Điều tiếng, scandal gây tranh cãi gần như luôn ‘bủa vây’ Mike Tyson. Thế nhưng, những màn trình diễn khó quên bên trong sàn đấu giúp cựu vương của giới quyền anh nắm giữ danh hiệu đặc biệt đến nay vẫn chưa võ sĩ nào khác vượt qua.
Hiện đã bước sang tuổi 53, Mike Tyson vẫn nổi tiếng bởi là tượng đài của giới quyền anh cùng loạt phát ngôn gây tranh cãi, thói cư xử lập dị, và những lần góp mặt trên phim ảnh.
Tài năng đấm bốc của ông từng bị ‘vấy bẩn’ bởi nhiều scandal đáng quên, đầu tiên là tội danh cưỡng bức chấn động năm 1992. Nỗi ô nhục tiếp diễn khi người hâm mộ chứng kiến cảnh Tyson cắn đứt 1 mảnh tai của đối thủ Evander Holyfield trong cuộc ‘đọ găng’ năm 1997. Sau đó, sự nghiệp đấu sĩ da màu dần lu mờ với chuỗi thành tích thất bại liên tục vào đầu thập niên 2000.
Trước ‘đoạn kết’ buồn kể trên, tuy nhiên, ‘tay đấm thép’ Mike Tyson đã có thời khiến giới thể thao chao đảo khi đoạt danh hiệu Hạng nặng thế giới ở độ tuổi bấy giờ mới 20 – chinh thức trở thành võ sĩ trẻ nhất trong lịch sử quyền Anh chuyên nghiệp, kỉ lục vốn đến tận ngày nay chưa ai vượt qua được.
Tyson (trái) đối đầu Jose Ribalta ở Atlantic City tháng 8.1986.
Tháng 11.1986, Trevor Berbick, võ sĩ gốc Jamaica từng đánh bại Muhammad Ali năm 1981 – có cuộc đối đầu với Tyson tại khách sạn Hilton Las Vegas, trong lần đầu bảo vệ danh hiệu WBC Berbick dành được tháng 3 cùng năm. Sự kiện được quảng bá như ‘Ngày Phán Xét’ kết thúc với một màn TKO (quả đấm knockout kỹ thuật) của Tyson vào hiệp 2 khiến Berbick, trước đó đã phải hứng chịu 16 cú đấm knockout ở hiệp 1, không thể gượng dậy.
Việc Tyson đánh bại một đấu thủ lão luyện không gây nhiều ngạc nhiên cho bất kì ai theo dõi sự nghiệp của ông từ buổi đầu. Màn hạ knockout Berbick đánh dấu chiến thắng lẫy lừng Tyson giành được chỉ 20 tháng sau khi chính thức tham gia giải chuyên nghiệp.
Berbick ngã ra sàn sau khi Tyson giành chiến thắng với cú TKO ấn tượng vào hiệp 2, trong trận đấu ‘lịch sử’ diễn ra tại Las Vegas năm 1986.
Tyson từng không ít lần minh chứng danh tiếng như một ‘chuyên gia hạ knockout’ tàn bạo, từ màn đánh gãy mũi Jesse Ferguson, đến lần làm ‘đo ván’ Marvis Frazier, người từng thách đấu cho ngôi vô địch thế giới, bằng chuỗi cú đấm knockout chỉ diễn ra trong 38 giây.
Trận so tài kinh điển với Frazier thể hiện một Tyson đáng kinh sợ. Phong cách hù dọa đối thủ như ‘chơi ú òa’ giúp định hình danh tiếng của Tyson, đặc biệt qua sóng truyền hình, được truyền thụ bởi huấn luyện viên tài năng Cus D’Amato, người qua đời vì bệnh viêm phổi năm 1985 ở tuổi 77.
Không thể chứng kiến tận mắt cậu học trò nổi tiếng phát huy tài năng đấm bốc, D’Amato vẫn kịp để lại dấu ấn đậm nét trong cuộc đời Tyson. Chính ông đã nuôi dưỡng, hướng dẫn một võ sĩ trẻ vô danh tiến bước đến đỉnh cao danh vọng.
Tyson gặp người thầy quá cố lần đầu khi mới 12 tuổi. Chưa từng thấy mặt cha ruột, võ sĩ người Mỹ lớn lên ở khu phố nghèo Brooklyn, New York. Trải qua thời niên thiếu cơ cực, chỉ biết đánh đấm, gây sự khi đi học, Tyson được D’Amato phát hiện và dìu dắt vào nghề. Ông khuyến khích học trò tham gia giải đấu nghiệp dư dành cho thiếu niên, giúp ‘mài giũa’ những kỹ năng quyền Anh đầu tiên của Tyson.
Khi mẹ ruột mất năm Tyson 16 tuổi, D’Amato – lúc này đã sắm vai ‘người cha’ trước võ đài của cậu thiếu niên nổi loạn – đồng thời trở thành người bảo trợ hợp pháp cho Tyson.
D’Amato – người thầy và cố vấn kỳ cựu đã nâng đỡ Tyson đến thành công –trong một sự kiện phỏng vấn năm 1980.
Rèn luyện tư thế đánh ‘ú òa’ đặc trưng – với đôi tay che chắn gương mặt, khuỷu tay rúc vào, cúi người để ra loạt cú đấm liên hoàn – đã giúp Tyson thu về những chiến thắng giá trị đầu tiên vào kỳ Olympic 1981 và 1982.
Khi dành danh hiệu võ sĩ Hạng nặng chuyên nghiệp trẻ nhất trong lịch sử, Tyson đã ‘đánh bại’ kỉ lục trước đó lập bởi Floyd Patterson vào năm 1956 – cũng chính là một cựu học trò của D’Amato.
Tyson giữa một cuộc đấu tại New York năm 1985.
Đánh mất người thầy và cố vấn tin cậy ngay giữa đỉnh cao sự nghiệp, sau đó khiến Tyson ‘sa lầy’ vào không ít vấn đề bên trong lẫn ngoài sàn đấu. Võ sĩ da màu có lần tiết lộ, bản thân ông phát triển kỹ năng đấm bốc hung tợn và quyết liệt nhờ D’Amato. Trong cuốn tự truyện ‘Iron Ambition: My Life with Cus D Amato’, Tyson chia sẻ chưa từng thấy ‘e sợ’ và kính nể ai theo cách ông nể trọng huấn luyện viên quá cố người Ý.
Sau khi lần nữa chiến thắng thuyết phục trước Berbick năm 1987, Tyson đoạt chức vô địch IBF (giải đấu thuộc liên đoàn quyền Anh quốc tế) trong cùng năm. Chuỗi danh hiệu bất bại của ông bắt đầu ‘đứt đoạn’ từ năm 1990, khi Tyson bị hạ gục một cách khó tin bởi Buster Douglas – võ sĩ bị xem là yếu thế hơn hẳn.
Như Ý (Theo Dailymail)