Hà Nội và các tỉnh miền Bắc đang bước vào đợt rét đậm đầu tiên của mùa đông năm nay, thời tiết thay đổi khiến nhiều trẻ em nhập viện vì bị viêm đường hô hấp.
Trẻ nhập viện tăng cao khi chuyển mùa
Thời tiết chuyển mùa là điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn, vi rút phát triển mạnh và gây bệnh. Nhất là trẻ em, sức đề kháng yếu, rất dễ mắc các bệnh truyền nhiễm khi giao mùa. Ghi nhận của phóng viên tại hầu hết các bệnh viện trên địa bàn, số lượng bệnh nhi đến khám và nhập viện gia tăng.
Trao đổi với phóng viên, bác sĩ Nguyễn Văn Trọng (Bệnh viện đa khoa Hà Đông, Hà Nội) cho biết thời tiết lạnh đột ngột khiến nhiều bệnh nhân từ người lớn tới trẻ em nhập viện nhiều hơn. Trong 2 - 3 ngày miền Bắc trở lạnh, bệnh viện đã đón tiếp trung bình ngày từ 60 - 70 bệnh nhân, đa số là khám bệnh về đường hô hấp. Số bệnh nhân còn lại nhập viện điều trị vì các triệu chứng viêm hô hấp, viêm ruột. So với cùng kỳ năm ngoái, số bệnh nhân nhập viện đông hơn. Bệnh nhi đến khám bởi các triệu chứng sốt, viêm ruột và được cho điều trị ngoại trú vẫn tăng từng ngày. Đặc biệt, điều trị ngoại trú tăng 40 - 50% so với bình quân ngày trung bình khoảng 60 trẻ em đến khám.
Theo một số y bác sĩ, vừa qua các phụ huynh cho trẻ em nhập viện, khám ngoại khoa về đường hô hấp tăng cao, thậm chí có những trẻ sốt cao đến co giật, bệnh nhân bị nhiễm sốt xuất huyết ở Hà Nội cũng như các tỉnh miền Bắc vẫn chưa thuyên giảm.
"Các bệnh đường hô hấp và đặc biệt là sốt xuất huyết nặng tăng rất nhiều, hầu như ngày nào cũng có ca nhập viện, các em thường có các biểu hiện ho nặng, khò khè, tụt huyết áp, sốt cao... Thời tiết giao mùa và trở lạnh đột ngột khiến trẻ em có dấu hiệu suy hô hấp, sốt cao co giật đối với các trẻ có bệnh nền. Trẻ khá nhạy cảm với thời tiết do hệ miễn dịch chưa hoàn thiện nên cha mẹ cần chú ý khi giữ ấm cho trẻ và giữ môi trường sống sạch sẽ. Đặc biệt đối với sốt xuất huyết đang bùng phát thì nên đưa cháu đi bệnh viện sớm để điều trị, can thiệp tránh diễn tiến xấu" - bác sĩ Minh Thông (Khoa Hô hấp, Bệnh viện Nhi trung ương) cho hay.
Các chuyên gia y tế cũng khuyến cáo, hiện nay thời tiết miền Bắc đã vào mùa đông nên sẽ lạnh hơn, tạo điều kiện cho vi rút và vi khuẩn tồn tại lâu hơn khi ở ngoài. Thời tiết tạo điều kiện cho vi rút, vi khuẩn lây nhiễm cao hơn so với mùa nóng. Chưa kể đến sắp tới có nhiều lễ hội vào cuối năm, kết hợp tâm lý chủ quan của một số người dẫn đến xuất hiện khoảng trống miễn dịch, tạo điều kiện cho các mầm bệnh truyền nhiễm hình thành, lây lan và bùng phát thành các chùm dịch trong cộng đồng, gây nguy cơ dịch chồng dịch. Trong đó, các bệnh cần hết sức lưu ý là bệnh đường hô hấp như cúm, viêm phổi phế cầu, ho gà - bạch hầu - uốn ván..., các bệnh tiêu hóa như tả, thương hàn, tiêu chảy cấp... Đáng chú ý nhất vẫn là bệnh cúm mùa ở trẻ mỗi khi thời tiết thay đổi hoặc giao mùa ở miền Bắc.
Đặc biệt khi trẻ bị nhiễm bệnh dễ chuyển biến nặng hơn so với người lớn. Khi thời tiết chuyển lạnh rất dễ ảnh hưởng tới đường hô hấp, các bé dễ bị hen phế quản hoặc cúm mùa với các biểu hiện sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, sổ mũi, đau họng, ho.
Trời rét đột ngột cần phòng bệnh như thế nào?
Gió mùa đông bắc tràn về khiến nền nhiệt tại các tỉnh miền Bắc giảm sâu, không chỉ trẻ em mà cả người lớn, người già đều dễ mắc các bệnh khi giao mùa hay thời tiết chuyển lạnh. Thời tiết trở lạnh với những đợt gió mùa chính là nguyên nhân khiến các bé dễ mắc phải nhiều căn bệnh khác nhau, đặc biệt là những bệnh đường hô hấp như viêm họng, cảm sốt, viêm mũi, ho khan...
Bên cạnh các bệnh về đường hô hấp, những bệnh về viêm da hay thậm chí nguy cơ bị đột quỵ cũng dễ xảy ra. Để phòng chống các bệnh khi giao mùa hay thời tiết chuyển lạnh, cha mẹ cần chú ý giữ ấm cho trẻ. Khi ngủ dậy, cần khởi động dần dần để cơ thể làm quen với môi trường, cần duy trì chế độ vệ sinh họng, vệ sinh môi trường sạch sẽ, tránh bụi bặm trong nhà. Môi trường sạch giúp hạn chế tình trạng nhiễm trùng khi mắc bệnh.
Biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất là chủ động tiêm vắc xin để phòng bệnh và thực hiện những lưu ý sau:
- Rửa tay thường xuyên.
- Đeo khẩu trang khi có triệu chứng viêm đường hô hấp.
- Hạn chế tiếp xúc người mắc bệnh hoặc người nghi mắc bệnh đường hô hấp.
- Nâng cao sức khỏe bằng vận động thể lực ≥ 30 phút/ngày và chế độ dinh dưỡng hợp lý.
- Khi trẻ sốt cao, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi liên hệ với cơ sở y tế.
- Không nên tắm quá muộn, lưu ý tắm nước ấm và giảm thời gian tắm so với thông thường; hạn chế tập thể dục ngoài đường, tránh những nơi nhiều gió, nước.
- Với trẻ em, nên áp dụng nguyên tắc “4 ấm, 1 lạnh”. Khi mặc quần áo cho con, mẹ chú ý đảm bảo 4 điểm trên cơ thể con luôn cần giữ ấm, đó là: bàn tay, bàn chân, ngực và lưng. Còn lại, phần đầu cần để đầu trẻ được thoáng mát.