Microsoft có kế hoạch phát hành phần mềm để giúp các công ty lớn và trường học tạo chatbot của riêng họ tương tự ChatGPT, trang CNBC đã đưa tin.

Microsoft giúp các trường học, công ty tạo chatbot riêng tương tự ChatGPT

Sơn Vân | 08/02/2023, 13:01

Microsoft có kế hoạch phát hành phần mềm để giúp các công ty lớn và trường học tạo chatbot của riêng họ tương tự ChatGPT, trang CNBC đã đưa tin.

Trong 2 tháng kể từ khi được công ty khởi nghiệp OpenAI (Mỹ) phát hành ra công chúng, ChatGPT đã gây bão internet, gây ấn tượng với về khả năng trả lời câu hỏi về nhiều chủ đề và theo nhiều phong cách.

ChatGPT ước tính đã đạt 100 triệu người dùng hoạt động hàng tháng vào tháng 1.2023, chỉ 60 ngày sau khi ra mắt. Qua đó, ChatGPT trở thành ứng dụng tiêu dùng phát triển nhanh nhất trong lịch sử, theo một nghiên cứu của UBS (ngân hàng đầu tư đa quốc gia và công ty dịch vụ tài chính của Thụy Sĩ).

Trích dẫn dữ liệu từ công ty phân tích Similarweb, UBS cho biết trung bình có khoảng 13 triệu khách truy cập đã sử dụng ChatGPT mỗi ngày trong tháng 1, nhiều hơn gấp đôi so với mức của tháng 12.2022.

Các nhà phân tích của UBS viết trong ghi chú: "Trong 20 năm sau không gian internet, chúng tôi không thể nhớ lại có gì phát triển nhanh hơn trong ứng dụng của người tiêu dùng như ChatGPT".

Theo dữ liệu từ công ty Sensor Tower, TikTok đã mất khoảng 9 tháng sau khi ra mắt toàn cầu để đạt được 100 triệu người dùng và Instagram mất đến 2,5 năm.

Microsoft đang tìm cách tận dụng sự chú ý vào ChatGPT theo nhiều cách. Hôm 23.1, Microsoft cho biết đã đầu tư hàng tỉ USD vào OpenAI trong một thỏa thuận kéo dài nhiều năm sẽ chứng kiến gã khổng lồ phần mềm trở thành nhà cung cấp dịch vụ đám mây độc quyền cho OpenAI.

Microsoft cũng đang làm việc để kết hợp các công nghệ OpenAI vào các sản phẩm của riêng mình.

Hôm 7.2, Microsoft đã thông báo rằng đang cải tiến công cụ tìm kiến Bing và trình duyệt web Edge với công nghệ giống ChatGPT.

Ngoài ra, Microsoft có kế hoạch công bố công nghệ cho các công ty, trường học và chính phủ để tạo chatbot của riêng họ với ChatGPT, theo một người được thông báo về vấn đề này, yêu cầu giấu tên vì kế hoạch là riêng tư.

Microsoft giúp khách hàng khởi chạy chatbot mới hoặc tinh chỉnh những chatbot hiện có của họ bằng công nghệ mới, có thể đề xuất phản hồi cho các đại lý trung tâm cuộc gọi sử dụng trong các cuộc trò chuyện về dịch vụ khách hàng, theo nguồn tin CNBC. Điều này phản ánh qua khả năng mới của ứng dụng ứng dụng quản lý bán hàng Microsoft Viva Sales, hiện có thể đề xuất nội dung email phù hợp với người nhận, do AI tạo cho người bán.

ChatGPT vẫn còn khá hạn chế về mặt thông tin có thể tạo ra do quá trình đào tạo của chatbot này chỉ kéo dài đến năm 2021. Thế nhưng, Microsoft dự định cho các chatbot được ra mắt cùng dịch vụ ChatGPT dành cho doanh nghiệp của mình có chứa thông tin cập nhật đến hiện tại và khả năng trích dẫn nguồn, giống Bing và Edge phiên bản mới. Tính năng này không khả dụng trong phiên bản ChatGPT hiện tại, song đã rò rỉ trước đó trong các bài viết về Bing phiên bản mới hỗ trợ ChatGPT.

microsoft-giup-cac-truong-hoc-cong-ty-tao-chatbot-rieng-giong-chatgpt.jpg
Microsoft có kế hoạch phát hành phần mềm để giúp các công ty lớn. trường học và chính phủ tạo chatbot của riêng họ tương tự ChatGPT - Ảnh: Internet

Trong một cuộc trao đổi trên Twitter với Elon Musk đầu tháng 12.2022, Giám đốc điều hành OpenAI - Sam Altman thừa nhận rằng mỗi cuộc trò chuyện trên ChatGPT tiêu tốn của công ty vài xu Mỹ.

Theo ước tính của Tom Goldstein, phó giáo sư khoa học máy tính của Đại học Maryland (Mỹ), OpenAI đang chi 100.000 USD mỗi ngày vì ChatGPT, tương đương khoảng 3 triệu USD mỗi tháng.

Việc hợp tác với Microsoft (cung cấp dịch vụ điện toán từ xa) có thể cắt giảm chi phí cho OpenAI, nhưng "dù bằng cách nào thì nó cũng không hề rẻ", Tom Goldstein khẳng định.

Giống như các nhà cung cấp cơ sở hạ tầng đám mây khác, Microsoft quan tâm đến chi tiêu của khách hàng và có thể không muốn dịch vụ khiến khách phải trả số tiền lớn hơn họ tưởng tượng.

Để đạt được mục tiêu đó, Microsoft có kế hoạch cung cấp cho khách hàng các công cụ để ước tính và hạn chế chi tiêu, theo nguồn tin CNBC.

Microsoft cũng đã thảo luận về việc cho phép khách hàng doanh nghiệp hiển thị thông báo tùy chỉnh trước khi tương tác với chatbot của họ, tương tự như cách Bing phiên bản mới sẽ hiển thị màn hình chào mừng cho biết có thể trả lời các câu hỏi phức tạp và cung cấp thông tin.

Ngoài ra, Microsoft muốn cung cấp cho khách hàng các cách tải lên dữ liệu riêng và tinh chỉnh giọng nói các chatbot của họ, đồng thời dự định cho phép khách hàng thay thế logo Microsoft và OpenAI.

Microsoft đang cải tiến công cụ tìm kiếm Bing và trình duyệt web Edge bằng trí tuệ nhân tạo (AI), báo hiệu tham vọng chiếm lại vị trí dẫn đầu trong thị trường công nghệ tiêu dùng mà hãng đã tụt lại phía sau.

Nhà sản xuất hệ điều hành Windows đang đặt tương lai của mình vào AI thông qua khoản đầu tư hàng tỉ USD khi trực tiếp thách thức Google.

Công ty có trụ sở ở thành phố Redmond (bang Washington, Mỹ) từng thống trị thế giới công nghệ, nhưng đã mất vị trí dẫn đầu trên thị trường tìm kiếm và trình duyệt vào tay Google.

Hợp tác với OpenAI, Microsoft đang hướng tới mục tiêu vượt qua Google và có khả năng thu được lợi nhuận khổng lồ từ các công cụ tăng tốc độ tạo nội dung, tự động hóa các nhiệm vụ… Điều đó sẽ ảnh hưởng đến các sản phẩm dành cho doanh nghiệp, chẳng hạn như điện toán đám mây và các công cụ cộng tác, cũng như internet tiêu dùng.

Giám đốc điều hành Microsoft - Satya Nadella nói với các phóng viên trong một cuộc họp ngắn tại trụ sở chính của công ty ở Redmond hôm 7.2: “Công nghệ này sẽ định hình lại hầu hết mọi danh mục phần mềm”.

Thị phần tìm kiếm của Microsoft đã giảm xuống còn khoảng 1/10. Một lãnh đạo Microsoft nói rằng mỗi điểm phần trăm tăng thị phần trở lại sẽ giúp đem lại 2 tỉ USD doanh thu.

Lãnh đạo Microsoft cho biết Bing phiên bản mới sẽ thay đổi cách mọi người tìm kiếm thông tin trên internet.

Công cụ tìm kiếm do AI hỗ trợ sẽ có thể đưa ra câu trả lời rõ ràng bằng ngôn ngữ đơn giản, tổng hợp những gì Bing tìm thấy trên web và trong kho dữ liệu của chính nó, thay vì chỉ đưa ra các liên kết đến các trang web.

Tại sự kiện, Yusuf Mehdi đã trình diễn cách công cụ tìm kiếm được tăng cường AI sẽ giúp việc mua sắm và tạo email trở nên dễ dàng hơn.

Trong khi đó, Google đang tiến hành các kế hoạch tương tự bằng cách sử dụng công nghệ của riêng mình.

Hôm 6.2, Alphabet, công ty mẹ của Google, đã công bố chatbot AI có tên Bard. Giám đốc điều hành Alphabet - Sundar Pichai đề cập với các nhân viên trong một email nội bộ rằng sẽ sớm mời các nhà phát triển cùng doanh nghiệp thử nghiệm một API cho phép họ truy cập LaMDA, mô hình ngôn ngữ làm nền tảng cho Bard.

Bài liên quan
Microsoft thông báo sắp ngừng hỗ trợ Windows 10
Trang The Verge dẫn lời Microsoft thông báo ngày 14.10, tập đoàn sẽ chấm dứt việc hỗ trợ cho hệ điều hành Windows 10.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
4 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Microsoft giúp các trường học, công ty tạo chatbot riêng tương tự ChatGPT