PGS-TS Trần Đình Thiên đề nghị hỗ trợ đặc biệt cho các doanh nghiệp KH-CN, đổi mới sáng tạo, để KH-CN trở thành động lực phát triển mạnh mẽ nhất trong giai đoạn tới.

Mô hình tăng trưởng dễ dãi, động lực phát triển suy giảm

Lam Thanh | 28/04/2022, 14:23

PGS-TS Trần Đình Thiên đề nghị hỗ trợ đặc biệt cho các doanh nghiệp KH-CN, đổi mới sáng tạo, để KH-CN trở thành động lực phát triển mạnh mẽ nhất trong giai đoạn tới.

Tụt hậu không còn là nguy cơ, mà đã thành hiện thực

Tham luận tại Hội thảo “Chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế” vừa diễn ra, PGS-TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhận định: Hơn 30 năm đổi mới, thành tích tăng trưởng và phát triển kinh tế của nước ta là rất tích cực. Tuy nhiên, nền kinh tế đang chứa đựng hàng loạt vấn đề nghiêm trọng như: tăng trưởng không vững chắc, xu hướng suy giảm tốc độ tăng trưởng GDP, các điểm tắc nghẽn chậm được tháo gỡ…

tdt2.jpg
PGS-TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam phát biểu tại hội thảo

Theo ông Thiên, tình trạng tụt hậu của Việt Nam đã không còn là nguy cơ mà đã thành hiện thực. Thành tích tăng trưởng của Việt Nam chưa đủ xuất sắc để rút ngắn, thu hẹp khoảng cách tụt hậu trong sự phát triển của thế giới; động lực tăng trưởng và phát triển của Việt Nam chưa đủ mạnh để giúp nền kinh tế bứt lên.

“Vấn đề mấu chốt là động lực tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đã suy giảm liên tục sau giai đoạn khởi động đổi mới khá ngoạn mục. Nguyên nhân thuộc về cơ cấu nội tại của nền kinh tế chứ không phải do những sai sót chính sách nhất thời hay những yếu kém riêng lẻ nào đó của bộ máy điều hành”, ông Thiên nhận định.

Dẫn chứng, ông Thiên chỉ ra động thái tăng trưởng GDP lạ lùng: “Tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước, trừ 2 năm 2020 và 2021, thì luôn luôn hoàn thành kế hoạch tăng trưởng hằng năm”.

“Điều này phản ánh trạng thái khác thường của động lực phát triển: luôn cố gắng tối đa để đạt thành tích tăng trưởng ngắn hạn, trong khi “có vấn đề” của tăng trưởng dài hạn. Không nghi ngờ gì, chủ nghĩa thành tích là một thứ “động lực” tăng trưởng rất mạnh của nền kinh tế Việt Nam”, ông Thiên nhìn nhận.

tdt.jpg
Tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước, trong khi tăng trưởng dài hạn "có vấn đề"

Chuyên gia Trần Đình Thiên cho rằng do ngắn hạn nên động cơ tăng trưởng này không định hướng tới các mục tiêu căn bản và dài hạn, như thay đổi trình độ cơ cấu ngành, nâng cấp công nghệ, tăng năng suất lao động và nâng cao chất lượng tăng trưởng…

Ngoài ra, doanh nghiệp manh mún, nhỏ bé, “chậm lớn, khó lớn, không muốn lớn”, thiếu trục liên kết, dẫn dắt phát triển với các tập đoàn kinh tế tư nhân mạnh. Cùng với tình trạng chia cắt doanh nghiệp, tình trạng chia cắt không gian phát triển cho thấy nền kinh tế thiếu động lực liên kết.

“Tình trạng phát triển dàn hàng ngang, thiếu trọng tâm, trọng điểm, không có mũi nhọn, không có đầu tàu đúng nghĩa đã tồn tại trong nhiều năm. “Chiến lược phát triển quả mít” là thuật ngữ mô tả chính xác và sinh động trạng thái phát triển này”, ông Thiên nêu.

Mô hình tăng trưởng dễ dãi, động lực phát triển suy giảm

Ông Thiên cho rằng sau giai đoạn khởi động đổi mới, xuất hiện nhiều yếu tố cản trở, làm suy yếu động lực phát triển kinh tế. Cụ thể là không giải quyết tốt mối quan hệ giữa “phát triển kinh tế thị trường” và “giữ vững định hướng XHCN”, thiếu vắng môi trường cạnh tranh, lành mạnh; duy trì quá lâu cơ chế “phân biệt đối xử”, kéo theo đó là hệ thống xin - cho, nguồn gốc trực tiếp của tham nhũng, nhóm lợi ích…

“Đây cũng là yếu tố chủ chốt làm triệt tiêu các động lực khuyến khích theo tinh thần “cạnh tranh thị trường bình đẳng”. Sự rườm rà, phức tạp và kém hiệu quả của hệ thống quy định, điều kiện kinh doanh của Nhà nước đã làm tăng chi phí sản xuất kinh doanh gấp bội, làm suy yếu sức cạnh tranh của doanh nghiệp”, ông Thiên nói.

Cũng theo vị chuyên gia, một mô hình tăng trưởng “dễ dãi” - dựa vào khai thác các nguồn tài nguyên sẵn có, vào nguồn lao động thiếu kỹ năng, vào việc “bơm” tín dụng rẻ đã gây ra hệ lụy triệt tiêu động lực. Điều này dẫn đến một nền kinh tế mang nặng tính đầu cơ.

“Không hề là tình cờ khi trong nhiều năm liền, số lượng doanh nghiệp bất động sản, các trung tâm, tư vấn môi giới kinh doanh bất động sản và chứng khoán thường chiếm tỷ lệ áp đảo trong tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới”, ông Thiên nêu.

tdt4.jpg
Nhiều năm liền, số lượng doanh nghiệp bất động sản đăng ký thành lập mới chiếm tỷ lệ áp đảo so với những doanh nghiệp lĩnh vực khác

Một vấn đề nữa, trong nhiều năm, mô hình tăng trưởng của Việt Nam được thiết kế theo định hướng khuyến khích nhập khẩu. Mô hình này không khuyến khích đổi mới sáng tạo, triệt tiêu năng lực liên kết chuỗi và cạnh tranh lành mạnh trong cộng đồng doanh nghiệp Việt.

Chưa kể, cơ chế thu hút người tài quá thô sơ, chú trọng đến những “món lợi nhỏ” (tăng lương, thưởng, nhà ở) để hấp dẫn họ những không chú ý tạo điều kiện để họ phát huy năng lực. Điển hình của hệ thống khuyến khích ngược là tình trạng vận dụng nguyên tắc “chọn người thắng” thay cho nguyên tắc “thưởng người thắng”.

Theo ông Thiên, với cách tạo động lực phát triển phi thị trường này mà ở Việt Nam sau hơn 30 năm chuyển sang kinh tế thị trường, chỉ có rất ít doanh nghiệp tư nhân đủ sức vươn dậy thành tập đoàn kinh tế lớn, nhất là trong công nghiệp. Trong khi đó, các tập đoàn kinh tế nhà nước, được thúc đẩy phát triển theo cơ chế “chọn người thắng”, cũng không thể lớn bình thường, làm ăn kém hiệu quả, độ rủi ro cao.

Cạnh tranh thu hút FDI kiểu “cùng xuống đáy”

PGS-TS Trần Đình Thiên cho rằng chính sách thu hút và sử dụng vốn FDI định hướng thiên lệch, mang tính phân biệt đối xử với lực lượng kinh tế bản địa.

Cụ thể, để thu hút đầu tư nước ngoài, Việt Nam ưu đãi chính sách thuế, tiếp cận đất đai, giá cả đầu vào (giá năng lượng, phí môi trường thấp), tiếp cận nhân lực, ít phải chịu tác động lạm phát trong nước và lãi suất vay cao… tạo ra tình thế cạnh tranh bất bình đẳng giữa doanh nghiệp trong nước.

“Cuộc cạnh tranh thu hút đầu tư nước ngoài giữa các địa phương theo nguyên lý “cùng xuống đáy” gây tổn hại lợi ích cho các địa phương, làm cho các doanh nghiệp trong nước, vốn đang yếu, dễ rơi vào thế bất lợi, chịu thiệt nhiều mặt, giảm động lực phát triển”, ông Thiên nêu.

tdt5.jpg
Cuộc cạnh tranh thu hút đầu tư nước ngoài giữa các địa phương đang diễn ra theo nguyên lý “cùng xuống đáy”

Theo chuyên gia này, đây là một trong những nguyên nhân quan trọng giải thích tại sao đa số doanh nghiệp nước ngoài đầu tư ở Việt Nam sử dụng công nghệ không cao, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường lớn, trả lương thấp và không muốn liên kết phát triển với các doanh nghiệp nội địa. Một bộ phận lớn doanh nghiệp nước ngoài khai lỗ liên tục nhiều năm nhưng lại không ngừng mở rộng kinh doanh…

Hỗ trợ phát triển KH-CN, đổi mới sáng tạo

PGS-TS Trần Đình Thiên đề nghị xây dựng chiến lược phát triển đồng bộ các thị trường đầu vào, đặc biệt chú ý phát triển thị trường đất đai, theo tinh thần thừa nhận chế độ đa sở hữu; xây dựng hệ thống pháp luật tôn trọng và bảo vệ các quyền tài sản của các chủ thể kinh tế…

Đồng thời cần xây dựng và triển khai chương trình quốc gia “Phát triển lực lượng doanh nghiệp Việt Nam” theo tinh thần thị trường: các chủ thể bình đẳng về tư cách, khác biệt về chức năng, “khuyến khích người thắng”; phát triển các tập đoàn kinh tế mạnh thành lực lượng dẫn dắt các chuỗi, trụ cột là các tập đoàn tư nhân.

Song song với đó, xây dựng một nhà nước phục vụ phát triển, nhà nước thông minh, trong đó, một nội hàm quan trọng là xây dựng “Chính phủ số” và “đô thị thông minh”. Cụ thể, tuyển chọn cán bộ và trách nhiệm công việc, trả lương theo chức năng; mức độ hoàn thành công việc…

Ngoài ra, thực hiện chiến lược thu hút và sử dụng đầu tư nước ngoài theo nguyên tắc “hạn chế ưu đãi, quan tâm xây dựng thể chế tốt”; hình thành và phát triển các chuỗi sản xuất với sự tham gia tích cực của các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài.

tdt3.jpg
Ông Trần Đình Thiên đề nghị hỗ trợ đặc biệt doanh nghiệp KH-CN để tạo động lực phát triển trong giai đoạn tới

Một vấn đề nữa, ông Thiên đề nghị thiết kế hệ thống chính sách nhất quán và định hướng dài hạn, hạn chế nhập khẩu đầu vào phục vụ gia công lắp ráp, gây ô nhiễm môi trường (công nghệ thấp và giá trị gia tăng thấp) và xu hướng thúc đẩy các hoạt động đầu cơ; từ bỏ cơ chế phân phối vốn theo kiểu chia đều, xin - cho; phát triển các đô thị thông minh, trước tiên là các đô thị đầu tàu.

Đặc biệt, theo ông Thiên, cần có chính sách hỗ trợ đặc biệt các doanh nghiệp khoa học - công nghệ, đổi mới - sáng tạo, để khoa học - công nghệ trở thành động lực phát triển mạnh mẽ nhất trong giai đoạn tới.

Bài liên quan
Chủ tịch nước Lương Cường: Việt Nam sẽ là cửa ngõ kết nối các doanh nghiệp Peru với thị trường ASEAN
Trưa 14.11 (theo giờ địa phương), tại thủ đô Lima, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Peru và tham dự Tuần lễ Cấp cao APEC 2024, Chủ tịch nước Lương Cường đã có buổi tiếp lãnh đạo một số doanh nghiệp tiêu biểu Peru. Đây đều là doanh nghiệp lớn của Peru trong các lĩnh vực khai khoáng, năng lượng, đầu tư cảng biển, dịch vụ tài chính, quản lý quỹ tương hỗ, điện và bảo hiểm...

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Temu, Shein... 'đổ bộ' Việt Nam, chuyển đổi số cấp thiết hơn bao giờ hết
9 giờ trước Khoa học - công nghệ
Chuyển đổi số trong linh vực bán buôn, bán lẻ đang cấp thiết hơn bao giờ hết khi các sàn thương mại điện tử như Temu, Shein... "đổ bộ" thị trường Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mô hình tăng trưởng dễ dãi, động lực phát triển suy giảm