhiều cách khác nhau". Tuy nhiên, ông cảnh báo rằng công ty sẽ phải làm rất nhiều công việc cơ bản trước khi chia sẻ những trải nghiệm tương lai này với người dùng.
Meta Platforms đang bắt đầu bằng cách thử nghiệm các công cụ AI dựa trên văn bản với WhatsApp và Facebook Messenger - có lẽ là các bot hội thoại kiểu ChatGPT. Dù đây có thể là trường hợp sử dụng thú vị cho người dùng, Meta Platforms cuối cùng có thể tận dụng các tính năng này bằng cách cung cấp chúng cho các doanh nghiệp trong các lĩnh vực như bán hàng và hỗ trợ khách hàng.
Meta Platfoms cũng đang thử nghiệm các bộ lọc và định dạng quảng cáo được hỗ trợ bởi AI trên Instagram cùng “trải nghiệm video và đa phương thức”.
Theo trang Axios, dự án sẽ được dẫn dắt bởi Ahmad Al-Dahle, cựu Giám đốc điều hành của Apple, và nhóm sẽ báo cáo với Giám đốc sản phẩm Chris Cox.
Dù các công cụ generative AI đã xuất hiện được một thời gian, công nghệ này chỉ trở nên nổi tiếng nhờ ChatGPT của công ty khởi nghiệp OpenAI (Mỹ).
Microsoft đã mang một số ưu điểm của ChatGPT vào công cụ tìm kiếm Bing và trình duyệt Edge. Đáp lại, hồi đầu tháng, Google cũng cho biết đang thử nghiệm chatbot có tên Bard.
Các công cụ tìm kiếm khác như You.com và Neeva cũng công bố tích hợp sản phẩm trò chuyện được trang bị AI. Đối thủ của Facebook là Snapchat đã ra mắt chatbot được đào tạo tùy chỉnh cho những người đăng ký trả phí trong tháng này.
Không có gì ngạc nhiên khi thấy Meta Platforms tham gia cuộc đua AI. Vụ đặt cược lớn của Mark Zuckerberg vào metaverse vẫn chưa được đền đáp và công ty sẽ cần tìm ra những cách mới để tạo ra doanh thu.
Tuần trước, Meta Platforms yêu cầu người dùng trả tiền để xác minh tài khoản Facebook và Instagram, tham gia nỗ lực từ các đối thủ cạnh tranh để đa dạng hóa doanh thu quảng cáo.
Dịch vụ mới Meta Verified dành cho Facebook và Instagram sẽ giúp người dùng có dấu tick màu xanh xác nhận danh tính như những người nổi tiếng và nhân vật công chúng, với giá từ 11,99 USD/tháng.
Trong khi Elon Musk - Giám đốc điều hành Twitter gọi động thái của đối thủ là "không thể tránh khỏi" trong một tweet, tác động với doanh thu Meta Platforms có thể là không đáng kể vào lúc này.
Nhà phân tích Mandeep Singh từ Bloomberg Intelligence viết trong một ghi chú rằng Meta Verified có thể tăng thêm từ 2 tỉ USD đến 3 tỉ USD vào doanh thu hàng năm của Meta Platforms. Doanh thu của công ty năm 2022 là khoảng 117 tỉ USD. Meta Platforms thừa nhận không kỳ vọng mang về số tiền lớn ở giai đoạn thử nghiệm, nhưng việc này nằm trong nỗ lực đa dạng hóa nguồn thu của hãng.
Tuy nhiên, Mandeep Singh cho biết động thái này có lợi hơn trong việc giúp Meta Platforms giữ chân những người sáng tạo, vốn có thể trả tiền cho việc xác minh tài khoản để bảo vệ nội dung của họ và giúp bài đăng trở nên nổi bật. Meta Platforms cho biết khả năng hiển thị tăng lên đồng nghĩa với "có sự nổi bật trong một số lĩnh vực của nền tảng như tìm kiếm, nhận xét và đề xuất”.
Tính đến giữa tháng 1, ít hơn 0,2% số lượng người dùng hoạt động hàng tháng của Twitter tại Mỹ đồng ý trả tiền để đăng ký dịch vụ gồm cả Twitter Blue, trang The Information đưa tin đầu tháng này.
Twitter đã giới thiệu lại Blue vào tháng 12.2022 sau khi đảo ngược việc triển khai dịch vụ cao cấp này trong vài tuần. Ở lần đầu tiên ra mắt, một số khách hàng đã sử dụng Twitter Blue để mạo danh các tài khoản nổi tiếng, bao gồm cả Elon Musk, khiến công ty phải tạm ngừng thử nghiệm.
Meta Platforms sẽ cung cấp đăng ký dịch vụ Meta Verified trong tuần này cho người dùng 18 tuổi trở lên ở Úc và New Zealand, song yêu cầu xác minh ID (giấy tờ định danh như hộ chiếu, căn cước công dân, bằng lái xe) do chính phủ cấp.
Ngoài việc cung cấp dấu tick xanh, gói dịch vụ đăng ký Meta Verified còn "bảo vệ tài khoản chủ động, truy cập hỗ trợ tài khoản, tăng khả năng hiển thị và tiếp cận", theo lời phát ngôn viên của Meta Platforms.
Mark Zuckerberg cho biết Meta Verified sẽ cải thiện phạm vi hỗ trợ cho người dùng đã xác minh, giúp họ có thể tương tác trực tiếp với bộ phận hỗ trợ khách hàng.
Ngoài ra, người dùng tham gia dịch vụ trên còn được truy cập bộ sticker độc quyền cho tính năng chia sẻ video Reels (tương tự TikTok). Người dùng cũng như nhận được 100 ngôi sao miễn phí mỗi tháng hoặc loại tiền kỹ thuật số để thưởng cho các nhà sáng tạo nội dung trên Facebook.
Sau khi triển khai tại Úc và New Zealand từ tuần này, Meta Verified được mở rộng sang Mỹ và các quốc gia khác. Sẽ không có gì thay đổi với các tài khoản Facebook và Instagram có tích xanh từ trước. Meta Verified hiện chưa dành cho doanh nghiệp.
Theo trang AFP, chưa rõ Meta Platforms sẽ bán Meta Verified tại các nước nơi người dùng không thể trả 11,99 USD/tháng ra sao, hay tại những nền kinh tế mà người dân không có nhiều cách chuyển tiền cho công ty.
Facebook đặt nền móng cho các mạng xã hội quy mô lớn trên internet ngày nay. Người dùng được sử dụng Facebook, Instagram miễn phí nhưng vô tình cung cấp dữ liệu khổng lồ để phục vụ cho quảng cáo. Mô hình này đã giúp Facebook thu về hàng chục tỉ USD mỗi năm. Trong nhiều năm, trang chủ Facebook luôn tự hào tuyên bố website “miễn phí và sẽ luôn là như thế”. Song đến năm 2019, Facebook âm thầm loại bỏ khẩu hiệu này.
Năm 2022, Meta Platforms ghi nhận doanh thu quảng cáo sụt giảm lần đầu tiên kể từ 2012. Gần đây, công ty thông báo số người dùng hàng ngày chạm mốc 2 tỉ, song ảnh hưởng của lạm phát và cạnh tranh khốc liệt từ các đối thủ mới như TikTok khiến doanh thu từ người dùng không cao như trước.
Meta Platforms cũng bị ảnh hưởng từ việc Apple thay đổi quy định quyền riêng tư trên iPhone, hạn chế khả năng thu thập dữ liệu và bán quảng cáo. Trước Meta Platforms, Reddit, Snapchat và Twitter đều phải giới thiệu các dịch vụ tính phí để bù đắp doanh thu sụt giảm.
Meta Platforms còn gặp áp lực do đang đặt cược lớn vào metaverse. Năm ngoái, cổ phiếu Meta Platforms giảm 2/3 giá trị nhưng phục hồi phần nào trong vài tháng đầu năm 2023.
Tháng 11.2022, Meta Platforms cho biết sa thải 11.000 nhân viên, chiếm 13% lực lượng lao động, để cắt giảm chi phí.
Đăng ký Meta Verified trên web sẽ rẻ hơn so với trên thiết bị di động vì Apple và Google tính hoa hồng trên cửa hàng ứng dụng. Cụ thể hơn, giá đăng ký Meta Verified trên web là 11,99 USD/tháng (khoảng 280.000 đồng/tháng), còn trên ứng dụng iOS và Android là 14,99 USD/tháng (356.000 đồng/tháng).
Meta làm nóng cuộc chạy đua AI với mô hình ngôn ngữ mới
Meta Platforms hôm 24.2 cho biết đã phát hành một mô hình ngôn ngữ lớn mới mang tên LlaMA, phần mềm cốt lõi của hệ thống trí tuệ nhân tạo (AI) mới.
Động thái này làm nóng cuộc chạy đua AI khi các Big Tech (hãng công nghệ lớn) đổ xô tích hợp công nghệ này vào sản phẩm của họ và gây ấn tượng với các nhà đầu tư.
Cuộc chiến để thống trị không gian công nghệ AI đã bắt đầu vào cuối năm 2022 với việc công ty khởi nghiệp OpenAI (Mỹ) được Microsoft hậu thuẫn ra mắt ChatGPT, khiến các đối thủ nặng ký trong lĩnh vực công nghệ từ Alphabet đến Baidu (Trung Quốc) tung ra các dịch vụ riêng.
LlaMA (Large Language Model Meta AI) sẽ được Meta Platforms cung cấp theo giấy phép phi thương mại cho các nhà nghiên cứu và các tổ chức liên kết với chính phủ, xã hội dân sự và học viện, công ty cho biết trên blog.
Các mô hình ngôn ngữ lớn khai thác lượng lớn văn bản để tóm tắt thông tin và tạo nội dung. Chẳng hạn, chúng có thể trả lời các câu hỏi bằng văn bản như thể được viết bởi con người.
LlaMA, mô hình mà Meta Platforms cho biết yêu cầu sức mạnh tính toán ít hơn nhiều so với các dịch vụ trước đó, được đào tạo trên 20 ngôn ngữ, tập trung vào những ngôn ngữ có bảng chữ cái Latinh và Cyrillic.
"Thông báo của Meta ngày hôm nay dường như là một bước để thử nghiệm khả năng generative AI của họ để có thể triển khai chúng vào các sản phẩm của mình trong tương lai. Generative AI là một ứng dụng mới của AI mà Meta có ít kinh nghiệm hơn, nhưng rõ ràng là rất quan trọng với tương lai kinh doanh của họ", Gil Luria, nhà phân tích phần mềm cao cấp tại hãng D.A. Davidson, nhận định.
AI đã nổi lên như một điểm sáng cho các khoản đầu tư vào ngành công nghệ, vốn tăng trưởng chậm lại dẫn đến tình trạng sa thải nhân viên trên diện rộng và cắt giảm các hoạt động đặt cược thử nghiệm.
Meta Platforms cho biết LLaMA có thể vượt qua các đối thủ về nhiều tham số hoặc biến số hơn mà thuật toán tính đến.
Cụ thể, công ty cho biết một phiên bản LLaMA với 13 tỉ tham số có thể hoạt động tốt hơn GPT-3, phiên bản tiền thân gần đây của mô hình mà ChatGPT được xây dựng.
Meta Platforms mô tả mô hình LLaMA 65 tỉ tham số của mình "cạnh tranh" với Chinchilla70B và PaLM-540B của Google, thậm chí còn lớn hơn mô hình mà Google từng sử dụng để giới thiệu công cụ tìm kiếm được trang bị chatbot Bard của mình.
Người phát ngôn Meta Platforms cho rằng hiệu suất đạt được là nhờ số lượng lớn dữ liệu "sạch hơn" và "cải tiến kiến trúc" trong mô hình, giúp nâng cao tính ổn định của đào tạo.
Hồi tháng 5.2022, Meta Platforms đã phát hành mô hình ngôn ngữ lớn OPT-175B, cũng nhắm đến các nhà nghiên cứu, tạo cơ sở cho một phiên bản mới của chatbot BlenderBot.
Sau đó, Meta Platforms đã giới thiệu mô hình Galactica, có thể viết các bài báo khoa học và giải các bài toán, nhưng đã nhanh chóng gỡ bỏ bản demo sau khi nó tạo ra các phản hồi sai nhưng trông có vẻ đáng tin cậy.
Tháng 8.2022, Meta Platforms đã phát hành BlenderBot 3, với khả năng tìm kiếm trên internet để nói về các chủ đề khác nhau, cho người dùng ở Mỹ. Người dùng có thể phản hồi với Meta Platforms nếu nhận được câu trả lời lạc đề hoặc không thực tế từ BlenderBot 3.
Thời điểm đó, Meta Platforms khuyến khích người lớn tương tác với BlenderBot 3 bằng "các cuộc trò chuyện tự nhiên về các chủ đề quan tâm" để cho phép chatbot này học cách thực hiện các cuộc thảo luận tự nhiên về nhiều chủ đề.