Hôm 26.8, Moderna đã kiện Pfizer và đối tác BioNTech vi phạm bằng sáng chế trong việc phát triển vắc-xin COVID-19 đầu tiên được phê duyệt ở Mỹ,
Cụ thể là cáo buộc họ đã sao chép công nghệ mà Moderna đã phát triển nhiều năm trước đại dịch.
Hôm 26.8, cổ phiếu hãng dược Pfizer (Mỹ) giảm gần 1%, trong khi cổ phiếu của công ty công nghệ sinh học BioNTech (Đức) niêm yết ở Mỹ giảm khoảng 1,5%. Cổ phiếu công ty công nghệ sinh học Moderna giảm 1,7%.
Vụ kiện, nhằm tìm kiếm những thiệt hại về tiền bạc chưa xác định, đã được đệ trình lên tòa án quận ở bang Massachusetts (Mỹ). Trong một thông cáo báo chí hôm 26.8, Moderna cho biết vụ kiện cũng sẽ được đệ trình lên tòa án khu vực thành phố Duesseldorf ở Đức.
Trả lời Reuters, người phát ngôn của tòa án khu vực Duesseldorf cho biết: "Tôi hiện không thể xác nhận việc nhận được đơn kiện như vậy”.
Stephane Bancel, Giám đốc điều hành Moderna, cho biết trong thông cáo báo chí: “Chúng tôi đang đệ đơn các vụ kiện này để bảo vệ nền tảng công nghệ mRNA sáng tạo mà chúng tôi đã đi tiên phong, đầu tư hàng tỉ USD để tạo ra và được cấp bằng sáng chế trong suốt thập kỷ trước đại dịch COVID-19".
Moderna tuyên bố vụ kiện của họ không nhằm mục đích ngăn cản người dân tiêm vắc xin COVID-19.
Moderna và liên minh Pfizer - BioNTech là hai trong số những công ty đầu tiên phát triển vắc xin COVID-19.
Trong một tuyên bố gửi qua email, người phát ngôn của Pfizer cho biết: "Pfizer - BioNTech vẫn chưa xem xét đầy đủ đơn kiện nhưng chúng tôi rất ngạc nhiên trước vụ kiện tụng liên quan vắc xin COVID-19 dựa trên công nghệ mRNA độc quyền của BioNTech và được phát triển bởi cả BioNTech - Pfizer. Chúng tôi vẫn tin tưởng vào tài sản trí tuệ của mình hỗ trợ vắc xin Pfizer - BioNTech và sẽ mạnh mẽ bảo vệ trước các cáo buộc của vụ kiện”.
BioNTech đã không trả lời ngay lập tức khi được đề nghị bình luận.
Một thập kỷ qua, Moderna (có trụ sở tại thành phố Cambridge, bang Massachusetts, Mỹ) là nhà cải tiến trong công nghệ vắc xin mRNA cho phép phát triển vắc xin COVID-19 với tốc độ chưa từng có.
Quá trình phê duyệt trước đó mất nhiều năm đã được hoàn thành trong nhiều tháng, phần lớn nhờ vào bước đột phá trong vắc xin mRNA, giúp tế bào con người tạo ra một loại protein kích hoạt đáp ứng miễn dịch.
BioNTech cũng hoạt động trong lĩnh vực này khi hợp tác với hãng dược phẩm khổng lồ Pfizer.
Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã cấp phép sử dụng khẩn cấp vắc xin COVID-19 của Pfizer - BioNTech vào tháng 12.2020 và một tuần sau đó đến vắc xin Moderna.
Vắc xin COVID-19 của Moderna (sản phẩm thương mại duy nhất của công ty công nghệ sinh học Mỹ) đã mang lại doanh thu 10,4 tỉ USD vào năm nay, trong khi vắc xin của Pfizer mang lại doanh thu khoảng 22 tỉ USD.
Theo nhà phân tích Tyler Van Buren của ngân hàng đầu tư độc lập đa quốc gia Cowen & Co, vụ kiện có thể sẽ mất nhiều năm.
Moderna cáo buộc Pfizer – BioNTech sao chép công nghệ mRNA mà hãng đã được cấp bằng sáng chế từ năm 2010 đến 2016, trước khi COVID-19 xuất hiện vào cuối 2019 và bùng nổ thành đại dịch toàn cầu vào đầu 2020.
Trong giai đoạn đầu đại dịch, Moderna cho biết sẽ không thực thi bằng sáng chế COVID-19 của mình để giúp những người khác phát triển vắc xin riêng, đặc biệt là cho các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình. Song vào tháng 3.2022, Moderna nói mong đợi các công ty như Pfizer và BioNTech tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ của mình.
Moderna cho biết sẽ không tìm kiếm thiệt hại cho bất kỳ hoạt động nào trước ngày 8.3.2022. Việc kiện tụng bằng sáng chế không phải là hiếm trong giai đoạn đầu của công nghệ mới.
Pfizer và BioNTech phải đối mặt với nhiều vụ kiện từ các công ty khác, nói rằng vắc xin này vi phạm bằng sáng chế của họ. Pfizer - BioNTech tuyên bố sẽ bảo vệ các bằng sáng chế của mình một cách mạnh mẽ.
Ví dụ như CureVac cũng đã đệ đơn kiện BioNTech ở Đức vào tháng 7.
Moderna cũng đã bị kiện vi phạm bằng sáng chế ở Mỹ và đang có tranh chấp với Viện Y tế Quốc gia Mỹ về quyền với công nghệ mRNA.
Trong tuyên bố hôm 26.8, Moderna cho biết Pfizer - BioNTech đã chiếm đoạt hai loại tài sản trí tuệ.
Một liên quan đến cấu trúc mRNA mà Moderna nói các nhà khoa học của họ bắt đầu phát triển vào năm 2010 và là hãng đầu tiên xác nhận trong các thử nghiệm trên người vào năm 2015.
"Pfizer và BioNTech đã đưa bốn ứng cử viên vắc xin khác nhau vào thử nghiệm lâm sàng, trong đó bao gồm cả các lựa chọn có thể dẫn dắt con đường sáng tạo của Moderna", Moderna tuyên bố.
Vụ vi phạm thứ hai bị cáo buộc liên quan đến việc mã hóa một loại protein gai có chiều dài đầy đủ mà Moderna cho biết các nhà khoa học của họ đã phát triển trong khi tạo ra một loại vắc xin phòng chống coronavirus gây ra Hội chứng Hô hấp Trung Đông (MERS).
Dù vắc xin MERS chưa bao giờ được đưa ra thị trường, sự phát triển nó giúp Moderna nhanh chóng tung ra vắc xin COVID-19 của mình.