Theo một nghiên cứu mới, gần 1 triệu trường hợp thai chết lưu mỗi năm có thể liên quan đến ô nhiễm không khí.
Nghiên cứu ước tính rằng gần một nửa số thai chết lưu có thể liên quan đến việc tiếp xúc với các hạt ô nhiễm nhỏ hơn 2,5 microngram (bụi mịn PM2.5), chủ yếu được tạo ra từ việc đốt nhiên liệu hóa thạch.
Nghiên cứu bao gồm 137 quốc gia ở châu Á, châu Phi và châu Mỹ Latinh, nơi xảy ra 98% trường hợp thai chết lưu. Không khí ô nhiễm đã được biết là làm tăng nguy cơ thai chết lưu song đây là nghiên cứu đầu tiên đánh giá số lượng thai nhi tử vong.
Thai chết lưu được mô tả là một "thảm kịch bị lãng quên" trong một báo cáo năm 2020 do Unicef công bố. Các tác động của thai chết lưu làm ảnh hưởng nặng nề đến các bà mẹ và gia đình của họ.
Nghiên cứu dịch tễ học đã không xem xét làm thế nào các hạt ô nhiễm siêu nhỏ có thể gây ra thai chết lưu nhưng sau đó họ đã tìm thấy các hạt này trong phổi và não của thai nhi. Các hạt ô nhiễm không khí lần đầu tiên được phát hiện trong nhau thai vào năm 2018, không khí ô nhiễm được biết là có mối tương quan chặt chữ với việc gia tăng tỷ lệ sảy thai, sinh non, trẻ sơ sinh nhẹ cân và rối loạn phát triển não bộ.
Tiến sĩ Tao Xue thuộc Đại học Bắc Kinh (Trung Quốc) cho biết: "Đáp ứng các mục tiêu về chất lượng không khí của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) có thể ngăn chặn một số lượng đáng kể thai chết lưu. Những nỗ lực hiện tại để ngăn ngừa thai chết lưu tập trung vào việc cải thiện dịch vụ y tế nhưng so với các yếu tố rủi ro lâm sàng, các yếu tố môi trường thường không được chú ý".
Các nhà khoa học cho biết thêm: "Chính sách không khí sạch đã được ban hành ở một số quốc gia, chẳng hạn như Trung Quốc, có thể ngăn ngừa thai chết lưu. Ngoài ra, các biện pháp bảo vệ cá nhân trước ô nhiễm không khí như đeo khẩu trang, lắp đặt máy lọc không khí, tránh ra ngoài khi ô nhiễm không khí xảy ra cũng có thể bảo vệ phụ nữ mang thai dễ bị tổn thương".
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Communications đã sử dụng dữ liệu về thai chết lưu và ô nhiễm không khí từ năm 1998 - 2016 từ 54 quốc gia có thu nhập thấp và trung bình (LMIC), bao gồm Pakistan, Ấn Độ và Nigeria. Chỉ số này được sử dụng để ước tính số ca thai chết lưu do phơi nhiễm bụi mịn PM2.5 trên 137 quốc gia LMIC, có tính đến thực tế là tác động của không khí ô nhiễm đối với các bà mẹ lớn tuổi là lớn hơn.
Hầu như tất cả các bà mẹ trong nghiên cứu đều tiếp xúc với mức bụi mịn PM2.5 cao hơn mức hướng dẫn hiện tại của WHO là 5 microgram/m3 (μg/m3). Nghiên cứu ước tính có 2,09 triệu ca thai chết lưu được ghi nhận tại các quốc gia được nghiên cứu vào năm 2015 và 950.000 ca trong số đó (45%) là do phơi nhiễm trên mức 5 μg/m3.
Hướng dẫn của WHO về bụi mịn PM2.5 là 10 μg/m3 cho đến năm 2021 và 99% các bà mẹ trong nghiên cứu đã tiếp xúc với không khí ô nhiễm ở mức độ cao hơn. Điều này có liên quan đến 830.000 trường hợp thai chết lưu, tương đương 40% trong tổng số, nghiên cứu cho thấy. Tỷ lệ thai chết lưu do ô nhiễm bụi mịn PM2.5 đặc biệt cao ở Pakistan, Ấn Độ,Nigeria và Trung Quốc. Nhìn chung, các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng mức độ phơi nhiễm bụi mịn PM2.5 tăng lên khoảng 10 µg/m3 có liên quan đến việc tăng 11% nguy cơ thai chết lưu.
Tổng số thai chết lưu đã giảm từ 2,31 triệu trong năm 2010 xuống còn 1,93 triệu vào năm 2019. Các nhà nghiên cứu cho biết việc cắt giảm ô nhiễm không khí ở một số quốc gia, chẳng hạn như Trung Quốc, có thể là một lý do quan trọng dẫn đến sự sụt giảm này. Họ ước tính rằng việc giảm ô nhiễm không khí xuống mức 10 ug/m3 hiện nay có thể ngăn ngừa 710.000 ca thai chết lưu mỗi năm. Xue cho biết: "Do sự tiếp xúc phổ biến với ô nhiễm không khí, đây là một trong những nguyên nhân quan trọng nhất dẫn đến tình trạng thai chết lưu trên toàn cầu".
Làm thế nào ô nhiễm không khí có thể gây ra thai chết lưu vẫn chưa rõ ràng song các nhà nghiên cứu cho biết các hạt ô nhiễm đi qua nhau thai có thể gây ra "tổn thương phôi thai không thể phục hồi" và cũng có thể gây hại cho chính nhau thai. Ô nhiễm không khí cũng có thể hạn chế khả năng cơ thể người mẹ truyền oxy cho thai nhi.
Các nhà khoa học cho biết trong khi số lượng thai chết lưu trên toàn cầu đang giảm, thì không có sự sụt giảm nào ở khoảng một nửa số quốc gia LMIC được đánh giá. Họ lưu ý rằng tốc độ giảm thai chết lưu chậm hơn so với tốc độ giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ em dưới 5 tuổi. "Điều này cho thấy rằng những nỗ lực thúc đẩy sức khỏe bà mẹ là không đồng đều đối với các kết quả bất lợi khác nhau và các biện pháp can thiệp liên quan đến thai chết lưu là không đủ", các nhà nghiên cứu cho biết.
Giáo sư Gregory Wellenius, Giám đốc Trung tâm Khí hậu và Sức khỏe tại Đại học Boston (Mỹ), người không tham gia vào nghiên cứu, cho biết: "Nghiên cứu này đã chứng minh rằng ô nhiễm không khí ở mức độ hiện tại góp phần gây ra một số lượng đáng kể thai chết lưu trên thế giới. Đánh giá tác động sức khỏe như thế này luôn dựa trên một số giả định quan trọng. Mặc dù tỷ lệ thai chết lưu có thể được ngăn chặn thông qua việc giảm bụi mịn PM2.5 là chưa chắc chắn, nhưng nghiên cứu này đã bổ sung thêm bằng chứng khoa học cho thấy việc giảm mức độ ô nhiễm không khí sẽ cải thiện sức khỏe của mọi người trên khắp thế giới, đặc biệt là những người dễ bị tổn thương nhất".