Phía Việt Nam đã nhận được cảnh báo của EU về việc một số sản phẩm mì ăn liền của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường này.

Mì tôm Việt Nam lại bị 'tuýt còi' ở EU, doanh nghiệp cần lưu ý gì?

Tuyết Nhung | 24/07/2022, 18:23

Phía Việt Nam đã nhận được cảnh báo của EU về việc một số sản phẩm mì ăn liền của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường này.

Ông Ngô Xuân Nam, Phó giám đốc Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật (Văn phòng SPS Việt Nam) cho biết, cơ quan này đã nhận được cảnh báo của châu Âu (EU) về việc một số sản phẩm mì ăn liền của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường này.

Cụ thể, Đức đã đưa ra cảnh báo về sản phẩm mì gói có hương vị gà và cà ri của Công ty Cổ phần Thực phẩm Á Châu do có chứa chất Ethylene Oxide (EO) cao gấp 2-3 lần tiêu chuẩn tối đa cho phép. Malta đã cảnh báo đến sản phẩm bánh phở của thương hiệu Nguyễn Gia. Còn Ba Lan thì đưa ra cảnh báo về sản phẩm mì gói hương gà của Công ty Cổ phần Công nghiệp Thực phẩm Việt Nam (Vifon).

Theo thông tin rà soát sơ bộ từ Vụ Khoa học và Công nghệ, thuộc Bộ Công Thương, trong 3 trường hợp bị cảnh báo chỉ có một trường hợp được xác định có chỉ tiêu EO vượt ngưỡng quy định của EU. Còn sản phẩm bánh phở hiệu Nguyễn Gia được Malta xác định mối nguy là sản xuất từ gạo biến đổi gen. Sản phẩm mì ăn liền vị gà của Công ty cổ phần Kỹ nghệ thực phẩm Việt Nam bị trả lại do hồ sơ nhập khẩu của doanh nghiệp chưa đầy đủ.

Phó giám đốc Văn phòng SPS Ngô Xuân Nam lưu ý doanh nghiệp xuất khẩu khi có sản phẩm bị cảnh báo tại thị trường EU thì sản phẩm đó có thể bị thu hồi, tiêu hủy hoặc trả lại nơi sản xuất... Tùy thuộc mức độ vi phạm, EU sẽ quyết định việc này chứ không phải tất cả doanh nghiệp sản xuất mặt hàng này khi xuất khẩu vào EU sẽ bị thu hồi.

EU hiện đang áp tần suất kiểm tra sản phẩm mì tôm của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường này là 20%. Văn phòng SPS Việt Nam với chức năng là cơ quan đầu mối quốc gia minh bạch quy định về an toàn thực phẩm cùng Bộ Công Thương đang nỗ lực tháo gỡ việc giảm tần suất kiểm tra mì ăn liền của Việt Nam vào EU. "Hy vọng trong thời gian tới, EU sẽ xem xét giảm tần suất kiểm tra đối vưới sản phẩm mì tôm xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường này", ông Nam nhấn mạnh.

Ông Nam cũng khuyến cáo các doanh nghiệp xuất khẩu cần phải tìm hiểu kỹ và tuân thủ các quy định của những nước nhập khẩu để tránh rủi ro, ảnh hưởng nỗ lực tháo gỡ việc giảm tần suất kiểm tra mì ăn liền của Việt Nam vào EU của Văn phòng SPS Việt Nam và các cơ quan chuyên môn.

Trong khi đó, đại diện Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) khuyến cáo, doanh nghiệp xuất khẩu cần có sự chuẩn bị, tìm hiểu thị trường, đặc biệt là những vấn đề liên quan biện pháp kỹ thuật của từng thị trường để đảm bảo tuân thủ đầy đủ trước khi tiến hành xuất khẩu hàng hóa. Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ chỉ đạo đơn vị chức năng tiếp tục đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm chế biến bột nâng cao biện pháp kiểm soát an toàn thực phẩm, vượt qua rào cản kỹ thuật và những biện pháp phòng vệ thương mại tại thị trường ngoài nước.

Vào ngày 13.6 vừa qua, EU chính thức thông báo ban hành Quy định (EU) 2022/913 ngày 30.5 sửa đổi Quy định về các biện pháp kiểm soát thực phẩm xuất khẩu vào EU có hiệu lực từ 3.7. Cụ thể, EU tiếp tục duy trì yêu cầu bổ sung giấy Chứng nhận an toàn thực phẩm và tần suất kiểm tra 20% đối với mỳ ăn liền có nguồn gốc từ Việt Nam (trong thành phần có chứa gia vị và một số nguyên liệu, phụ gia khác).

Trước đó, ngày 20.8.2021, Cơ quan An toàn Thực phẩm Ireland (FSAI) thông báo thu hồi một số lô sản phẩm mì ăn liền có chứa chất Ethylene Oxide, trong đó có mì Hảo Hảo vị tôm chua cay (loại 77 g, lô hạn sử dụng đến 24.9.2022) và miến Good vị sườn heo (loại 56 g, lô hạn sử dụng đến 10.11.2022) do Acecook Việt Nam sản xuất

Ethylene Oxide là một hợp chất hữu cơ có mùi thơm và có tính chất khử khuẩn ở phổ rộng. Hàm lượng EO trong cơ thể khi nhiều đến một ngưỡng nhất định có thể gây ra những biến chứng ung thư. EO trong các sản phẩm mì ăn liền có thể xuất hiện ở gói rau, trong dầu hay trong bột canh. Hiện tỷ lệ EO được phép theo quy định của EU khá thấp, chỉ 0,01 mg/kg.

Bài liên quan
Hoàn cảnh bi thương của cụ ông 82 tuổi khóc nghẹn khi được tặng thùng mì tôm
Sống trong căn nhà dột nát, ngủ trên chiếc giường bị mối mọt đục khoét có thể sập bất cứ lúc nào, cụ Vừ Súa Sình còn bị con đánh đập thường xuyên.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
7 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mì tôm Việt Nam lại bị 'tuýt còi' ở EU, doanh nghiệp cần lưu ý gì?