Một nghiên cứu từ Cơ quan Quản lý Vũ trụ Quốc gia Trung Quốc (CNSA) cảnh báo rằng các mạng lưới internet vệ tinh thuộc sở hữu của các quốc gia khác nhau phải phối hợp hoạt động hoặc có nguy cơ làm tổn hại đến các dịch vụ của nhau.

Starlink và các mạng lưới internet vệ tinh Trung Quốc có thể làm tổn hại đến nhau

Sơn Vân | 05/02/2023, 15:54

Một nghiên cứu từ Cơ quan Quản lý Vũ trụ Quốc gia Trung Quốc (CNSA) cảnh báo rằng các mạng lưới internet vệ tinh thuộc sở hữu của các quốc gia khác nhau phải phối hợp hoạt động hoặc có nguy cơ làm tổn hại đến các dịch vụ của nhau.

Một nhóm của CNSA do nhà nghiên cứu Liu Huiliang dẫn đầu đã tạo ra mô hình máy tính cho thấy một chòm sao cỡ trung bình gồm khoảng 450 vệ tinh có thể giảm hiệu quả băng thông liên lạc của mạng hơn 1.500 vệ tinh.

Trong một kịch bản mô phỏng trên máy tính, các nhà điều hành mạng nhỏ hơn đã thay đổi đường bay của vệ tinh để đạt được tốc độ liên lạc tối đa, khiến hiệu suất mạng lớn hơn giảm xuống.

Điều này là do mạng lớn hơn “không biết một hệ thống khác đang thực hiện các động thái chủ động và tiếp tục sử dụng chiến lược ban đầu để liên lạc với các trạm mặt đất”, theo nghiên cứu được công bố trên ấn bản của tạp chí Khoa học và Công nghệ Vũ trụ Trung Quốc.

Những phát hiện này phản bác lại quan điểm chung rằng một mạng lớn hơn sẽ chiếm thế thượng phong ở cuộc chiến giành các nguồn tài nguyên hạn chế trong không gian. Elon Musk, người sáng lập công ty hàng không vũ trụ SpaceX (Mỹ), năm ngoái nói rằng có chỗ cho hàng chục tỉ vệ tinh trên quỹ đạo tầm thấp của Trái đất.

Tuy nhiên, các chòm sao vệ tinh khác nhau thường sử dụng các tần số vô tuyến tương tự có thể gây nhiễu lẫn nhau khi liên lạc với các trạm mặt đất, Liu Huiliang và các đồng nghiệp cho biết.

Trung Quốc có kế hoạch phóng vài trăm vệ tinh liên lạc nhỏ để cung cấp truy cập internet trên khắp hành tinh. Trong khi đó, SpaceX đã đưa hơn 3.000 vệ tinh Starlink lên quỹ đạo, với kế hoạch tổng cộng hơn 30.000.

Nhóm CNSA cho biết vẫn chưa rõ hai chòm sao vệ tinh này sẽ tương tác với nhau như thế nào, nhưng Starlink có thể hành động theo cách gây tổn hại cho đối thủ cạnh tranh của mình, đồng thời cảnh báo rằng một cuộc cạnh tranh ăn miếng trả miếng sẽ là một tình huống có hại cho tất cả bên liên quan.

starlink-va-cac-mang-luoi-internet-ve-sinh-trung-quoc-co-the-lam-ton-hai-den-nhau.jpg
Có hơn 3.000 vệ tinh Starlink trên quỹ đạo, với kế hoạch đưa lên tổng cộng hơn 30.000, trong khi Trung Quốc cũng đang mở rộng mạng truyền thông StarNet nhỏ hơn của mình - Ảnh: SpaceX

Phiên bản đầu tiên chương trình vệ tinh internet của Trung Quốc bao gồm một số chòm sao độc lập, mỗi chòm sao chỉ có khoảng 100 vệ tinh do một số công ty tư nhân hoặc nhà thầu hàng không vũ trụ điều hành.

Nghiên cứu cho thấy một mạng nhỏ với kích thước này sẽ không có cơ hội cạnh tranh với Starlink, ngay cả ở quy mô hiện tại. Bất kỳ hành động nào được thực hiện sẽ dẫn đến thiệt hại tự gây ra cho băng thông liên lạc của nó trong khi mạng lớn hơn sẽ không bị tổn hại.

Song vào năm 2021, chính quyền Trung Quốc đã thành lập China Satellite Network Group, doanh nghiệp nhà nước đã hợp nhất tất cả dự án vệ tinh internet thành một mạng có tên Xing Wang (hay StarNet).

Mục đích là để StarNet trở thành nhà cung cấp dịch vụ viễn thông lớn, tương tự như China Telecom hay China Mobile. Thế nhưng, quy mô của mạng được mở rộng có thể mang lại hiệu quả mà Liu Huiliang và nhóm của ông đã ghi nhận.

Liu Huiliang và nhóm của ông nói có thể giảm nhiễu giữa các mạng bằng cách xây dựng thêm các trạm mặt đất, nhưng mô phỏng của họ cho thấy một giải pháp rẻ hơn cho vấn đề này là sự cộng tác.

Các vệ tinh trong những mạng khác nhau có thể chỉ cần thay đổi hình dạng hoặc hướng ăng-ten của chúng để nhường chỗ cho các vệ tinh khác. Sự hợp tác sẽ liên quan đến việc “thông báo cho nhau về lịch thiên văn, liên kết và các thông số khác, đồng thời chủ động thực hiện các biện pháp tránh nhau”.

Tuy nhiên, quân đội Trung Quốc, cơ quan kiểm soát hầu hết các hoạt động không gian của đất nước, đang đối xử với Starlink với thái độ thù địch ngày càng tăng. Nghiên cứu của một nhóm các nhà nghiên cứu quốc phòng cảnh báo rằng Starlink có thể đe dọa vũ khí siêu thanh của Trung Quốc.

Các nhà nghiên cứu từ Văn phòng Đại diện Quân sự của Cục Hệ thống Hàng không vũ trụ ở thành phố Nam Kinh (tỉnh Giang Tô, Trung Quốc) cho biết: “Starlink có thể hướng chùm tia theo bất kỳ hướng nào để đo, theo dõi và kiểm soát từ xa”.

Điều này sẽ cải thiện khả năng dự đoán và cảnh báo sớm có độ chính xác cao, đồng thời cung cấp thông tin hỗ trợ cho việc đánh chặn các phương tiện phóng và tên lửa của đối phương sau này. Kiến trúc không gian phòng thủ thế hệ tiếp theo không thể được xây dựng trong thời gian ngắn. Do đó, quân đội Mỹ phải sử dụng các chòm sao vệ tinh quỹ đạo Trái Đất tầm thấp thương mại và Starlink chắc chắn là lựa chọn hàng đầu”, theo nghiên cứu đăng trên ấn bản của tạp chí tiếng Trung về Chiến tranh điện tử hàng không vũ trụ.

Các nhà nghiên cứu quốc phòng cho biết quân đội Trung Quốc cũng có thể làm gián đoạn dịch vụ Starlink ở một số khu vực nhất định bằng công nghệ can thiệp do trí tuệ nhân tạo (AI) cung cấp.

Họ nói: “Chiến lược chống nhiễu của Starlink không có gì độc đáo, nhưng có thể phản hồi nhanh chóng với cơ chế hoạt động linh hoạt. Các thuật toán tìm hiểu mối đe dọa mới tiên tiến có thể gây nhiễu các tín hiệu này một cách hiệu quả”.

Các nhà nghiên cứu nói Trung Quốc cũng sẽ cần vũ khí năng lượng trực tiếp mạnh mẽ, chẳng hạn như thiết bị chùm tia laser và hạt, để vô hiệu hóa một số lượng lớn các vệ tinh Starlink quay quanh quỹ đạo với chi phí tương đối thấp.

Hồi tháng 5.2022, China Military Online, ấn phẩm chính thức của Quân đội Trung Quốc, đã chỉ trích các mối liên hệ sâu rộng của SpaceX với các lực lượng vũ trang Mỹ, bao gồm các hợp đồng thương mại với quân đội và năng lực của Starlink trong việc “nâng cao khả năng chiến đấu của quân đội Mỹ”.

Có một nguy cơ là Starlink sẽ bị lợi dụng bởi Mỹ vốn ám ảnh về bá quyền để đưa thế giới vào sự hỗn loạn hoặc tai họa”, China Military Online cho biết.

Viện Theo dõi và Viễn thông Bắc Kinh, nhóm nghiên cứu của Quân đội Trung Quốc, đã đi xa hơn. Vào tháng 4.2022, một số nhà phân tích của Viện này cho biết các nhà hoạch định quốc phòng ở Bắc Kinh nên chuẩn bị "phương pháp tiêu diệt mềm và cứng" để hạ gục vệ tinh Starlink và phá hủy hệ điều hành của nó.

Những mối đe dọa với SpaceX xuất hiện khi các công ty khởi nghiệp tư nhân Trung Quốc và các tập đoàn nhà nước gồm cả GalaxySpace, China Aerospace Science and Technology Corporation (Tập đoàn Khoa học và Công nghệ Hàng không Vũ trụ Trung Quốc) đang gấp rút triển khai các chòm sao vệ tinh của riêng họ vào quỹ đạo Trái đất tầm thấp để cạnh tranh cùng Starlink.

Dexter Roberts, chuyên gia về Mỹ-Trung và là thành viên cấp cao của Hội đồng Đại Tây Dương, cho biết các nhà nghiên cứu quân sự trực thuộc nhà nước đã làm rõ rằng Starlink “gây ra mối đe dọa với Trung Quốc”.

Ông Dexter Robertsnói: “Mối quan tâm của họ gần như chắc chắn được chia sẻ bởi chính phủ và quân đội Trung Quốc”.

Đài Loan muốn phát triển dịch vụ internet vệ tinh tương tự như Starlink

Hôm 6.1, tờ Financial Times đưa tin Đài Loan đang phát triển hệ thống internet dựa trên vệ tinh riêng, tương tự như Starlink của SpaceX.

Ba người quen thuộc với tình hình nói với tờ Financial Times rằng Đài Loan đang thu hút các nhà đầu tư trong bối cảnh có kế hoạch chuyển đổi dự án liên lạc vệ tinh tầm thấp trên đảo, hiện là một phần của Cơ quan vũ trụ Đài Loan (TASA), thành nhà cung cấp internet.

Audrey Tang, lãnh đạo Cơ quan Kỹ thuật số Đài Loan, nói với Financial Times: "Mối quan tâm chính của chúng tôi là tạo điều kiện thuận lợi cho khả năng phục hồi của xã hội, chẳng hạn như để đảm bảo rằng các nhà báo có thể gửi video tới người xem quốc tế ngay cả trong một thảm họa quy mô lớn".

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Temu, Shein... 'đổ bộ' Việt Nam, chuyển đổi số cấp thiết hơn bao giờ hết
12 giờ trước Khoa học - công nghệ
Chuyển đổi số trong linh vực bán buôn, bán lẻ đang cấp thiết hơn bao giờ hết khi các sàn thương mại điện tử như Temu, Shein... "đổ bộ" thị trường Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Starlink và các mạng lưới internet vệ tinh Trung Quốc có thể làm tổn hại đến nhau